Trở lại vị thế cổ phiếu vua
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023 và đạt 10-11% so với cùng kỳ, so với mức 32% trong năm 2022 do tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lợi nhuận NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Tuy nhiên, tình hình sẽ khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023 khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỉ giá được dịu bớt. Bên cạnh đó, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
VNDirect cũng cho rằng, cơ hội vẫn được mở ra với các ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc, chất lượng tài sản lành mạnh, tỉ lệ an toàn vốn cao, cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu hệ thống… Đây sẽ là các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong cấp room tín dụng năm 2023.
Tương tự, nhóm phân tích của SSI cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đạt 13,7%. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 là 28% và cao hơn giai đoạn 2014-2015 là 11,3%. Trong kịch bản tiêu cực, ngành này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay, bằng một ba giai đoạn 2017-2021.
Còn theo các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2022, cổ phiếu ngân hàng trải qua 2 đợt sụt giảm giá mạnh đưa định giá ngành về mức thấp trong 10 năm qua. Bước sang năm 2023, VDSC nhận định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu.
Cơ hội đầu tư mới
VNDirect cho biết, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời, ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Do đó, định giá của ngành ở mức thấp lịch sử là 1,1 lần P/B (chỉ số được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) trong năm 2023 đang tạo ra một cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, năm 2022, Chính phủ đã có dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam. Theo đó, nghị định này dự kiến sẽ được cụ thể hóa trong tháng 6.2023.
Một trong những điểm giới đầu tư quan tâm là hướng quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới room sở hữu của khối ngoại từ 30% lên tới 49%.
Khi nhận ngân hàng chuyển giao bắt buộc, thực hiện tái cơ cấu thành công, nhóm ngân hàng trên có thể tiến hành sáp nhập để tăng quy mô và vị thế thị phần trên thị trường, hoặc có thể hoạch định đó là một khoản đầu tư đạt mục tiêu sinh lời và thoái vốn. Giá trị và hoạt động này sẽ góp phần tạo khác biệt, thúc đẩy sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tương lai.