Tại Hà Nội, từ lâu cầu Thanh Trì và tuyến đường hai đầu cầu thuộc trục đường Vành đai 3 đã trở thành một trong những “điểm đen” ùn tắc giao thông. Tình trạng này xảy ra do va chạm, tai nạn giao thông diễn ra thường xuyên trên cầu Thanh Trì. Không ít thời điểm xảy ra tai nạn liên hoàn giữa 3-4 phương tiện, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Theo ghi nhận của Lao Động, mỗi khi xảy ra tai nạn tại làn đường ngoài cùng trên cầu Thanh Trì, tình trạng người đi ôtô, xe máy tự ý tháo dải phân cách để đi sang làn đường bên cạnh trên cầu diễn ra phổ biến. Đây là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Theo anh Lê Trung Nguyên (36 tuổi, trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy), thường xuyên phải qua cầu Thanh Trì để vào nội đô Hà Nội làm việc, với anh việc di chuyển qua cầu Thanh Trì và tuyến đường Vành đai 3 khổ nhất là lúc trên cầu có tai nạn giao thông hay sự cố. Các phương tiện gần như đứng yên, tiến không được, lùi cũng không xong.
Theo anh Nguyên và một số tài xế khác, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là do lưu lượng phương tiện di chuyển quan đây quá lớn. Không những vậy, tại khu vực phía Bắc cầu Thanh Trì, dự án đường dẫn vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được thi công, nên đường dẫn lên cầu thường ùn ứ vào giờ cao điểm.
Nói về nguyên nhân ùn tắc giao thông này, Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho biết, việc quy hoạch và hoạch định công suất thiết kế các công trình trọng điểm có vấn đề. Chính đều này đã dẫn đến quy mô xây dựng chưa phù hợp, chưa đạt mục tiêu về tầm nhìn dài hạn. Ngoài ra quy hoạch, tầm nhìn của của ngành giao thông vận tải không theo kịp sự gia tăng của phương tiện giao thông.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Thủy cho rằng chúng ta phải tính toán, có bài toán dự báo chính xác hơn. Quy hoạch đường cao tốc cũng vậy, cần dự báo được có bao nhiêu nghìn xe/ngày đêm, đặc biệt là những lúc cao điểm lên tới tới bao nhiêu xe. Do vậy, việc tính toán phải thêm hệ số an toàn mới đảm bảo yêu cầu thực tế khi nhu cầu.
Theo ông Thủy, sau nhiều năm đưa cầu Thanh Trì vào khai thác, đến nay, lưu lượng phương tiện tăng cao… đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê, đánh giá lưu lượng xem đã cần lập dự án mới chưa.
Đặc biệt, để giảm tải cho cầu Thanh Trì, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nút giao thông cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3. Khi hoàn thiện, phương tiện từ nút giao này có thể đi thẳng về đường Cổ Linh hướng về cầu Vĩnh Tuy.
Đại diện Đội CSGT số 14 - Công an TP Hà Nội cho biết, việc ùn tắc và tai nạn giao thông thường xuyên tại đây do lưu lượng phương tiện tăng gấp gần chục lần so với 10 năm trước, dẫn đến sự quá tải. Mỗi khi xảy ra ùn tắc trên cầu Thanh Trì, lực lượng CSGT nhiều khi phải đi bộ len qua dòng xe để tới hiện trường làm nhiệm vụ.
Để hạn chế tình trạng này, lực lượng chức năng đã đề xuất điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Cụ thể là bố trí mặt cầu thành các làn đường dành cho các phương tiện; điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép; điều chỉnh hệ thống vạch kẻ đường, biển báo hiệu cho phù hợp. Đặc biệt, thường xuyên tiến hành duy tu, bảo trì mặt cầu, khe co giãn, hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát…