Các trưởng ngành cần lắng nghe doanh nghiệp, không nên dùng mệnh lệnh hành chính
Hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam được thực hiện theo Nghị định 95 và 83 của Chính phủ. Trong quá trình đi vào thực tiễn hoạt động, hai nghị định này bộc lộ một số điểm hạn chế, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi để theo kịp những diễn biến phức tạp, bất thường của thị trường xăng dầu thế giới.
Nghị định đã được Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo, xin ý kiến các bộ ban ngành và chuyên gia, trước khi tham mưu, trình Chính phủ. Song, dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc hai Bộ Công Thương và Bộ Tài chính "nhường" nhau quyền quản lý và điều hành xăng dầu.
Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, trong thời gian vừa qua, để đứt gãy thị trường quan trọng như xăng dầu thể hiện yếu kém trong quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trong những lúc "nước sôi, lửa bỏng" của thị trường xăng dầu vừa qua, các trưởng ngành cần rút kinh nghiệm, lắng nghe doanh nghiệp, chuyên gia, không nên tuyên bố xử phạt, dùng mệnh lệnh hành chính.
"Điều tôi lo lắng là Nghị định 83, Nghị định 95 và cả dự thảo mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến có rất nhiều điều khoản mà nội dung còn không rõ ràng, tạo dư địa tùy ý và tùy nghi thực hiện của các cơ quan nhà nước liên quan", ông nói.
Theo ông, điểm cơ bản cốt lõi của cơ chế là mức giá bán lẻ xăng dầu do nhà nước quy định. Cách tiếp cận của phương pháp điều hành này rất lạc hậu, chủ quan; sử dụng cái quá khứ (có thể không phù hợp) của thị trường làm cơ sở cho hoạt động điều hành của các cơ quan nhà nước có liên quan.
"Thị trường xăng dầu thế giới là thị trường cạnh tranh, minh bạch; giá cả phản ánh cân đối cung cầu gần như theo thời gian thực và biến động liên tục. Việt Nam không can thiệp được gì vào thị trường đó.
Chúng ta đã xoá bỏ bao cấp xăng dầu và chi phí xăng dầu cuối cùng cũng sẽ phân bổ vào đầy đủ, thậm chí với chi phí cao hơn, vào nền kinh tế, vào sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân", ông cho hay.
Thế nào là cơ chế điều hành giá xăng dầu theo thị trường
Cơ chế điều hành giá xăng dầu theo thị trường, theo TS Nguyễn Đình Cung có hai phương án. Phương án 1 là bỏ cơ chế nhà nước định giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay, tự do hoá để thị trường định giá theo quan hệ cung cầu, gắn thị trường xăng dầu trong nước với thị trường xăng dầu quốc tế.
Như thế, bỏ luôn quỹ bình ổn xăng dầu, không cần quy định mức chiết khấu tối thiểu, không cần điều hành 7, 10 hay 15 ngày.
Phương án hai là xác định giá tối đa, nhưng giá này không phải do cơ quan nhà nước quyết định. Có hội đồng gồm đại diện các bên liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hệ thống bán buôn, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng và có nhà khoa học; thống nhất về công thức hay cách thức xác định giá tối đa, giá trần.
Cần thuê một đơn vị, tổ chức độc lập xác định giá hàng ngày để số liệu thị trường thế giới là đầy đủ (quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai); xây dựng thuật toán và sử dụng công nghệ thông minh, hoàn toàn có thể xác định được giá này và công bố hàng ngày online. Với các phương pháp này, hoàn toàn có thể tính được giá theo thời gian thực…
"Mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế"
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI - cho hay, dự thảo Nghị định sửa đổi do Bộ Công Thương soạn thảo có tác động lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu cũng như đời sống người dân.
Ông Tuấn cho rằng, vừa qua cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm trước tình trạng cây xăng đóng cửa, đây là giải pháp tình thế, tuy nhiên, điều cốt lõi là phải giải quyết bài toán chi phí, thuế, tiến tới thị trường thì mới hiệu quả.
"Trong khi thực tế “có doanh nghiệp kể rằng vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện phải lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng”.
Mệnh lệnh hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế. Do đó quá trình xây dựng dự thảo Nghị định (sửa đổi), ban soạn thảo cần nhất quán quan điểm về tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai và minh bạch", ông nói.