Ghi nhận của Lao Động cho thấy, gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều địa điểm, cửa hàng bán cua huỳnh đế có kích thước, trọng lượng nhỏ 100-150 gram/con và có mức giá từ 800.000 đồng/kg, rẻ khoảng 1/2 so với loại cua huỳnh đế lớn.
Ông Dương Văn Hoàn - chủ cửa hàng hải sản nhập khẩu trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) - cho biết, việc tiêu thụ cua huỳnh đế có kích thước quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc tái đàn và nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, các nước trên thế giới như Nhật Bản, EU, Anh… đều có quy định kích cỡ khai thác để đánh bắt vừa mức, bảo vệ và duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo.
“Sự khai thác quá mức sẽ làm giảm đáng kể số lượng cua lớn. Tại Việt Nam, cua huỳnh đế tại cửa hàng tôi thường nhập từ đảo Phú Quý (Bình Thuận). Năm nay, loại cua này cũng khan hiếm nên sản lượng ngư dân khai thác giảm mạnh” - anh Hoàn chia sẻ.
Là người con quê Bình Thuận, đang sinh làm việc tại TPHCM, chị Trần Phương Ngân bày tỏ: "Cua huỳnh đế vốn là đặc sản nổi tiếng của Phú Quý, nhưng việc khai thác và bán loại cua nhỏ sẽ làm tận diệt. Tôi luôn nhắc nhở người nhà mình nên chọn cua huỳnh đế có kích thước đạt chuẩn để đánh bắt, vừa có thu nhập cao, vừa để bảo vệ loài hải sản đặc trưng này".
Liên quan đến vấn đề khai thác, một lãnh đạo phòng nghiệp vụ Chi cục thủy sản Bình Thuận cho biết, theo nghị định 37/2024/NĐ-CP, với cua huỳnh đế, kích thước mai tối thiểu được khai thác là từ 10cm trở lên. Khối lượng cua huỳnh đế đạt chuẩn được phép đánh bắt từ khoảng 300 gram/con.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của khách hàng cao nên một số ngư dân đã đánh bắt cả những loại cua cỡ nhỏ từ 100-200 gram, cua mang trứng khiến loại cua có trọng lượng từ 0,5 gram đến 1 kg ngày càng hiếm.
Theo Cục Kiểm ngư - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên là rất cần thiết và phù hợp trong thực tiễn hiện nay. Vì nguồn lợi hải sản ở nước ta suy giảm cả về trữ lượng và chất lượng trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi được xác định là do cường lực khai thác quá mức, đặc biệt là khai thác xâm hại thủy sản con non, kích thước nhỏ chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai thác.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng sẽ xử lý và phạt nặng đối với các hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, dùng thủ đoạn gian dối mua bán thủy sản...