Một số chuyên gia giao thông vừa có ý kiến về việc đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị cân tải trọng để kiểm soát xe trên các tuyến đường Hà Nội, đặc biệt là Vành đai 3 và cầu Thăng Long.
Mới đây, Bộ GTVT đã có ý kiến về việc đầu tư Dự án xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị cân kiểm soát tải trọng xe tại các tuyến đường Hà Nội. Bộ GTVT đề nghị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư, bởi dự kiến đến năm 2023 mới triển khai là quá chậm. Đồng thời, dự án nên ưu tiên lắp đặt tại một số vị trí như tuyến Vành đai 3, cầu Thăng Long.
Sớm triển khai để bảo vệ kết cấu hạ tầng
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên trường Đại học Việt Nhật cho rằng, nhờ vào tiến độ của khoa học công nghệ nên việc lắp đặt cân tải trọng hiện nay rất dễ.
Theo TS Phan Lê Bình, nhiều loại cân có hình dạng và kích thước khá là giản tiện, nhỏ nhẹ, có thể đặt trên mặt đường xe đang chạy mà không cần dừng cũng có thể đo được tải trọng của xe. Do vậy, việc lắp đặt không đòi hỏi diện tích nhiều và có thể đặt được ở những vị trí khá linh động,
TS. Phan Lê Bình nhận định, việc lắp đặt cân trọng tải là công tác rất quan trọng và cần thiết để bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ. Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền hàng trăm tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông, nếu các xe quá tải chạy quá nhiều thì một thời gian ngắn lại hư hỏng, lại phải sửa chữa.

Đồng quan điểm trên, Ths. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học GTVT nhận định, Hà Nội với mật độ phương tiện và tần suất lưu thông lớn, cần xác định những điểm trọng yếu mà cần kiểm soát tải trọng.
Ông Tuấn cho rằng, việc đưa vào các trạm cân điện tử và những trạm cân thông minh ở trên đường giúp giám sát các phương tiện lưu thông, phát hiện vi phạm một cách nhanh chóng. Việc vi phạm có thể kiểm soát tự động, báo cáo danh sách về các lực lượng quản lý liên quan. Đặc biệt là chuyển về đơn vị quản lý vi phạm để có cơ sở xử lý và có thể phạt nóng hay phạt nguội.
Có mức xử phạt đủ sức răn đe
Nói về công tác xử lý, TS. Phan Lê Bình cho biết, mục đích cuối cùng của giải pháp là đảm bảo không còn phương tiện vi phạm. Với việc thực hiện cưỡng chế bắt giảm tải, lực lượng chức năng có thể đưa xe vào trong bến bãi gần vị trí cân kiểm soát, sau đó gỡ tải xuống. Tuy nhiên, việc này khá khó khăn và phức tạp bởi quỹ đất chật hẹp.
“Việc xử lý những vi phạm quá tải cần có những biện pháp răn đe với mức phạt đủ nặng để các phương tiện không vi phạm nữa. Nếu chỉ vi phạm lần nào phạt lần đấy, không có liên hệ lần trước lần sau thì sẽ không hiệu quả.
Trường hợp cố tình vi phạm lặp lại nhiều lần chúng ta không biết được thì nó không có ý nghĩa. Vì vậy, phải lưu lại được cơ sở dữ liệu để biết được xe đó vi phạm mấy lần để có mức xử phạt phù hợp”, TS. Phan Lê Bình nhấn mạnh.
Theo Ths. Vũ Anh Tuấn, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị đã có những biện pháp kiểm tra trọng tải tuy nhiên vẫn không đạt hiệu quả về giám sát thường xuyên. Đặc biệt là những phương tiện chạy vào những giờ thấp điểm và không có lực lượng kiểm tra của ngành, liên ngành. Điều này dẫn đến việc các phương tiện quá tải hoạt động lén lút và gây hư hỏng công trình giao thông.
Ông Tuấn Anh cho rằng, điều quan trọng nhất trong quản lý tải trọng phương tiện là yếu tố thường xuyên, liên tục. Các lực lượng chức năng cần giám sát được các hành vi vi phạm, đặc biệt là ở các tuyến đường thường xuyên có những xe tải trọng nặng.
"Cơ quan chức năng không chỉ xử phạt tài xế mà ngay cả những doanh nghiệp vận tải cũng bị tước giấy phép, không cho kinh doanh vận tải hàng hóa nếu vi phạm quá nhiều”, ông Tuấn đề nghị.