Những hạn chế phát sinh từ thi giáo viên giỏi thời gian qua khiến ý nghĩa của cuộc thi trở nên “méo mó” khi xuất hiện hiện tượng giáo viên “gài” bài, phân vai cho học sinh hay học sinh ngoan, học giỏi được vào lớp, học sinh kém phải ở nhà.
Để khắc phục những điều này, Bộ GDĐT đang nghiên cứu xét công nhận giáo viên dạy giỏi, với mong muốn việc công nhận thực chất, có tác động tốt, có tính lan tỏa trong môi trường dạy học, giáo dục tại các nhà trường phổ thông.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Cường - Trưởng phòng GDĐT huyện Đông Hưng, Thái Bình nhận xét, ưu điểm của hình thức thi hiện nay là đánh giá được tương đối toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên giữa các đơn vị.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức thi là dễ dẫn đến việc ôn luyện - đào tạo “gà nòi”. Bên cạnh đó, chỉ qua 1 bài thi cũng không thể lột tả hết quá trình, năng lực, hiệu quả công tác của giáo viên. Vị trưởng phòng này cũng thẳng thắn chỉ ra áp lực thành tích, vì có thi đua nên cấp phòng áp lực cho trường, cấp trường áp lực lên giáo viên để thi đua với trường khác.
Cho rằng, hình thức xét giáo viên giỏi sẽ cho thấy được cả một quá trình phấn đấu của giáo viên nhưng ông Cường vẫn băn khoăn về dự kiến tiêu chí giáo viên giỏi phải được "học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm". Điều này rất khó để thực hiện và có kết quả khách quan.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - cho biết kinh nghiệm để đánh giá hiệu quả lao động của giáo viên là căn cứ vào sự thay đổi của học sinh. Không chỉ thể hiện ở một giờ dạy, mà là quá trình diễn ra trong thực tế dạy học. Tuy nhiên, việc đánh giá tín nhiệm chỉ mang tính cảm tính.
Bày tỏ lo ngại "bỏ một hội thi vì cho rằng gây áp lực" nhưng lại thay thế bằng một hệ thống tiêu chí, minh chứng, hồ sơ có thể sẽ gây nên áp lực mới, thậm chí áp lực nhiều hơn - đó là lo ngại của bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Bà Na cho rằng, việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay không khẳng định được hết năng lực của giáo viên, không thể nói giáo viên không tham gia thi là không giỏi. Lãnh đạo Trường Lương Thế Vinh cũng bật mí cách đánh giá giáo viên dạy giỏi của nhà trường được thể hiện qua đánh giá của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp, kết quả thầy cô “vực” lớp lên như thế nào.
Việc đánh giá giáo viên được thực hiện vào cuối năm, học sinh không phải ghi tên vào phiếu đánh giá để không ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy cô. Kết quả đánh giá được công bố công khai, giáo viên dựa vào đó để biết điểm mạnh, điểm yếu, tự điều chỉnh bản thân.
“Tôi không ủng hộ việc duy trì hội thi giáo dục dạy giỏi như hiện nay. Nhưng nếu chỉ xét tuyển, tôi cũng lo ngại sẽ có việc làm đẹp hồ sơ. Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu kết hợp điểm mạnh của cả 2 hình thức xét tuyển và thi tuyển”, bà Na cho hay.