Làm gì để không thiếu điện?
- Để giảm sức ép về nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bộ Công Thương thực hiện những giải pháp gì, nhằm chủ động hạn chế tác động tiêu cực của việc thiếu điện, thưa bộ trưởng?
Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 - 2025 gặp nhiều thách thức, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quyết định hành chính chuyên biệt, phục vụ việc điều hành hoạt động sử dụng điện.
Đó là Chỉ thị số 34 ngày 7.8.2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện và Chỉ thị 20 ngày 7.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Thực hiện những chỉ thị này, cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Chương trình hành động triển khai chỉ thị này của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị việc đánh giá kết quả thực hiện và hằng năm công bố kết quả thực hiện Chỉ thị số 20 của mỗi địa phương trên các phương tiện thông tin.
Điện 8 khắc phục những nhược điểm gì từ điện 7 và điện 7 điều chỉnh?
- Qua báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy nhiều khó khăn thách thức trong triển khai thực hiện Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, thách thức trong việc xây dựng Quy hoạch điện 8 sắp tới? Phương pháp xây dựng Quy hoạch điện 8 thế nào để khắc phục những khó khăn, bất cập của giai đoạn trước?
Nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Với tốc độ tăng trưởng này, bình quân mỗi năm, Việt Nam cần đưa thêm khoảng 5.000MW đến 6.000MW công suất nguồn điện và hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối tương ứng đi vào vận hành, tổng vốn đầu tư ước tính bình quân khoảng 8 tỉ USD/ năm. Trong khi đó nguồn năng lượng sơ cấp đang cạn dần và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến tăng nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện.
Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực: Quốc hội đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Chính phủ đã ban hành một số quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió, chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân
Chính vì vậy, khi xây dựng Quy hoạch điện 8 thì điện lực phải phát triển trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Quy hoạch phải có tính mở, cần định hướng cải tổ phát triển ngành Điện, xây dựng một hệ thống điện hiện đại, thông minh, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.
Bộ Công Thương đã có các nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các nhà máy điện, trung tâm điện lực khí sử dụng LNG nhập khẩu như trung tâm điện lực Cà Ná (Ninh Thuận), Trung tâm điện lực Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nhà máy điện LNG Bạc Liêu với quy mô mỗi trung tâm khoảng 3.200 - 4.500MW. Đây là giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong kịch bản thay thế cho các nhà máy điện than hoặc trong trường hợp khí cung cấp cho các nhà máy điện bị suy giảm.
- Bộ Công Thương sắp tới sẽ có chủ trương nào nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển ngành Điện?
Tôi cho rằng, hoạt động đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào ngành Năng lượng nói chung và ngành Điện nói riêng hiện nay là mũi nhọn hết sức quan trọng, đặc biệt là đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo theo các cơ chế khuyến khích đã được Chính phủ ban hành.
Sự phát triển mạnh mẽ của khối đầu tư tư nhân trong các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời góp phần tích cực giải quyết một phần nhu cầu nguồn điện cho việc tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Qua đó cho thấy, các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến nay hoàn toàn phù hợp với chủ trương chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước và đã đạt được những thành công bước đầu.
Để có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho giai đoạn tới như cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, cơ chế đấu thầu để vừa thu hút đầu tư, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, đáp ứng các mục tiêu phát triển của ngành Điện.
Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, thì cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong giải pháp chính, tạo động lực cho nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng lưới điện đấu nối.
Ví dụ, trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư dự án điện mặt trời (450MW) tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Doanh nghiệp này đã đề xuất đầu tư nhà máy kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải, bao gồm trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối 500kV, 220kV (đấu nối và bàn giao lại 0 đồng cho ngành Điện quản lý và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận). Điều này cho thấy với cơ chế giá điện hấp dẫn, nhà đầu tư sẵn sàng chấp thuận đầu tư cả phần hạ tầng lưới điện đấu nối mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư.
- Xin cảm ơn bộ trưởng!