Để doanh nghiệp bật dậy sau dịch COVID-19: Cải thiện nguồn thu để vượt khó

nhóm phóng viên |

Thuộc nhóm các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, vận tải hành khách đang tìm mọi cách để tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí, bố trí một lượng lớn người lao động nghỉ việc tạm thời và tìm kiếm khách hàng mới để có nguồn tiền nhằm tăng cường khả năng chống chọi trước mắt với nguy cơ phá sản.

Cơ sở lưu trú chuyển hướng theo dịch

Chị Phạm Xuân Hồng - Giám đốc bán hàng của một chuỗi khách sạn - resort quy mô vừa tại Sa Pa (Lào Cai), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, hệ thống hiện nay đang buộc phải đóng cửa 2 khách sạn lớn nhất trong chuỗi do gần như không còn khách đến lưu trú. Một lượng lớn nhân viên của 2 khách sạn này buộc phải thỏa thuận nghỉ việc tạm thời không lương hoặc chỉ nhận được một khoản lương hỗ trợ tượng trưng nhằm chia sẻ khó khăn với chủ doanh nghiệp (DN), chờ tình hình khá hơn.

Khách sạn duy nhất còn hoạt động hiện dựa chủ yếu vào nguồn thu từ lượng khách cách ly tập trung tự nguyện trả chi phí theo quy định của Bộ Y tế.

Trong khi đó, theo thông tin từ TCty Du lịch Hà Nội, tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành Du lịch là rất nặng nề và khiến hầu hết các khách sạn của thành phố chỉ đạt công suất phòng từ 10-15%, thậm chí hoàn toàn không có khách.

Thực tế này khiến nhiều khách sạn và chủ DN kinh doanh khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản nên giải pháp đón nhận lượng khách và công dân có nhu cầu tự nguyện chi trả chi phí để vào cách ly tại khách sạn được coi là giải pháp cấp bách.

Hiện nay, khách sạn Hòa Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang là cơ sở cách ly y tế tập trung quy mô lớn theo người tự nguyện chi trả. Ngoài Hòa Bình, rất nhiều khách sạn có quy mô lớn khác như: Khách sạn Espana (quận Hoàn Kiếm, 50 phòng) và khách sạn Lakeside (quận Ba Đình, 200 phòng) ngay từ tháng 3.2020 cũng sẵn sàng tổ chức thành điểm cách ly tập trung tự chi trả.

Với nhiều khách sạn khác, chuyển đổi từ dịch vụ lưu trú thông thường sang cơ sở cách ly tự nguyện chi trả chi phí nhằm ngăn chặn COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định 1246 ban hành cuối tháng 3.2020 là cơ hội cải thiện nguồn thu, tăng khả năng chống chọi trước mắt để có thể tồn tại trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Báo cáo của Bộ VHTTDL cho biết, tính đến nay có khoảng 156 cơ sở lưu trú trên cả nước với 14.723 buồng phòng được chọn làm nơi cách ly.

“Dù phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Bộ Y tế nhằm đảm bảo điều kiện cách ly tự nguyện chi trả, đón nhận lượng khách đến cách ly là giải pháp khả dĩ nhất với các khách sạn lúc này nhằm có nguồn tiền duy trì hoạt động, giữ chân người lao động trong lúc chờ dịch bệnh qua đi” - chị Xuân Hồng chia sẻ.

Hàng không tìm cách giảm thất thu

Với ngành Vận tải, số liệu ước tính của Bộ Giao Vận tải cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 30.000 tỉ đồng doanh thu, giảm 60% so với cùng kỳ, doanh thu ngành Đường sắt và đường bộ cũng giảm trên 20%. Tuy nhiên theo tính toán của Vietnam Airlines (VNA), hãng dự báo sẽ giảm doanh thu tới 50.000 tỉ đồng trong năm 2020 do giảm tải cung ứng khoảng 60%, gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải dừng hoạt động.

Theo ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc VNA - để vượt qua giai đoạn này, Vietnam Airlines sẽ thực hiện một loạt giải pháp đột phá như tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết. Những điều chỉnh trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả cán bộ công nhân viên khi hơn 50% người lao động, tức khoảng 10.000 người phải ngừng việc; toàn bộ người lao động phải giảm lương, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.

Đại diện đoàn tiếp viên VNA chia sẻ, do việc cắt giảm các đường bay, hiện số chuyến bay toàn mạng chỉ đạt 11,5% với kế hoạch, nên trên 1.500 tiếp viên cơ hữu đăng ký không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, tình nguyện không nhận lương chức danh, lương thu nhập. Hiện đoàn tiếp viên của VNA có 3.181 người, trong đó một phần lớn là những lao động ký hợp đồng qua Cty cổ phần Cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không - Alsimexco với mức lương từ 15-18 triệu đồng/người/tháng.

Từ 1.4.2020 đến 31.12.2020, đoàn tiếp viên đề nghị tạm hoãn hợp đồng lao động với toàn bộ tiếp viên Alsimexco. Đáng chú ý, đoàn bay 919 với  gần 1.200 phi công cũng đang gặp không ít khó khăn. Một cơ trưởng A350 cho biết từ ngày 1.4, anh bay chuyến nào hưởng chuyến đó và không bay sẽ chỉ hưởng lương cơ bản là 4,7 triệu đồng/tháng.

Đại diện Cty TNHH Phục vụ mặt đất Việt Nam (VIAGS) cho biết, để đảm bảo cho hơn 3.000 lao động không bị mất việc, đơn vị đã thực hiện bố trí lao động làm việc luân phiên và điều chỉnh lại tiền lương để ít nhất người lao động phải được hưởng mức lương tối thiểu vùng. Để chia sẻ với công ty, ban giám đốc cũng tự nguyện làm việc không hưởng lương, trong lúc đội ngũ cán bộ nhận lương tối thiểu vùng trong 3 tháng.

Theo Ban Tổ chức cán bộ, TCty Đường sắt Việt Nam, hiện số lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm lên tới hơn 3.180 người. Số lao động phải ngừng việc tính đến nay chiếm 51% số lao động hiện đang phục vụ vận tải. TCty đã hướng dẫn các đơn vị thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động ảnh hưởng bởi dịch theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH. Đồng thời rà soát, lên danh sách người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập để nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Giãn thuế, bơm tiền để vực dậy doanh nghiệp

Tại hội nghị đối thoại giữa Hà Nội với cộng đồng DN Thủ đô tổ chức chiều 16.4, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG - cho biết: BRG là DN kinh doanh đa ngành nên chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính sơ bộ của tập đoàn cho thấy, mức thiệt hại vào khoảng 1.000 tỉ đồng, hiện có 3.700 tấn gạo chưa thể xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Nga đề xuất cần nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân gold trên tinh thần vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đề nghị cần tăng thêm thời gian giãn thuế để hỗ trợ DN, theo đó đề nghị Bộ Tài chính cho phép các DN được tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm; giảm 50% thuế giá trị gia tăng; gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6; tăng thời gian gia hạn nộp tiền thuê từ 5 tháng lên 12 tháng.

Theo Chủ tịch VCCI TS Vũ Tiến Lộc, về chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19, trong lĩnh vực du lịch, đề nghị cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch, trước mắt cho năm 2020. Chính phủ cho phép giảm tiền thuê đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng.

“Trong khi các DN thuộc lĩnh vực logistics đang bị thiệt hại nặng nề, đề nghị giảm phí cảng biển về mức 50% trong năm 2020 và đề nghị Bộ GTVT làm việc với các hãng tàu nước ngoài yêu cầu giảm thu các phụ phí quá cao và bất hợp lý như hiện nay. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ đề nghị giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT” - TS Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến.

Cũng theo ông Lộc, cần bảo đảm cho tất cả các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều được tiếp cận các gói giải pháp hỗ trợ, tuy nhiên cần phân loại các DN tiếp cận nguồn hỗ trợ theo các mức độ ảnh hưởng khác nhau, chú trọng các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh như: Hàng không, dệt may, da giày, logistic.

Cần thêm chính sách miễn giảm thuế, phí

Để tiếp tục hỗ trợ DN chống chọi với khó khăn, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết, thời gian qua bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành rà soát các khoản phí, lệ phí là đầu vào của DN.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ ban hành nhiều quy định để hỗ trợ DN, đặc biệt là các đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Việc giảm thu thuế, hay một số khoản phí, lệ phí sẽ góp phần tiết giảm chi phí cho DN. Về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn khi DN kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã quyết định giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao như  giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN hay giảm 67% mức phí công bố thông tin… đồng thời cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đề xuất miễn, giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tái cơ cấu mạnh mẽ, chuẩn bị bệ phóng sau dịch

Theo đại diện Tập đoàn TTC, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, TTC đã thành lập Ban Ứng phó và Xử lý khủng hoảng COVID-19 để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, từ những ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, bất động sản; ảnh hưởng gián tiếp là ngành mía đường, năng lượng. TTC đã làm việc với các định chế tài chính về dư nợ, về lãi suất phù hợp trong lúc này.

Khó khăn là đương nhiên, nhưng đây là cơ hội để doanh nghiệp nói chung và TTC nói riêng cơ cấu lại hệ khách hàng, thậm chí cấu trúc lại nhà cung cấp và cả thị phần để sau dịch sẽ tạo bệ phóng phát triển. Với TTC, đây còn là cơ hội để mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) rất tốt nếu có chiến lược tốt, thay vì thành lập mới.

TTC cũng đã lên tiếng về việc cần phải có giải pháp tăng cường mang tính chất thiết thực hơn nữa… Đó là không ép các cá nhân và doanh nghiệp bù margin, vì thị trường giảm sốc ngoài mong muốn. Nếu các công ty chứng khoán xả cổ phiếu của nhà đầu tư ra thị trường - trong khi lực cầu không có, sẽ càng khiến thị trường thêm xấu.

Tranh thủ thời gian tập trung vào nghiên cứu, thiết kế mẫu mã mới

Theo ông Lê Văn Chính - Chủ tịch Công ty Sơn Ca Media: “Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng điện máy như chúng tôi đều đang gặp khó khăn do nguồn cung cấp bị trở ngại. Một thời gian khá dài, nguồn cung cấp linh kiện đến từ công xưởng Trung Quốc không đáp ứng vì họ không đủ nhân lực để sản xuất. Đến khi Trung Quốc hồi phục, đầu vào nguyên liệu bắt đầu cung ứng thì chúng tôi lại gặp đầu ra khó khăn do giãn cách xã hội. Thị trường trong nước và cả nước ngoài đều đóng băng vì mặt hàng điện máy không phải làm mặt hàng thiết yếu. Trong lúc này chúng tôi chỉ còn cách là tranh thủ thời gian tập trung hết sức vào mảng nghiên cứu, thiết kế mẫu mã mới để chờ thời, mà khả năng là đến tháng 9 mới phục hồi sức mua như trước”.

Thế Lâm ghi


nhóm phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Cơ hội để Việt Nam cung cấp hậu cần cho thế giới

Văn Nguyễn - Khánh Vũ |

Dù cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch COVID-19, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ngành nghề hiện vẫn cố gắng duy trì, chuyển hướng sản xuất kinh doanh và thậm chí “guồng” công suất, chạy đua với thời gian để đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đón đầu phục vụ xuất khẩu khi nhu cầu sau dịch sẽ bật tăng.

Doanh nghiệp “miễn nhiễm” với dịch phải là những đầu tàu kéo nền kinh tế

Khánh Vũ - Văn Nguyễn |

Diễn biến thực tế và con số báo cáo từ các đơn vị cho thấy, nhiều lĩnh vực ngành nghề vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng tích cực bất chấp tác động xấu của dịch bệnh COVID-19. Tìm cách thích ứng với bối cảnh dịch bệnh là cách thức mà nhiều doanh nghiệp đang triển khai nhằm có thể duy trì được hiệu quả sản xuất hiện tại để có thể bật dậy mạnh hơn khi dịch bệnh qua đi.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Cơ hội để Việt Nam cung cấp hậu cần cho thế giới

Văn Nguyễn - Khánh Vũ |

Dù cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch COVID-19, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ngành nghề hiện vẫn cố gắng duy trì, chuyển hướng sản xuất kinh doanh và thậm chí “guồng” công suất, chạy đua với thời gian để đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn đón đầu phục vụ xuất khẩu khi nhu cầu sau dịch sẽ bật tăng.

Doanh nghiệp “miễn nhiễm” với dịch phải là những đầu tàu kéo nền kinh tế

Khánh Vũ - Văn Nguyễn |

Diễn biến thực tế và con số báo cáo từ các đơn vị cho thấy, nhiều lĩnh vực ngành nghề vẫn đang duy trì được mức tăng trưởng tích cực bất chấp tác động xấu của dịch bệnh COVID-19. Tìm cách thích ứng với bối cảnh dịch bệnh là cách thức mà nhiều doanh nghiệp đang triển khai nhằm có thể duy trì được hiệu quả sản xuất hiện tại để có thể bật dậy mạnh hơn khi dịch bệnh qua đi.