Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận, gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.
Công trình khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, kỳ vọng là động lực kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế Thủ đô song liên tục trễ hẹn, giày vò người dân sống dọc đại công trường.
Sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến dự kiến là năm 2027. Nguyên nhân chậm trễ được cơ quan chức năng chỉ ra gồm 2 nguyên nhân chính, là do vướng giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu depot hạn chế.
Tại phiên họp thứ hai của Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM hôm 17.7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đào tạo nhân sự và dự kiến đưa vào sử dụng đoạn trên cao vào cuối tháng 7.
Hiện Hà Nội đã vận hành thử đoạn trên cao. Các Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài chính cũng chỉ đạo đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; tổ chức kiểm tra hiện trường, rà soát điều kiện nghiệm thu; hoàn thiện thủ tục và ký kết phân bổ vốn vay cho đoạn đi ngầm; thành lập Hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường.
8 nhà ga trên cao và depot Nhổn đã được công nhận kết quả nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. 10 đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem. Các thiết bị tại nhà ga và depot cũng đã dán tem kiểm định.
Tư vấn Systra cũng cấp Chứng chỉ nghiệm thu bàn giao hoàn thành (TOC) cho từng gói thầu.
Nếu đoạn trên cao vận hành vào cuối tháng 7.2024, người dân Thủ đô sẽ được đặt chân lên tàu điện Metro Nhổn - ga Hà Nội sau 15 năm chờ đợi, tính từ ngày dự án khởi công.
Tại quận Tây Hồ, dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giải tỏa ùn tắc, bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng sắp sửa về đích sau 4 năm thi công.
Công trình dài 3,7km, điểm đầu tại khách sạn Thắng Lợi, điểm cuối nút giao Nhật Tân với tổng đầu tư 544 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Vượt qua nhiều khó khăn về dịch bệnh COVID-19, giá nguyên vật liệu, thời tiết... đến nay toàn tuyến đã hoàn thành trên 90% tiến độ.
Hiện đoạn tuyến từ khách sạn Thắng Lợi đến chợ hoa Quảng An dài khoảng 1,5km đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính như thảm nhựa mặt đường, dải phân cách, hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng... phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đoạn còn lại từ chợ hoa Quảng An đến Nhật Tân dài hơn 1,5km đang được chủ đầu tư, nhà thầu huy động 100% máy móc, công nhân đẩy nhanh tiến độ thi công.
Càng về cuối tháng 7, không khí lao động tại dự án đang vô cùng khẩn trương. Công trường gần như không có ngày im tiếng máy. Các kỹ sư, công nhân đều quyết tâm cao, sớm hoàn thành các hạng mục dự án.
Chủ đầu tư cho biết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, việc thi công đảm bảo, toàn tuyến dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 7.2024.
Sau khi hoàn thành mở rộng, tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang từ 26,5m đến 31m, trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5m đến 21m (tương đương 4 đến 6 làn xe).