Theo tìm hiểu của Lao Động, dự án cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32 dài 7,7 km. Điểm đầu tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32, thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; điểm cuối ở ranh giới của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.
Phần cầu chính vượt sông, cầu cạn vượt vùng lòng hồ Vân Cốc và cầu dẫn phía Hà Nội rộng 20,5m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Phần đường nối từ Quốc lộ 32 đến cầu cạn vượt lòng hồ Vân Cốc rộng 32m, quy mô 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.444 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng tạm tính là 112 tỉ đồng; chi phí xây dựng là 2.507 tỉ đồng; chi phí dự phòng chiếm 449 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án là 376 tỉ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội - đơn vị được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi động. Ban phấn đấu hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng từ cuối năm 2027.
Hiện, UBND huyện Phúc Thọ đang tiếp tục đề nghị các cơ quan liên quan của huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tổ chức công bố công khai hồ sơ phương án tuyến được phê duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.
Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức lập nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới tuyến; tổ chức triển khai cắm mốc giới tuyến theo hồ sơ cắm mốc giới được duyệt ngoài thực địa. Bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương để quản lý và thông báo cho nhân dân trong khu vực được biết, thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.
Việc xây cầu Vân Phúc nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch, phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, đi lại của nhân dân, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh thành lân cận trong vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hiện TP Hà Nội đã có 9 cầu qua sông Hồng gồm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long, Vĩnh Thịnh, Văn Lang.