Bỏ lỡ nguồn vốn xanh quốc tế
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Xanh hoá nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu. Trong quá trình phát triển, Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô trong nước (than, dầu, thép). Kể từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đang chuyển dần từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh trong chiến lược phát triển dài hạn quốc gia.
Thị trường tài chính xanh Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh và có thể tiếp cận hàng tỉ USD tín dụng xanh từ quốc tế. Nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng xanh của Việt Nam là rất lớn. Theo WorldBank, mức đầu tư tối thiểu trung bình cần đạt là 20,4 tỉ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2040.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho rằng: “Sau tuyên bố tại COP26, Việt Nam nhận được sự ưu tiên đặc biệt lớn để phát triển tài chính xanh từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, những trở ngại về mặt pháp lý và điều phối nên đến nay Việt Nam tiếp cận tài chính xanh bị hạn chế rất nhiều.
Nếu Việt Nam vẫn dùng cơ chế và thể chế như hiện nay mà áp vào cho việc thu hút nguồn lực thế giới thì tôi sợ rằng, Việt Nam có thể sẽ bị bỏ lỡ nguồn vốn quốc tế. Đến giờ, có nhiều hỗ trợ kỹ thuật đang xếp hàng chờ Việt Nam đồng ý. Các nhà đầu tư đang rất nản lòng và chuyển dần nguồn vốn tài trợ tín dụng xanh sang những nước khác. Các hỗ trợ kĩ thuật không hoàn lại cho Việt Nam rất nhiều, có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, một ví dụ đơn giản là để có được thư không phản đối có khi phải mất 5- 6 tháng khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng”.
Giải pháp để phát triển tài chính xanh
Để gỡ vướng mắc trong phát triển tín dụng xanh, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng: “Việt Nam cần có cơ quan chuyên trách để tạo điều kiện phát triển, điều phối liên ngành trong lĩnh vực này. Ở Việt Nam, hiện nay tín dụng xanh liên quan nhiều bộ, ngành. Hệ thống tiêu chí đó bao gồm nhiều lĩnh vực, có thể vượt ra khỏi một bộ, ngành. Để có Bộ tiêu chí khuyến khích phát triển tín dụng xanh cần có cơ chế đặc biệt là không nên tập trung quá vào một ngành riêng lẻ”.
Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn, tuy nhiên thiếu hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng. Các quy định hiện nay mang tính định hướng, phát triển chung cho thị trường trái phiếu xanh mà chưa có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt là tiêu chí xanh trong nước, cơ chế, giám sát xử lý nguồn vốn xanh huy động từ trái phiếu và quyền lợi nghĩa vụ các bên liên quan.
Hiện chưa có khung pháp lý riêng cho thị trường trái phiếu xanh, chưa có quy định pháp lý cho việc phát hành trái phiếu xanh làm hành lang pháp lý cho việc gắn nhãn cho trái phiếu xanh, xã hội bền vững.
“Trong tương lai, Việt Nam hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn xanh quốc tế với môi trường pháp lý đang được hoàn thiện, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp cũng đang nỗ lực để kinh doanh tuần hoàn, phát triển tài chính xanh nhiều hơn, hiệu quả hơn nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế về phát triển bền vững” - TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - nhận định.
Các chuyên gia của BIDV và ADB cho rằng: “Cần đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, kể cả cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh. Thêm vào đó, cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn chứng khoán xanh, tín dụng xanh để các chủ thể nhất quán áp dụng”.