Từng làm công nhân tại Bình Dương nhưng do công ty giảm đơn hàng, cắt giảm công nhân nên chị Sơn Thị Quyên trở về quê nhà ở huyện Trần Đề tìm công việc khác. Ngay thời điểm những đồng lúa tại đây đang vào mùa cấy giặm, chị đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống.
“Mỗi ngày, tôi xuống ruộng từ 6 giờ sáng đến 14 giờ chiều thì xong công việc, kiếm được thu nhập 200.000 đồng. Tính ra cả vụ khoảng 30 ngày cũng được 6 triệu đồng, ở quê thì thu nhập này là rất khá”, chị Quyên nói.
Ông Quách Thùy ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề cho biết, nhà canh tác được 7.000m2 ruộng. Sau khi chăm sóc lúa xong, ông đi giặm lúa thuê của những hộ xung quanh để có thêm thu nhập.
“Giờ lao động trẻ ở địa phương đa phần đi làm ăn xa nên vào mùa giặm rất thiếu nhân công, mình tranh thủ đi làm. Mỗi ngày thu nhập cũng được 200.000 đồng đủ để sinh hoạt trong gia đình”, ông Thùy nói.
Anh Danh Khánh Duy ở huyện Trần Đề có 10 ha đất trồng lúa. Vào mùa giặm, anh phải thuê 20 lao động làm khoảng 1 tuần mới xong. Anh Duy cho biết ,nếu không có lực lượng lao động này thì gia đình không thể làm xuể.
Trước đây, công việc cấy giặm chủ yếu phải dùng tay nhổ lúa ở chỗ sạ dày rồi đem đi giặm lại chỗ sạ thưa. Nhưng nhiều năm nay, khi có dụng cụ hỗ trợ thì công việc nhẹ nhàng hơn, người làm ít phải khom lưng nên có thể làm được nhiều ngày liên tục.
Ông Đào Văn Chân ở xã Tài Văn, huyện Trần Đề cho biết trong quá trình lao động bà con sáng chế ra cây móc lúa. Dụng cụ này có phần cán cầm dài chừng hơn 2 m. Lưỡi làm bằng thép với ba chia, phần đầu mỗi chia nhọn, dẹp giúp cho việc móc lúa dễ dàng. Do cán dài nên người giặm ít di chuyển, chỉ cần đứng một chỗ đưa móc đến nơi có lúa dày rồi móc lúa đưa đến chỗ lúa mọc thưa nên không tốn sức hay mỏi lưng.
“Dù công việc thời vụ chỉ từ 25 - 30 ngày nhưng thu nhập tương đối ổn. Hết mùa cấy, thì tôi đi phun thuốc, bón phân, ở quê công việc không thiếu”, ông Chân nói.