Hợp đồng mua bán điện trực tiếp còn làm giảm giá điện dài hạn của bên mua
Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.
Ông Đào Nhật Đình (Tạp chí Năng lượng Việt Nam) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lượng điện năng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu toàn thế giới đạt khoảng 240-340 tỉ kWh (lớn hơn điện năng tiêu thụ của cả nước Việt Nam). Phần lớn các siêu công ty như Amazon, Google, Apple… sở hữu các trung tâm dữ liệu lớn luôn muốn sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo, nhằm tạo thương hiệu xanh - thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Để làm được như vậy, ông Đào Nhật Đình cho rằng, cần các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Ngoài việc tạo ra màu “xanh” cho người mua, hợp đồng mua bán điện trực tiếp còn làm giảm giá điện dài hạn của bên mua và tạo ra nguồn đầu tư chắc chắn cho bên bán - tức là tạo ra lợi ích kinh tế thuần túy. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán điện trực tiếp phần nào tạo ra áp lực lớn cho lưới điện do buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. "Vì lẽ đó phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện”, ông Đình nói.
Chi phí truyền tải của Việt Nam hiện tại thấp so với các nước có hệ thống tương đương, do đó, ông Đào Nhật Đình cho rằng, cơ chế DPPA có thể vẫn giúp nhà đầu tư và người mua điện trực tiếp mua được điện giá tốt hơn là mua qua EVN.
"Hiện Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Thế nên trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại", ông Đình nói.
Không giới hạn khách hàng
Ngày 1.10.2023, Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho rằng, việc đẩy nhanh cơ chế DPPA giúp doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo sớm đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tốt.
"Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hướng từ nhanh sang bền vững. Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã triển khai, đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các sản phẩm của mình sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu", ông Hòa nói.
Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch EVN, trong cuộc họp về cơ chế DPPA với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 14.5 cũng cho rằng - hoàn toàn có thể tạo thị trường mua bán điện trực tiếp, không giới hạn người bán và người mua. Khi đó, các bên tham gia sẽ chi trả chi phí vận hành, truyền tải để EVN đảm bảo an toàn lưới điện.
Góp ý về cơ chế mua bán điện trực tiếp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định).
Về đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.