Thắt lưng buộc bụng vì thiếu kế hoạch trả nợ
Sau hai năm mua nhà, gia đình chị Thuỳ Chi (25 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đang chật vật với khoản nợ mua nhà chưa trả hết. Hiện với căn nhà 2,5 tỉ đồng, chị và chồng đã trả được 1,5 tỉ, còn 1 tỉ đang xoay sở do thu nhập cả hai người đang giảm hơn 30%. Đến hạn trả nợ ngân hàng, chị buộc phải bán xe máy để thu về 50 triệu đồng do quỹ tích lũy đang cạn dần trong khi nhiều khoản khác cũng đến lúc phải chi.
“Chúng tôi phải từ chối rất nhiều cuộc gặp gỡ, thắt lưng buộc bụng đến nỗi cũng ngại vì bạn bè nghĩ mình không còn muốn chơi với họ. Nhưng thực sự tình hình tài chính hiện tại khiến chồng và tôi không biết xử lý như nào, vì trước giờ chưa từng đối mặt với khoản nợ lớn thế” - chị thở dài chia sẻ.
Không riêng gia đình chị Thuỳ Chi đang gặp khó trong việc quản lý tài chính, mà TS Đặng Bích Ngọc - Khoa Kế toán Kiểm toán tại Học Viện Ngân hàng - cho biết, thống kê chỉ ra sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam thực tế chưa nhiều.
Một bộ phận nhỏ hiểu biết về tầm quan trọng của tài chính cá nhân là những người đã từng học, sống và làm việc tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc hoặc những người làm trong ngành tài chính tại các tổ chức tài chính nước ngoài. Những người quan tâm tới tài chính cá nhân đều thừa nhận họ mới chỉ quan tâm tới việc quản lý tài chính cá nhân trong một vài năm gần đây. Trên 90% số người được khảo sát không nắm rõ được các khoản chi tiêu của mình trong tháng vừa qua và họ cũng không có các khoản tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trong các tình huống khẩn cấp.
“Về cơ bản, người dân Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều tới việc quản lý tài chính cá nhân. Họ có những khoản tiết kiệm cũng như các khoản đầu tư khác, tuy nhiên chưa có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm cụ thể và chưa xác định được mức độ rủi ro phù hợp của mình trong đầu tư” - TS Đặng Bích Ngọc chia sẻ.
Quản lý tài chính cá nhân không chỉ riêng người giàu
Theo TS Lê Long Giang - Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), tại Mỹ đã có các chương trình phổ cập tài chính cho mỗi đối tượng khác nhau. Hay Philippines nhắc nhở người dân thường xuyên về tiết kiệm. Tuy nhiên, giáo dục tài chính chưa được đưa vào chương trình giáo dục chính quy ở Việt Nam.
Trước thực trạng trên, TS Lê Long Giang đề xuất cần xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, nâng tầm hiểu biết về tài chính cá nhân, cũng như lợi ích khi sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân.
“Quản lý tài chính cá nhân không chỉ quan trọng đối với những người giàu, mà kể cả với những người có thu nhập rất bình thường đều phải có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân. Giải pháp cụ thể có thể là tổ chức các hội thảo, các chương trình tuyên truyền, hay tạo lập các diễn đàn về tài chính cá nhân, đưa lĩnh vực tài chính cá nhân này thành môn học không chỉ ở trong trường đại học, mà cả ở cấp phổ thông. Điều này sẽ giúp các bạn trẻ có thể nhận thức được tầm quan trọng của quản lý chi tiêu nói riêng và tài chính cá nhân nói chung” - ông Giang nói.
Bên cạnh đó cần khuyến khích các tổ chức tham gia vào quá trình đào tạo dân trí về tài chính cá nhân cho mọi tầng lớp dân cư qua website, radio, TV...