Phê bình nhiều địa phương
Thường trực Chính phủ nhận định kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII là nội dung khó, được nhiều cấp, ngành, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, có nhiều ý kiến tham gia trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm có kế hoạch tổng thể tốt nhất, khả thi và hiệu quả nhất với mục tiêu là đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia.
Thường trực Chính phủ cũng ghi nhận Bộ Công Thương đã nỗ lực, cố gắng hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các kết luận chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù có thời gian chuẩn bị dài nhưng tới nay vẫn còn thiếu một số danh mục các dự án để đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt.
Có 17 địa phương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương trong việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương theo các tiêu chí, hướng dẫn của bộ. Thường trực Chính phủ phê bình 17 tỉnh, cần rút kinh nghiệm và khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương để xong trước 30.4.2024.
Thường trực Chính phủ cũng thống nhất chủ trương việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo đề nghị của Bộ Công Thương (tờ trình 1345 ngày 1.3.2024 và Báo cáo số 55 ngày 25.3.2024). Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát các nội dung của Kế hoạch bảo đảm phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và các quy định hiện hành của pháp luật.
Sau khi phê duyệt lần này, Bộ Công Thương cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương hoàn thành đầy đủ danh mục các dự án trong phụ lục kèm theo để bảo đảm triển khai đồng bộ các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo trong 30 ngày kể từ khi ban hành kế hoạch này.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ tập trung cao nhất, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhanh các thủ tục theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; cơ chế chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải. Các cơ chế này được yêu cầu trình Chính phủ trong trong tháng 5.2024.
Bổ sung nội dung giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương cũng được giao rà soát về phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu, sản xuất hydrogen, amoniac xanh, đảm bảo phù hợp với định hướng trong Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt. Trường hợp kết hợp nối lưới phục vụ mua bán điện trực tiếp, tiêu dùng thì cần bảo đảm đồng bộ truyền tải và điện chạy nền.
Nghiên cứu kỹ chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về việc bổ sung trong kế hoạch nội dung giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thí điểm triển khai dự án điện gió ngoài khơi; nghiên cứu phát triển điện mặt trời tập trung tại các hồ chứa thuỷ điện để vừa đảm bảo tạo nguồn điện nền, vừa tận dụng đường truyền tải sẵn có; nghiên cứu mở rộng các nhà máy thuỷ điện hiện hữu, thuỷ điện trên các hồ chứa thuỷ lợi, điện mặt trời áp mái.
Bộ Công Thương cũng cần có dự báo nhu cầu điện của các vùng có phụ tải cao, có nguy cơ thiếu điện khu vực miền Bắc để đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp, dự án cụ thể để phát triển đồng bộ kịp thời không được để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống.
Ưu tiên phát triển điện rác thân thiện môi trường, điện sinh khối gắn liền với hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo trung hoà CO2. Nêu rõ kế hoạch (sản lượng, lộ trình kể cả kế hoạch xây dựng đường dây truyền tải) nhập khẩu điện từ Lào và khẩn trương ban hành giá nhập khẩu điện.