Những ngày qua, vẫn còn một diện tích nhỏ lúa đông xuân muộn ở ĐBSCL đang thu hoạch. Hiện giá lúa hàng hóa có xu hướng giảm, lúa dài dao động khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg, lúa thường khoảng 5.200 đồng/kg… bình quân giảm từ 200-500 đồng/kg so với thời điểm trước đây khoảng 1 tháng, khi chưa tạm ngừng xuất khẩu gạo.
Nông dân Trương Văn Sáu (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Gia đình tui vừa bán gần 1ha lúa dài mới thu hoạch với sản lượng gần 6 tấn. Thương lái mua giá 6.200 đồng/kg, nhưng lại rất dè dặt, nói mãi họ mới chịu mua hết. So với tháng trước, mức giá này đã giảm rất nhiều. Bây giờ giá bao nhiêu cũng bán, vì doanh nghiệp xuất khẩu đang khó khăn, lỡ họ không mua nữa chỉ có chết”.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (chuyên xuất khẩu gạo ở TP.Cần Thơ) cho hay, từ khi tạm ngừng xuất khẩu gạo đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL đành phải hạn chế hoặc ngưng mua lúa hàng hóa, bởi lượng tồn kho còn nhiều và chưa xuất khẩu được. Vì vậy, giá lúa có giảm nhẹ. Đây là điều bất khả kháng, vì doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Tại TP.Cần Thơ, dù lúa hè thu mới bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ nhưng đã có nhiều thương lái tìm đến tận ruộng và nhà của nông dân để thỏa thuận giá thu mua lúa và đặt tiền cọc trước.
Hiện lúa IR50404 đang được nhiều thương lái đặt cọc với giá trên dưới 4.800 đồng/kg; các loại lúa hạt dài như OM5451, OM4218, OM380 có giá 4.900 - 5.000 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn khoảng 400 - 600 đồng/kg so với giá lúa nông dân bán trong vụ hè thu 2019. Hiện đa số thương lái đưa tiền đặt cọc trước khoảng 200.000 - 400.000 đồng/công lúa. Dù nhận cọc với giá cao, nhưng nông dân vẫn rất lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Thắng (huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ) nói rằng: Chuyện thương lái đặt cọc giá cao, nhưng đến kỳ thu hoạch “bỏ của chạy lấy người” diễn ra như cơm bữa. Nguyên nhân chính là do lúa gạo dư thừa, dội chợ.
“Mấy bữa nay nghe thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bị tắc đầu ra, nếu tình trạng này không được giải quyết, nông dân chúng tôi lo sợ đến mùa thu hoạch, lúa gạo sẽ ùn ứ, giá giảm sâu, nông dân sẽ khổ sở”.
Theo Bộ NNPTNT, vụ lúa đông xuân năm nay cả nước thu hoạch khoảng 20,2 triệu tấn lúa; trong đó riêng khu vực ĐBSCL đạt sản lượng gần 10,8 triệu tấn lúa (tương đương khoảng 5,5 triệu tấn gạo).
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, tới thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL đã có 900.000 tấn gạo được xuất đi, còn dôi dư 4,6 triệu tấn trong nước. Trong số này, chỉ cần 1,5 triệu tấn phục vụ cho dự trữ quốc gia, còn lại hơn 3 triệu tấn hoàn toàn có thể phục vụ cho xuất khẩu. Đó là chưa kể, trong vụ hè thu sắp tới, với 1,5 triệu hécta lúa được gieo sạ, ĐBSCL sẽ thu về ít nhất 4 triệu tấn gạo. Vấn đề quan trọng là làm sao giải quyết ách tắc cho doanh nghiệp xuất khẩu, còn lượng gạo của chúng ta rất dồi dào, không cho thiếu hụt.
Đại diện một công ty xuất khẩu gạo ở Vĩnh Long cũng bày tỏ lo lắng: “Còn khoảng 1 tháng nữa thì những vùng sản xuất sớm lúa hè thu bắt đầu thu hoạch. Do đó, các ngành chức năng cần cấp bách tháo gỡ những trở ngại của xuất khẩu gạo hiện nay; sớm giải phóng lúa gạo tồn kho của các doanh nghiệp và khơi thông thị trường lúa gạo. Có như vậy mới đảm bảo giá lúa hè thu tốt cho nông dân. Ngược lại sẽ dẫn đến nguy cơ ùn ứ tiêu thụ lúa gạo trong vụ hè thu sắp tới”.