Giải ngân đầu tư công đang ở mức thấp
Năm 2024, kế hoạch giao đầu tư vốn ngân sách được Thủ tướng giao là gần 664.000 tỉ đồng.
Theo Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã phân bổ là hơn 685.000 tỉ đồng, đạt hơn 103% kế hoạch.
Theo đó, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là gần 21.200 tỉ đồng, chiếm hơn 3% kế hoạch. Hiện có 21/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao. Giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 mới chỉ đạt 11% kế hoạch, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31.3 đạt 80.689 tỉ đồng.
Theo tính toán, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30.4 đạt gần 116.000 tỉ đồng, đạt hơn 16% tổng kế hoạch và đạt hơn 17% kế hoạch Thủ tướng giao. Cùng kỳ năm 2023, số vốn thanh toán chỉ đạt hơn 14% tổng kế hoạch và đạt gần 16% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Tài chính cho biết, có 7 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỉ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Song, vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân là 0%. Ngoài ra, có 25 địa phương tỉ lệ giải ngân dưới 15%.
Đơn cử, tính đến ngày 31.3, tỉnh Bình Thuận đạt 8,77%, tỉnh Gia Lai đạt 6,31%, tỉnh Đồng Nai đạt 10,59%, tỉnh đạt Bình Dương 11,98%%, tỉnh Bình Phước đạt 10,7 %, tỉnh Tây Ninh đạt 13,6%... Theo nhận định của Bộ Tài chính, tính đến tháng 4.2024, ước dự kiến khả năng giải ngân các địa phương trên nhìn chung vẫn thấp hơn ước giải ngân bình quân chung cả nước.
Giải pháp gỡ rối
Theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều mặc dù đang có khởi sắc. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại từ trước liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu...
Trước tình hình trên, tại các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22.3.2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống người dân.
Đối với nguồn vật liệu cho thi công, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư và nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ; xác định đủ nguồn cung vật liệu, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Về công tác phân bổ vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương báo cáo Thủ tướng, làm căn cứ để giải ngân số vốn được phép kéo dài.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn về việc thực hiện phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và thống nhất hướng xử lý đối với số vốn triển khai phân bổ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương trong thời điểm từ năm 2023 sang năm 2024.