Cá nhân thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu kéo theo nhiều cán bộ quản lý "nhúng chàm"
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, xung đột Nga - Ukraina khiến quá trình phục hồi kinh tế diễn ra chậm chạp hậu COVID-19. Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua vẫn có những khởi sắc, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.
Đại biểu cũng làm rõ các vấn đề góp phần tháo gỡ khó khăn để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện tốt hơn.
Trong đó, việc chậm giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội có quy mô gần 350.000 tỉ đồng. Nghị quyết được thảo luận và thông qua khẩn trương, nhưng khi triển khai thì tiến độ rất chậm.
"Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của trung ương là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỉ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này", bà Yên cho biết.
Nữ Đại biểu Quốc hội cũng cho biết, hiện nay, tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. "Tình trạng này kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả".
Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý. Vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn.
Việc tăng cường kiểm soát chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là việc làm cần thiết để các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Theo bà Yên, thời gian qua có một số biểu hiện lệch lạc trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm trang thiết bị y tế do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, thao túng thị trường, không minh bạch thông tin.
Vấn đề là khi các cá nhân này lâm vào vòng lao lý, lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành, các lĩnh vực đó.
Đại biểu cho biết, cử tri thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường.
Cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ
Cũng phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) nhấn mạnh việc phát triển thị trường vốn, trái phiếu trong thời gian qua. Bà cho rằng "thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu. Việc thực hiện các quy định của pháp luật, thị trường chứng khoán và huy động vốn của doanh nghiệp thông qua thị trường trái phiếu nước ta đã có bước phát triển nhất định".
Tuy nhiên, những giao dịch trong thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu gần đây có nhiều việc không lành mạnh. Đã có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi gây bất ổn và làm thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Để làm lành mạnh hoá thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết triệt để các vấn đề này.
Cụ thể, các bộ, ngành cần rà soát các quy định của pháp luật về chứng khoán và phát hành cổ phiếu doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ việc phát hành cổ phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua sửa Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp và các Nghị định liên quan.
Đại biểu cho rằng cần có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường, hạn chế tối đa các hành vi trục lợi.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai minh bạch thông tin cho người dân; trang bị kiến thức cần thiết cho người dân về lĩnh vực này.