Lạ một nỗi, nhân viên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các cơ quan chức năng không hề có động thái xử lý, mặc cho các nhà xe này lộng hành, biến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trở thành một bến “cóc” khủng, che giấu hành vi trốn thuế của các nhà xe này…
Cảng hàng không thành bến xe “dù”?
Tiếp tục tìm hiểu về thực trạng bến “cóc”, xe “dù” ở thủ đô, nhóm PV Báo Lao Động đã tận mắt chứng kiến những nhà xe “trá hình” chạy tuyến cố định núp bóng xe chạy hợp đồng.
Trong vai những hành khách vừa trên chuyến bay từ TP.Hồ Chí Minh về Hà Nội, nhóm PV chúng tôi đã tiếp cận nhà xe Trường Sơn - Cty CP du lịch vận tải Trường Sơn, chuyên tuyến Nội Bài - Nam Định. Vừa bước chân đến sảnh E của Cảng hàng không T1, chúng tôi nhận ngay được lời mời chào khách của nhân viên nhà xe này. Không khó để nhận thấy, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có rất nhiều xe của Trường Sơn đang chờ đón khách, việc chào khách diễn ra công khai trước “thanh thiên bạch nhật”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hợp thức hóa hoạt động dừng đỗ, bắt khách tuyến cố định của mình, nhà xe Trường Sơn núp bóng xe đưa đón khách sân bay nhưng thực chất là một bến “cóc” với đẩy đủ điểm đón, xếp chỗ và vận chuyển hàng hóa cho khách.
Để ghi lại hình ảnh về hoạt động “trá hình” của nhà xe này, khoảng 10h15 ngày 20.3.2018, chúng tôi tiếp cận chiếc xe ôtô loại 9 chỗ BKS 18B-017.35, trên thân xe ghi rõ “xe đưa đón khách sân bay - Nội Bài AIRPORT”. Lúc này, trên xe đã có vài hành khách, nhân viên nhà xe lỉnh kỉnh xếp đồ cho khách. Lo sợ xe sẽ hết chỗ, lái xe này trấn an “yên tâm, cứ 30 phút một chuyến, ở đây không có xe nào về Ninh Bình, Nam Định như xe này đâu”.
Cũng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhóm PV chúng tôi ghi lại được cảnh tượng “lạ”, mặc dù nhà xe Trường Sơn là xe “trá hình” vận chuyển hành khách tuyến cố định, nhưng các nhân viên an ninh sân bay dường như làm ngơ, không hề đả động gì đến Trường Sơn, để mặc cho nhà xe này tung hoành ngang dọc.
Để làm rõ lộ trình của nhà xe này, với 150.000 đồng, chúng tôi quyết định theo chân chiếc xe BKS 18B-017.35 chạy tuyến Hà Nội - Nam Định. Sau khi xếp đủ khách, chiếc xe bắt đầu khởi hành theo hướng đại lộ Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - đường Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - đường vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau khoảng hơn 1 giờ di chuyển liên tục, chiếc xe trên mới bắt đầu thu tiền của khách. Việc thu tiền diễn ra công khai, trực tiếp ai về Hà Nam giá vé được thu là 100.000 đồng, còn về Nam Định, Ninh Bình giá vé 150.000 đồng/người/lượt.
Tiếp tục làm rõ những chiếc xe “vua” chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhóm PV Báo Lao Động tiếp cận hãng xe Đại Nam. Theo ghi nhận của chúng tôi, Đại Nam không ồn ào như nhà xe Trường Sơn, không dán biển hiệu trên thân xe, nhưng lại ngầm tung người mời chào khách trực tiếp tại khu vực sảnh Minibus của Cảng hàng không T2.
Khác với những chiếc xe bình thường, không được dừng đỗ bắt khách ở đây, các xe của Đại Nam ngang nhiên “nằm” chờ khách hàng tiếng đồng hồ mà không lo ngại cơ quan quản lý. Mọi khách hàng có nhu cầu đi xe từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về Trung tâm TP.Hà Nội đều được mời chào nhiệt tình.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, khoảng 11h40 ngày 20.3, chiếc xe BKS 29B-067.16 đã đợi sẵn ngoài khu vực sảnh Minibus của Cảng hàng không T2 đón khách. Các nhân viên và “cò khách” của Đại Nam liên tục đi chào mời khách ở khu vực này, chỉ đến khi xe đã đầy khách, chiếc xe mới di chuyển về trung tâm TP.Hà Nội. Tất cả đều diễn ra công khai, việc khách lẻ trả tiền được thực hiện trực tiếp…
Tiền thuế “bốc hơi” hàng nghìn tỉ đồng?
Theo ước tính trung bình, một đầu xe Limousine 9 ghế hoạt động từ 250-300km/ngày thì chi phí vận hành tối thiểu bao gồm tiền xăng dầu, cầu phà, bến bãi, nhân công, chưa kể phải trả tiền lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản… đã chiếm đến 70% giá thành vận tải. Nếu so sánh dữ liệu GPS (ứng dựng quản lý, giám sát giao thông), được lưu tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội, sẽ thấy được số liệu thực tế vận hành của các phương tiện “trá hình” xe hợp đồng chạy tuyến cố định so với số liệu các nhà xe kê khai là rất lớn.
Như vậy, trung bình doanh thu tối thiểu của một đầu xe 9 chỗ phải đạt 40 triệu đồng/ tháng mới có thể hòa vốn; xe từ 9 đến dưới 45 chỗ phải đạt 60 triệu đồng; xe 45 chỗ phải đạt 75 triệu đồng và xe giường nằm phải đạt 150 triệu đồng/ tháng mới hòa vốn. Chỉ làm phép tính đơn giản, với doanh thu như vậy nhân với số lượng xe hợp đồng do Sở GTVT Hà Nội cấp và nhân với 12 tháng/ năm thì doanh thu thực tế Nhà nước chưa quản lý được lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm.
Cụ thể, theo số liệu do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, hiện nay trên địa bàn có 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ; 11.855 xe hợp đồng từ 9 đến dưới 45 chỗ và 3.095 xe hợp đồng từ 45 chỗ được cấp phù hiệu trở lên. Nếu làm phép tính nhân như trên, với 25.780 xe hợp đồng dưới 9 chỗ đang chạy trên địa bàn thì Nhà nước hiện không quản lý được trên 7.700 tỉ đồng; với 11.855 xe hợp đồng từ 9 đến dưới 45 chỗ, Nhà nước hiện không quản lý được trên 8.500 tỉ đồng và 3.095 xe hợp đồng 45 chỗ trở nên, Nhà nước không quản lý được trên 2.700 tỉ đồng. Như vậy, giá trị doanh thu Nhà nước không quản lý được từ các xe hợp đồng này sẽ là con số rất lớn, trên 19.000 tỉ đồng mỗi năm.
Con số khủng trên còn chưa nói hết được bức tranh “xe “dù”, bến “cóc””, bởi ngoài số lượng xe hợp đồng “đội lốt” xe chạy tuyến cố định thì còn rất nhiều nhà xe đăng ký chạy tuyến cố định nhưng không thực hiện đúng lộ tuyến của mình, cấp vé cho khách chỉ là phiếu thu, tem và thẻ không do cơ quan thuế nhà nước cấp.
Hiện nay, theo tìm hiểu của Báo Lao Động, cơ quan thuế chưa có quy chế phối hợp với cơ quan quản lý ngành vận tải để quản lý xe “dù”, bến “cóc”. Như vậy, doanh thu Nhà nước không quản lý được lên tới hàng nghìn tỉ đồng cũng có nghĩa Nhà nước đang thất thu số tiền ngân sách rất lớn. Những doanh nghiệp nào gây thất thoát ngân sách và ai “chống lưng” cho doanh nghiệp chạy xe “dù”, mở bến “cóc” giữa thủ đô, mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo.