Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức công bố số liệu chi tiết về tổng phương tiện thanh toán và tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng tính tới cuối tháng 9.2021.
Bảng số liệu vừa được công bố cho thấy tổng phương tiện thanh toán tính tới cuối tháng 9.2021 đạt xấp xỉ 12,88 triệu tỉ đồng, tăng 6,35% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 1% từ mức 5,34% tính tới cuối tháng 8.2021.
Đáng chú ý trong số này, tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các ngân hàng tăng tới 7,80%, tăng mạnh từ mức 5,46% hồi cuối tháng 8.2021.
Ngược lại, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tính đến cuối tháng 9.2021 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước ghi nhận con số gần 5,292 triệu tỉ đồng, tương đương mức tăng chỉ 2,92% so với cuối năm 2020 và thấp hơn mức tăng 2,95% tới thời điểm ngày 31.8.2021.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dựa trên các số liệu về tổng phương tiện thanh toán đến tháng 8.2021 cũng được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư đã giảm xấp xỉ 1.500 tỉ đồng trong tháng 9.2021. Đây cũng là tháng hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.
"Các tác động của dịch COVID-19 cùng với việc lãi suất tiết kiệm liên tục giảm (trung bình chỉ còn 5,5%/năm vào cuối tháng 10 với kỳ hạn 12 tháng, giảm khoảng 0,57 điểm phần trăm so với cùng kỳ) đã khiến cho tiền nhàn rỗi trong cư dân chảy vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn như bất động sản hay chứng khoán và giảm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng" - chứng khoán BVSC đưa nhận định.
Thực tế số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng chỉ đạt mức tăng 2,92% so với cuối năm 2020 cũng được ghi nhận là mức tăng rất thấp nếu so với tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong gần 10 năm qua.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư từ mức 16% tháng 5.2012 lần lượt giảm xuống còn 14,26% vào tháng 5.2013, giảm tiếp xuống còn 9,49% vào năm 2014 và, giảm còn 8,31% vào năm 2015. Đến năm 2016, tăng trưởng dư nợ tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các ngân hàng tăng 11,04%, giảm còn 9,39% vào năm 2017, còn 7,5% vào năm 2018 và trong suốt cả năm 2019 chỉ tăng 6,84%.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng liên tục đi xuống, tăng trưởng tiền gửi dân cư tại các ngân hàng liên tục có dấu hiệu đi xuống. Thậm chí giảm mạnh xuống còn 4% năm 2020 và 2,92% vào cuối tháng 9.2021.
Nhiều chuyên gia tài chính nhìn nhận, việc các ngân hàng lần lượt giảm mạnh lãi suất huy động vốn do tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế gặp khó khăn là yếu tố khiến nhiều người chuyển sang kênh đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, đầu tư bất động sản, mua vàng…
Đây cũng là yếu tố khiến tiền gửi dân cư tại ngân hàng giảm mạnh và có tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
Bộ Tài chính hiện đang tính toán phương án có thể huy động khoảng 180.000 tỉ đồng trong dân chúng trong hai năm, thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu và công trái ngoại tệ.