Sau 6 tháng UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Vành đai 2 (đoạn 3) từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức), ghi nhận ngày 18.6, công trường dự án vẫn vắng lặng, không có dấu hiệu thi công lại.
Dự án khởi công năm 2017 với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo thiết kế, tuyến được giải phóng mặt bằng với bề rộng 67m, giai đoạn một làm đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 10,5m cho 6 làn xe. Phần giữa chưa xây dựng mà dự trữ cho giai đoạn sau.
Kế hoạch ban đầu, đoạn vành đai trên dự tính hoàn thành năm 2020, giúp xe thuận tiện qua lại giữa hai trục chính Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 1, thay vì phải đi theo các tuyến Tô Ngọc Vân, Quốc lộ 13...
Nhưng từ tháng 3.2020 tới nay, dự án mới đạt 44% thì dừng thi công do vướng mặt bằng và thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư. Dự án đã được UBND TPHCM điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2026.
Theo ghi nhận, nhiều hạng mục thi công dở dang, sắt thép đã hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng mưa. Công trường dự án um tùm cỏ dại, hình thành những đường mòn dân sinh đi tắt qua khu vực. Người dân sinh sống quanh khu vực đã tận dụng đất trống để chăn thả bò.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) cho biết, sau khi dự án được UBND TPHCM ra quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2026 thì dự kiến tháng 6 này khởi công lại, nhưng tiến độ thực tế hiện nay không biết đến khi nào.
Nhà đầu tư đã huy động vào dự án hơn 2.200 tỉ đồng, gồm 800 tỉ là vốn chủ sở hữu và 1.400 tỉ đồng vay ngân hàng. Trong số này, khoảng 1.400 tỉ đồng là khối lượng đã được nghiệm thu, xác nhận kiểm toán.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa được chi trả bằng quỹ đất tương ứng vì chưa hoàn tất giải quyết vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán, điều chỉnh, ký phụ lục hợp đồng BT. “Việc hoàn tất thủ tục, xác định thời gian, lộ trình thanh toán rất cấp bách vì sẽ giải quyết toàn bộ các khó khăn” - đại diện nhà đầu tư nói.
Theo Sở GTVT TPHCM, việc quan trọng hiện nay là điều chỉnh dự án, bao gồm phương án tài chính, cơ cấu tổng mức đầu tư, chi phí lãi vay, bồi thường... Từ đó, sẽ tiến hành đàm phán với nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BT.
Vấn đề này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM xem xét, tham mưu UBND TPHCM giải quyết. Riêng quỹ đất thanh toán, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng rà soát và xin hướng dẫn từ Bộ chuyên ngành về quy trình để triển khai.