Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 với tiêu đề “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” (bản tiếng Việt) dự kiến sẽ được xuất bản vào tháng 8.2015.
Nhằm tiếp nhận những ý kiến đóng góp để bổ sung vào công trình khoa học này, ngày 28.5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo này.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”, đồng thời là một phần trong bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ cho VEPR thực hiện trong giai đoạn 2014-2016.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng VEPR, thành viên Nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) và TS Nguyễn Thị Thu Hằng (Kinh tế trưởng của VEPR) chủ biên, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế).

Tiếp sau 2 chương đề cập tới “Tổng quan kinh tế thế giới 2014” và “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2014”, trong chương 3 “Bất ổn đằng sau sự ổn định của tỉ giá danh nghĩa”, nhóm tác giả cho rằng việc duy trì tỉ giá VND/USD ổn định danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh đã giảm giá trong năm 2014, sẽ khiến đồng VN ngày càng bị đánh giá cao. Điều này đang tích lũy những bất ổn vĩ mô tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động.
Còn việc đánh giá khả năng chịu đựng của hệ thống ngân hàng VN trước những cú sốc kinh tế - tài chính bất lợi có thể xảy ra đã được đề cập trong chương 4 “Phân tích an toàn vĩ mô cho hệ thống ngân hàng Việt Nam 2015 - Ứng dụng phương pháp kiểm tra sức chịu đựng”.
Phần đánh giá tác động của việc gia nhập TPP cho nền kinh tế Việt Nam cũng như những gợi ý chính sách để thúc đẩy những ngành nghề có lợi thế và giảm thiểu tác động tiêu cực của nhóm ngành yếu thế được thể hiện trong chương 5.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xuất khẩu gạo hiện nay, nhóm tác giả có những nhận định về “Hướng tới hội nhập bền vững thị trường lúa gạo - Cách tiếp cận cấu trúc thị trường” (chương 6).
Chương 7 của báo cáo được coi thay cho lời kết, đã đưa ra đánh giá chung về nền kinh tế Việt Nam năm 2014, công bố dự báo về diễn biến kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2015. Trong phần báo cáo này đã có nhận định “Thâm hụt ngân sách là một vấn đề của năm 2015 và có thể kéo dài sang 2016. Điều này phản ánh cấu trúc của nền kinh tế và chất lượng quản trị của chính quyền trung ương và các cấp…”.
Nhóm tác giả cũng đã gợi ý Việt Nam nên đề xuất thành lập Khối Hợp tác kinh tế biển xuyên Á (PAMEC) nhằm tạo dựng một hệ thống hạ tầng trên biển chất lượng cao, kết nối các nền kinh tế biển quan trọng nhất giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tạo lập một khối hợp tác vì thịnh vượng và an ninh chung.

Tại hội thảo, đa phần những người tham dự đều cho rằng báo cáo được tiến hành công phu, khoa học, rất hữu ích. Nhưng theo TS Lê Đăng Doanh (chuyên gia kinh tế cao cấp), TS Huỳnh Thế Du (GĐ đào tạo của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright) và một số ý kiến của nhóm tư vấn, phản biện, báo cáo cần thể hiện sắc nét hơn, cần bổ sung một số vấn đề, làm rõ hơn đối tượng tham gia hoạt động kinh tế…
Từ năm 2009 đến nay, Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam khi được công bố đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi sự tổng quát kỹ các vấn đề kinh tế trong một năm trước đó, đồng thời thảo luận về những chính sách kinh tế quan trọng và dự báo viễn cảnh kinh tế trong năm. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như với những người quan tâm tới thời sự kinh tế tại Việt Nam.
Bản tiếng Anh của Báo cáo này sẽ được xuất bản vào tháng 11.2015, phát hành trên thị trường quốc tế.