Khổ sở với ùn tắc
Mỗi ngày, chị Lê Thị Lan Anh (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) mất 3 giờ để di chuyển 15km từ nhà đến chỗ làm và ngược lại. Quãng đường di chuyển vào nội đô, từ huyện Nhà Bè đến Quận 1, tưởng gần mà còn xa hơn cả đi tỉnh.
Những ngày cao điểm, chị phải vật vã với dòng xe cộ dày đặc và hít không biết bao nhiêu khói bụi. Đến được cơ quan, người phụ nữ 35 tuổi uể oải, tinh thần làm việc đi xuống.
Đoạn đường "đau khổ" nhất mà chị phải đi qua mỗi ngày là khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ và cầu Kênh Tẻ.
"Các loại xe cứ loạn cả lên, mạnh người nào người nấy chen để qua cho được. CSGT chỉ có mặt điều tiết trong giờ cao điểm, những lúc khác thì người dân chỉ biết chịu trận" - chị Lan Anh nói.
Có một vài thời điểm, chị đi theo hướng đại lộ Nguyễn Văn Linh, sang Quận 8, rồi tiếp tục qua cầu Nguyễn Văn Cừ. Dù thông thoáng hơn, nhưng đường đến nơi làm việc sẽ xa hơn rất nhiều.
Ngoài các lộ trình trên, từ Nhà Bè, Quận 7 ra vào nội thành hiện chỉ có trục đường chính là Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành.
Còn phía Quận 8 kết nối trung tâm thành phố theo đường Dương Bá Trạc qua các cầu Kênh Xáng, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Chà Và, Chữ Y. Tuy nhiên, các tuyến trên đều đã vượt thiết kế.
Riêng cầu Kênh Tẻ (nối Quận 7 và 4) dù được nới rộng 2 m vào năm 2019, nhưng vẫn không thể giải quyết được ùn tắc trước lưu lượng xe quá lớn ra vào khu trung tâm mỗi ngày.
Dự án chờ gỡ vướng
Khi nghe về những dự án “giải kẹt” cho khu Nam, chị Lan Anh mong ngóng những con đường, cây cầu và hầm chui trong kế hoạch sớm đi ra từ trang giấy để quãng đường đi làm mỗi ngày ngắn lại.
Nếu một trong những dự án hoàn thành như kế hoạch, suốt một năm qua, người phụ nữ hai con đã chẳng mất nhiều thời gian mỗi ngày để vật lộn với hệ thống giao thông tắc nghẽn.
"Ba giờ trên đường mỗi ngày đã lấy đi của tôi nhiều thứ, bao gồm cả sức khỏe và thời gian chăm sóc những đứa con đang lớn của mình" - chị Lan Anh nói.
Dự án được kỳ vọng "giải cứu" kẹt xe khu Nam là hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Công trình được khởi công vào tháng 6.2020 với tổng vốn 830 tỉ đồng (giai đoạn một) dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên đến nay mới đạt hơn 40%. Công trường ngổn ngang máy móc, vật liệu.
Nguyên nhân chậm tiến độ là do vướng mắc trong việc di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...). Hiện, các khó khăn này đã cơ bản được thành phố chỉ đạo giải quyết, dự kiến hoàn tất trong tháng 10 tới, khi đó dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ.
Trong khi công trình được kỳ vọng nhất là hầm chui bị chậm trễ, mật độ xe lại liên tục tăng, các dự án mở thêm kết nối với khu trung tâm vẫn còn nằm trên giấy.
Năm 2017, TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng cầu - đường Nguyễn Khoái, nối Quận 7, 4 và 1 với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng nhằm mở trục mới ra vào khu trung tâm, song ngân sách chưa thể cân đối.
Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang được nghiên cứu triển khai dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhờ cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98.
Cơ quan này cũng đã đề xuất triển khai dự án cầu - đường Bình Tiên, nối Quận 6, 8, huyện Bình Chánh theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối khu Nam TPHCM với các tỉnh miền Tây, bởi tuyến đường sẽ nối qua Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3.
Ngoài ra, cầu Thủ Thiêm 4 có tổng vốn 5.000 tỉ đồng, vượt sông Sài Gòn nối Quận 7 sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, cũng được dự tính triển khai trong giai đoạn 2024-2027.
Khi cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành ngoài giúp khu đô thị này phát triển còn giải tỏa áp lực giao thông từ quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức qua các Quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè...