Vẫn đảm bảo xăng dầu dịp Tết
Ngày 20.1, Báo Lao Động phản ánh nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang đóng cửa vì hết hàng. Người dân phải lấy can nhựa đi mua xăng.
Theo báo cáo nhanh của Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường An Giang, tại huyện An Phú, chỉ có 3-4 cửa hàng xăng dầu hết hàng cục bộ trong vài tiếng đồng hồ do nhà phân phối vận chuyển về chậm. Đến chiều 20.1, tất cả cửa hàng nêu trên đã có xăng, dầu bán lại bình thường, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người dân.
Ở Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nguồn cung xăng dầu phục vụ Tết vẫn đảm bảo để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, chiết khấu hiện nay rất thấp, bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Mặc dù nguồn cung vẫn còn không ít khó khăn, nhưng chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người dân thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2023.
Dịp Tết này, chúng tôi chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức nhập đến các cửa hàng xăng dầu của mình, bảo đảm đủ nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm".


Một lãnh đạo cửa hàng xăng dầu ở huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho hay, những ngày cận Tết, lượng khách hàng có nhu cầu mua xăng sẽ tăng lên gấp hai đến ba lần so với ngày thường, đặc biệt vào hai ngày cuối trước khi bước sang năm mới.
"Năm nay, chúng tôi đã dự trữ lượng xăng, dầu tăng thêm 10% so với năm ngoái, bố trí các nhân viên làm việc tăng thêm thời gian ở tất cả ba trụ xăng dầu, tránh tình trạng người dân phải chờ lâu khi mua hàng.
Đồng thời thường xuyên nhắc nhở nhân viên, khách hàng tuân thủ các quy định về phòng cháy khi đến giao dịch tại cửa hàng", lãnh đạo cửa hàng xăng dầu này cho hay.
Nguồn cung xăng dầu sau Tết chưa biết thế nào?
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng cho biết, hiện nay, nguồn cung xăng dầu vẫn còn nhiều khó khăn. Trước và trong Tết, doanh nghiệp vẫn đảm bảo đủ hàng để phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhưng sau Tết thì chưa biết thế nào. Bởi, doanh nghiệp đang rất lo lắng với chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm như hiện nay; doanh nghiệp không thiết tha với việc bán hàng, nếu không có chính sách tháo gỡ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, chiết khấu các đầu mối xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, hiện nay chiết khấu đến cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang âm 250 đồng/lít.
"Doanh nghiệp bán lẻ ở cuối chuỗi cung ứng nên không thể tự quyết định mức chiết khấu cho mình mà phải trông vào doanh nghiệp đầu mối. Nếu chiết khấu vẫn như hiện nay, chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa", ông Thắng cho hay.
Ông Thắng kiến nghị, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho đầu mối nhập khẩu. Cùng đó, Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để bảo đảm đủ chi phí trong kinh doanh.
Trao đổi với Lao Động, TS. Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho Lao Động biết, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu: doanh nghiệp đầu mối bao nhiêu?
"Chiết khấu là hình thức giảm giá một phần trong giá bán lẻ xăng dầu ở một mức độ nhất định, đảm bảo chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ và có lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư.
Nên đây được hiểu như lợi nhuận định mức của doanh nghiệp bán lẻ và không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% còn lại là lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư phát triển). Bởi đây là khâu quan trọng, trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như phản ánh toàn bộ bộ mặt của thị trường.
Quy định như trên để tránh tình trạng hiện nay nhà cung cấp cho chiết khấu 0 đồng hoặc cho 30-40 đồng, thậm chí âm 200-300 đồng là chuyện từng xảy ra trong thời gian qua, nên doanh nghiệp bán lẻ không thể hoạt động được", ông nói.
Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu
Ngày 20.1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công điện tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện trực 100% quân số, tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh.
Liên quan đến thời gian điều hành giá xăng, kỳ tới sẽ rơi vào ngày 1.2, thay vì 21.1 (tức 30 tháng Chạp). Trước và trong Tết, giá xăng E5 RON 92 là 21.350 đồng/lít, xăng RON 95 là 22.150 đồng/lít.