Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường quan trọng của Hà Nội và miền Bắc với chiều dài khoảng 30 km. Đây được coi là cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh phía Nam và trục cao tốc Bắc - Nam hình thành trong tương lai.
Năm 2018, tuyến đường hoàn thành việc mở rộng với quy mô gồm 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Với tính kết nối quan trọng, trung bình mỗi ngày có khoảng 75.000 lượt xe đi qua tuyến cao tốc này. Cao điểm dịp Tết Giáp Thìn 2024, số lượt xe qua đây đạt 137.000 lượt xe/ngày đêm.
Đánh giá chung tình hình giao thông trên tuyến những ngày Tết vừa qua, ông Vũ Ngọc Oánh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, xe lưu thông qua tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ năm Giáp Thìn tăng so với năm Quý Mão là 5,1%. Một số vị trí ùn tắc thường xảy ra tại nút giao chuẩn bị vào TP Hà Nội và lên Vành đai 3.
Ghi nhận của Lao Động cho thấy, nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 thường xuyên là điểm nóng ùn tắc, như dịp Tết vừa qua là một ví dụ điển hình.
Đơn cử trong chiều 14.2 và 15.2 (mùng 5, mùng 6 Tết Giáp Thìn). Đây là thời điểm người dân trở lại thành phố chuẩn bị làm việc sau kỳ nghỉ dài nhất năm.
Dòng ôtô nối đuôi nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm Thủ đô. Ba làn đường ngoài và một làn khẩn cấp trên cao tốc hướng vào nội đô, ôtô xếp hàng dài, nhích từng chút gần 5 km.
"Cửa ngõ phía Nam ngày thường đã quá tải, huống hồ dịp lễ, Tết. Cánh tài xế thì ngao ngán, còn hành khách trên xe mệt bơ phờ. Ùn tắc triền miên khiến hành trình về quê lên, lên phố của người dân vào dịp lễ, Tết không khác gì hành xác" - anh Nguyễn Bá Trung (34 tuổi, Hà Nam) cho hay.
Hồi tháng 7.2023, TP Hà Nội khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3. Tuyến đường dài 3,4km, rộng 60m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư 3.241 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án cấp bách để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân. Dự án còn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam là do người dân không có nhiều lựa chọn để ra vào Thủ đô, ngoài cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo ông Tạo, lưu lượng phương tiện đổ về cửa ngõ phía Nam rất lớn nên việc tổ chức giao thông cho nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 rất phức tạp khiến cửa ngõ phía Nam Hà Nội ùn tắc triền miên.
Do đó, việc xây dựng tuyến đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm tải một phần áp lực giao thông ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô so với hiện nay.
Về lâu dài, vị chuyên gia này cho rằng TP Hà Nội phải quy hoạch, đầu tư xây dựng và điều tiết phương tiện giao thông từ sớm, từ xa chứ không chỉ dựa vào việc hoàn thiện một vài nút giao gần nội thành.
Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ - Bộ Giao thông Vận tải, để giải quyết tình trạng ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam, ngành giao thông Thủ đô phải điều tiết phương tiện trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngay từ huyện Phú Xuyên hoặc Thường Tín.
Để làm được điều đó, Hà Nội phải gấp rút hoàn thành trục đường phía Nam (Hà Đông - Cầu Giẽ) cho người điều khiển phương tiện có thêm lựa chọn vào nội thành qua quận Hà Đông.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần đầu tư thêm tuyến đường nhánh để chia sẻ phương tiện cho Cao tốc Pháp Vân, kết nối giữa cao tốc này với Quốc lộ 1 mới có thể giải quyết được vấn đề ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam.