Ghi nhận của Lao Động chiều 21.6 cho thấy, lực lượng chức năng đã hoàn thành giải phóng mặt bằng những trường hợp còn lại nằm trong chỉ giới dự án nâng cấp đường Xuân Diệu.
Đây là một dự án trọng điểm của quận Tây Hồ, dài gần 1,1 km (điểm đầu giao với đường Tô Ngọc Vân, điểm cuối giao với đường Nghi Tàm), tổng mức đầu tư hơn 388 tỉ đồng. Dự án thi công từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ (đại diện chủ đầu tư), để thực hiện dự án, UBND quận Tây Hồ đã ban hành quyết định thu hồi hơn 6.500 m2 đất liên quan đến 159 trường hợp.
Cơ bản các trường hợp đều đồng thuận với chính sách của Nhà nước, đã nhận tiền bồi thường hỗ trợ và đồng ý chấp hành bàn giao mặt bằng.
Đến thời điểm trước tháng 4.2024, còn tồn tại, vướng mắc 11 trường hợp, với tổng diện tích 712,02 m2.
Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, các hộ dân vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã xây dựng phương án cưỡng chế, tổ chức cưỡng chế các trường hợp trên theo quy định.
Theo đó, vào tháng 4.2024, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã tiến hành cưỡng chế 5 trường hợp (giai đoạn 1). Tuy nhiên, có 3 trường hợp ký biên bản bàn giao mặt bằng và đề nghị không thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Đến tháng 6.2024, UBND quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện cưỡng chế đối với 6 trường hợp còn lại. Trong quá trình vận động thuyết phục, đã có 3 trường hợp ký biên bản bàn giao mặt bằng và đề nghị không thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp đường Xuân Diệu đã hoàn thành.
Thời gian tới, đơn vị thi công sẽ tiến hành hoàn thành việc mở rộng đoạn tuyến còn lại, bảo đảm đồng bộ kết nối với các dự án giao thông huyết mạch đang được triển khai trên địa bàn quận, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã đi kiểm tra dự án mở rộng đường Xuân Diệu.
Tại buổi kiểm tra, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, đây là dự án giao thông cấp bách nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố và tại khu vực dự án, do vậy việc thi công không thể chậm trễ, lơ là.
Tuy nhiên, việc thi công vẫn để tồn tại nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị liên ngành gồm Sở Giao thông Vận tải, Công an TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ… tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ Ban Quản lý dự án trong công tác phân luồng tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án nhanh nhất có thể.