Tại báo cáo về Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam vừa công bố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra hàng loạt giải pháp đổi mới việc cung cấp dịch vụ công nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Trong đó, VCCI đặc biệt nhấn mạnh việc cần doanh nghiệp hóa, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp nhà nước. VCCI cho rằng đây là giải pháp căn cơ giúp giảm bớt gánh nặng về nguồn lực cho nhà nước.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thì lại chưa có một kế hoạch chi tiết ở tầm Thủ tướng hoặc Chính phủ về việc doanh nghiệp hoá hoặc cổ phần hoá. Các kế hoạch này vẫn chủ yếu do cơ quan chủ quản của các đơn vị sự nghiệp công lập tự làm và thực hiện, nên kết quả đạt được không cao.
Tránh bẫy cổ phần hóa
Theo VCCI, bẫy cổ phần hóa xuất hiện khi nhà nước bán các đơn vị độc quyền tự nhiên cung cấp dịch vụ công cho tư nhân, chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân.
Việc vẫn duy trì sự độc quyền của đơn vị tư nhân có thể sẽ không mang lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế.
VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường. Trong một số trường hợp không thể tạo lập cạnh tranh do yếu tố độc quyền tự nhiên, thì các biện pháp can thiệp của nhà nước là cần thiết như kiểm soát giá, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ, đặt ra quy định cấm đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối khách hàng…
Phân biệt dịch vụ độc quyền tự nhiên và dịch vụ có tính cạnh tranh
VCCI dẫn chứng, các dịch vụ về kinh doanh nước sạch, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, hạ tầng đường bộ, cảng biển, sân bay, đường thuỷ, đường sắt… có đặc tính độc quyền tự nhiên rất cao, khách hàng sử dụng dịch vụ rất khó có thể thay đổi bên cung cấp dịch vụ, và cũng khó có thể cho nhiều bên cùng tham gia cung cấp dịch vụ bởi sự lãng phí không cần thiết.
Ngược lại, các dịch vụ mang tính cạnh tranh cao như chiếu phim, y tế, giáo dục… thì khách hàng lại có thể dễ dàng chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, và việc có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ không gây lãng phí lớn.
Chính vì vậy, VCCI đề xuất Chính phủ cần phân loại dịch vụ độc quyền tự nhiên và dịch vụ có tính cạnh tranh. Việc phân loại này cho phép nhà nước áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp đối với từng lĩnh vực.
Nhà nước phải giám sát chặt chất lượng dịch vụ
Theo VCCI, để quản lý các đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ công, nhà nước không thể áp dụng biện pháp mệnh lệnh như đối với các đơn vị công lập, mà buộc phải sử dụng công cụ pháp luật. Do đó, việc xây dựng các quy định pháp luật để quản lý là điều hết sức cần thiết.
Trong đó, việc cấp phép và giám sát chất lượng dịch vụ là điều cần làm ở hầu hết các dịch vụ công cho phép tư nhân cung cấp. Việc cấp phép ban đầu giúp bảo đảm năng lực của đơn vị tư nhân trong cung cấp dịch vụ, còn việc giám sát chất lượng giúp bảo đảm chất lượng dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Việc giám sát phải đi kèm với hình thức chế tài xử lý khi có vi phạm và nên áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để đưa ra biện pháp giám sát cho phù hợp...