Theo kết quả khảo sát được báo cáo chính thức tại buổi công bố, chỉ số PCI tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 55/63 tỉnh, thành cả nước; tăng 1,64 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2020 (năm 2020 được 59,61 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành cả nước, xếp hạng điều hành ở nhóm tương đối thấp so với cả nước); xếp hạng điều hành ở nhóm tương đối thấp so với cả nước và đứng thứ 12/13 trong khu vực ĐBSCL.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu, có tới 73% doanh nghiệp cho biết chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu, xếp hạng thứ 62/63; 90% doanh nghiệp cho biết “tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra xây dựng, xếp hạng thứ 60/63; 69% doanh nghiệp cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”.
Điều này cho thấy, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một số lĩnh vực thủ tục thiết yếu với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đánh giá các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, làm cho thứ hạng của các chỉ tiêu này ở mức thấp.
Do đó để cải thiện và nâng cao chỉ số này, trong năm 2022 chính quyền tỉnh cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp ở những thủ tục như: quản lý thị trường; thanh tra môi trường; thanh tra phòng cháy, chữa cháy; đăng ký doanh nghiệp, sửa đổi đăng ký doanh nghiệp; thanh tra thuế.
Cần tăng cường đẩy mạnh trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 12.3.2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với các đơn vị trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, lạm dụng gây sách nhiễu, khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát minh bạch trong công tác đấu thầu, qua đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phát biểu tại buổi công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhìn nhận: "Đối với Chỉ số PCI là kết quả điều tra xã hội học, phản ánh cảm nhận của doanh nghiệp đối với các nội dung hoạt động cụ thể của hệ thống chính quyền tỉnh nhà. Tuy kết quả đánh giá một số tiêu chí có thể chưa chính xác 100% so với thực tế, song nếu chỉ số này giảm liên tục trong nhiều năm và có tăng trong năm 2021 nhưng vẫn ở nhóm điều hành tương đối thấp, thì phải nghiêm túc nhìn nhận một cách khách quan là hệ thống của chúng ta thực sự vẫn còn nhiều vấn đề phải xử lý, chấn chỉnh và sửa đổi.
Chỉ có thái độ cầu thị, thực sự nghiêm túc, đánh giá trúng vấn đề và sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cộng với sự tư vấn, hỗ trợ của VCCI và các cơ quan Trung ương thì chúng ta mới có thể thay đổi được tình thế còn rất nhiều khó khăn hiện nay".