Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

Vũ Long (thực hiện) |

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã lý giải các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đồng thời đề xuất các giải pháp để nhanh chóng cải thiện và thúc đẩy giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án.

Thưa Bộ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Đó là điều mà các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đã nói nhiều trong thời gian gần đây. Thực tế là 5 tháng đầu năm nay, tỉ lệ giải ngân mới đạt trên 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao!

-Đúng là con số đó chưa đạt kỳ vọng, và đó là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ đã phải thành lập 6 Tổ công tác để đi kiểm tra, đốc thúc việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ ngành, địa phương có tỉ lệ phân bổ, giải ngân vốn còn thấp, đồng thời liên tục có các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Tuy nhiên, để đánh giá là chậm hay không thì theo tôi, cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn.

Tôi lấy ví dụ thế này, thực tế tỉ lệ giải ngân giai đoạn 2017-2022, thì 5 tháng thường đạt khoảng 22-26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% (102,03 nghìn tỉ đồng), cao nhất là năm 2019 đạt 26,4% (96,89 nghìn tỉ đồng); tuy nhiên giải ngân cả năm thì có sự biến động mạnh, trong khoảng 76,89% đến 96,47%.

Thời gian này, tỉ lệ giải ngân năm 2018 là thấp nhất, đạt 76,89% (303,1 nghìn tỉ đồng), năm 2019 thấp thứ hai đạt 78,83% (325,1 nghìn tỉ đồng) mặc dù chính năm này, tỉ lệ giải ngân 5 tháng đạt cao nhất trong giai đoạn 2017-2022.

Năm có tỉ lệ giải ngân cao nhất là năm 2020 đạt 96,47% (450,2 nghìn tỉ đồng), là năm cuối kỳ trung hạn giai đoạn 2016-2020; năm cao thứ hai là 2021 đạt 95,7% (417,7 nghìn tỉ đồng) năm tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiều dự án của giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị đầu tư cho 2021-2025.

Như vậy, có thể thấy rõ là tỉ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là vậy, thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.

Đầu tư công tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Ảnh: TL
Đầu tư công tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Ảnh: TL

Vì thế, nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét cả đến yếu tố này. Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỉ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp, điển hình là các năm 2020-2021 vừa qua.

Khi báo cáo với các đại biểu Quốc hội mới đây, tôi đã nói rõ điều này.

Có thể nói, tỉ lệ giải ngân cả năm phản ánh rất rõ hiệu ứng của các giải pháp về mặt thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn… 

Như vậy, giải ngân chậm chủ yếu là do điều hành, chỉ đạo, thưa Bộ trưởng? 

-Giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Ví dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…

Chưa kể, năm 2022 lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…

Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7.2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.

Nhân nói về việc triển khai các dự án mới, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy chính là một điểm yếu cốt lõi dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Ngoài chuyện chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn, thì còn có chuyện các bộ ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết.

Do vậy, đã dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết, do dự án chưa xong thủ tục…

Nếu chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt nữa thì sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm, do vậy, khó mà triển khai và giải ngân nhanh được.

Theo Bộ trưởng, phải làm thế nào để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công?

-Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn đang khó khăn và chúng ta đang thực thi các giải pháp để phục hồi kinh tế. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt thực thi nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, thì không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển.

Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi.

Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng, đó là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Vũ Long (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Long An: Giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhiều dự án chưa giải ngân

An Long |

Long An - Năm 2022, tỉnh Long An được phân bổ, bố trí nguồn vốn đầu tư công hơn 6.937 tỉ đồng. Đến ngày 29.6.2022, khối lượng thực hiện hơn 2.406 tỉ đồng, đạt 34,7% kế hoạch; giá trị giải ngân 2.185,994 tỉ đồng, đạt 31,5% kế hoạch.

Đắk Nông quyết liệt khơi thông nguồn vốn đầu tư công

Phan Tuấn |

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Nông giải ngân được 731 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 26,3% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 27,75%. Thế nên, tỉnh Đắk Nông đang quyết liệt đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự các án để khơi thông giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Hà Nội: Giải ngân đầu tư công thấp, cần rà soát năng lực cán bộ điều hành

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội thấp do nhiều nguyên nhân. Đại biểu HĐND TP.Hà Nội đề nghị có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn, thậm chí cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Long An: Giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhiều dự án chưa giải ngân

An Long |

Long An - Năm 2022, tỉnh Long An được phân bổ, bố trí nguồn vốn đầu tư công hơn 6.937 tỉ đồng. Đến ngày 29.6.2022, khối lượng thực hiện hơn 2.406 tỉ đồng, đạt 34,7% kế hoạch; giá trị giải ngân 2.185,994 tỉ đồng, đạt 31,5% kế hoạch.

Đắk Nông quyết liệt khơi thông nguồn vốn đầu tư công

Phan Tuấn |

6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Đắk Nông giải ngân được 731 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 26,3% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 27,75%. Thế nên, tỉnh Đắk Nông đang quyết liệt đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự các án để khơi thông giải ngân nguồn vốn đầu tư công.

Hà Nội: Giải ngân đầu tư công thấp, cần rà soát năng lực cán bộ điều hành

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội thấp do nhiều nguyên nhân. Đại biểu HĐND TP.Hà Nội đề nghị có giải pháp, điều hành linh hoạt hơn, thậm chí cần có quy trình rà soát năng lực cán bộ điều hành.