Ngỡ ngàng là cảm xúc của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán lại lao dốc, bất chấp hôm qua vừa mới bật mạnh.
Kết phiên 6.10, VN-Index giảm không phanh 29,74 điểm, tương đương 2,69% xuống 1.074,52 điểm. VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán giảm tệ nhất khu vực Châu Á.

Diễn biến tiêu cực này không bắt nguồn từ thị trường chứng khoán Mỹ khi các chỉ số chính đều rút chân vào cuối phiên. Thậm chí, những chỉ số tương lai như Dow Jones Futures hay NASDAQ 100 Futures đã hồi phục đầy ấn tượng.
Thay vào đó, giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân tới từ thiếu dòng tiền.
Thanh khoản trên HOSE đạt hơn 11,1 nghìn tỉ đồng. Giá trị giao dịch toàn thị trường là hơn 12,6 nghìn tỉ đồng.
Với mức tăng lần lượt 29% và 28% so với hôm qua nên phiên hôm nay chưa thể gọi là test cung.
Đáy ngắn hạn cũng chưa thể xác định rõ nhưng điểm lạc quan là VN-Index đã rút chân nến nhẹ.
Đáng chú ý, lệnh short vẫn chiếm ưu thế trên thị trường phái sinh. Thanh khoản chứng khoán phái sinh neo ở mức cao gần 46 nghìn tỉ đồng.
"Tội đồ" hôm nay tới từ "anh cả" ngành thép HPG.
HPG giảm sâu 6,25% xuống vùng 18.000 đồng/cổ phiếu cùng khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường. Mã này đang giảm không phanh về đáy tháng 11.2020.
Nối sau là MSN "cuỗm" hơn 1,7 điểm khỏi VN-Index. Đây là cổ phiếu mà nhiều nhà đầu tư cho rằng thường diễn biến xấu khi lệnh short phái sinh dâng cao. Trong top 10 mã tác động tiêu cực nhất còn có 4 cổ phiếu ngân hàng là VCB, MBB, TCB và BID.
Hàn thử biểu của thị trường - nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán tháo thậm tệ. Trong số 25 mã niêm yết có 18 mã giảm đỏ và 7 mã giảm sàn.

Đầu tàu hỗ trợ VN-Index hôm nay tới từ EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam. EIB vọt mạnh 6,33% lên 36.950 đồng/cổ phiếu. Khối lượng tại mã này đạt hơn 6,9 triệu đơn vị, cao nhất từng ghi nhận từ cuối năm 2018 đến nay.
Một cổ phiếu trụ khác là VIC nhích thêm 0,17%. Thông tin hỗ trợ mã này là tỉ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố lập công ty quản lý và đầu tư bất động sản VMI, góp vốn bằng lượng cổ phiếu VIC trị giá 14.600 tỉ đồng.
Khối ngoại trở lại vị thế bán ròng nhưng khối lượng không quá lớn. Cụ thể trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 131 tỉ đồng. Riêng HPG bị bán ròng tới 198 tỉ đồng, ngày càng tăng trong các phiên gần đây. Thậm chí trên UPCOM, khối ngoại đã bán ròng 10 phiên liên tiếp không ngừng nghỉ.