Áp lực lạm phát
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỉ giá.
Cùng với đó, áp lực từ việc lùi thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng nhận định, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỉ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, nhu cầu về vốn phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gia tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế.
Lạm phát nhập khẩu làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước; do đó mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1.2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên trên 5% vào tháng 12.2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát năm 2023.
Những giải pháp chính được đề xuất
Cục trưởng Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến chỉ ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần tiếp tục thực hiện chủ động và linh hoạt bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra. Các bộ, ngành, địa phương bám sát thực hiện theo chỉ đạo, chú trọng tập trung vào nhiều biện pháp.
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình để có chỉ đạo bảo đảm cân đối cung cầu trong nước.
Thứ hai, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…
Thứ ba, đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện), các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.
Thứ tư, đối với các mặt hàng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường,
Thứ năm, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.