Ngày 1.7, UBND TP.Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội quý II/2022.
Tại họp báo, khi được hỏi: "Sở GTVT Hà Nội đề xuất cho xe buýt và các loại xe đi vào làn buýt BRT, quan điểm của UBND TP.Hà Nội về đề xuất này như thế nào và thành phố có chủ trương phát triển loại hình buýt BRT trong thời gian tới không khi nhiều ý kiến cho rằng, loại hình này hoạt động không hiệu quả?".
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, tuyến xe buýt nhanh BRT là tuyến đầu tiên của TP.Hà Nội triển khai thí điểm, tuyến này chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2017, có chiều dài hơn 14km.
Đây là tuyến có làn đường dành riêng, với tần suất khai thác từ 3,5 - 15 phút/lượt trong ngày thường và từ 7 - 15 phút/lượt vào ngày chủ nhật, hoạt động từ 5h sáng đến 22h đêm.
"Sau 5 năm vận hành, loại hình BRT đã đem lại hiệu quả tích cực, chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng vận tải hành khách ngày càng tăng, doanh thu ở mức cao so với toàn mạng lưới buýt hiện nay. Nhân dân đánh giá cao trong chất lượng phục vụ" - ông Bảo nói.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, lộ trình tuyến BRT đi qua hầu hết tuyến đường là trục chính có mật độ tham gia giao thông cao như đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương, đường Tố Hữu. Đặc biệt là vào những giờ cao điểm nên đôi khi xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông trên tuyến.
"Sở GTVT đang nghiên cứu phương án để đảm bảo phát huy hết làn đường ưu tiên hiện có của buýt nhanh BRT, đồng thời phù hợp với công tác tổ chức giao thông trên tuyến" - ông Bảo nói và khẳng định, phương án cụ thể thì sẽ được lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và quan trọng nhất là được sự đồng tình cao của nhân dân trước khi thực hiện.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất trên tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT 01 cho phép các xe đi vào gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường.
Theo đó, hiện xe buýt BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các xe khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.
Trên tuyến dài 14,77km, ngoài 3 đoạn tuyến xe BRT lưu thông hỗn hợp thì tuyến BRT được bố trí chạy trong làn dành riêng, có vạch sơn kết hợp với lắp dải phân cách cứng tại 3 nút giao thông gồm Giảng Võ, Hoàng Đạo Thúy và Khuất Duy Tiến.
Về tình hình giao thông trên tuyến, sở cho hay, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT.