Chuyện cũ lặp lại
Đêm 29.5, một vụ việc vô cùng đau lòng, xót xa đã xảy ra ở TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình khi cháu T.G.H. (4 tuổi) đã bị bỏ quên trên chiếc xe đưa đón học sinh 29 chỗ của Trường Mầm non Hồng Nhung (địa chỉ xã Phú Xuân, TP Thái Bình).
Ngay trong đêm, Công an TP Thái Bình đã ngay lập tức ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ vụ việc.
Đáng nói, trường hợp cháu H. tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh không phải là vụ việc đầu tiên xảy ra.
Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại Trường Gateway khi học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón 16 chỗ khiến cháu L.H.L. (6 tuổi) tử vong.
Liên quan đến vụ việc này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy (người đưa đón học sinh) 21 tháng tù, Doãn Quý Phiến (tài xế lái ô tô đưa đón học sinh) 10 tháng tù, cùng về tội “Vô ý làm chết người”.
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm của bé L.) bị tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo này cũng bị cấm đảm nhiệm nghề giáo viên một năm sau khi thi hành án xong.
Đáng nói, không chỉ 2 sự việc trên mà hàng loạt vụ bỏ quên học sinh trên xe đưa đón đã bị lặp đi lặp lại do sự tắc trách của người lớn.
Cụ thể, trường hợp cháu N.T.L. (Học sinh mầm non Đồ Rê Mí, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe suốt 7 giờ đồng hồ và một học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Archimedes thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội bị bỏ quên trên xe khoảng 10 phút.
Rất may, những học sinh này đã được phát hiện và thoát khỏi cửa tử. Thế nhưng, điều đáng nói hơn cả là sự tắc trách của rất nhiều người lớn, "bỏ quên" hẳn một đứa trẻ biết nói, biết cười để xảy đến những vụ việc đau lòng nói trên.
Sự việc đã xảy ra hơn 1 lần, tại sao vẫn chưa có cơ chế việc đưa đón học sinh?
Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và bồi dưỡng, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Điều khiến rất nhiều người cảm thấy khó hiểu là đã có sự việc tương tự xảy ra, tại sao vẫn chưa có một đơn vị trường học hay cơ quan quản lý nhà nước có hướng dẫn nào cụ thể về quy trình đưa đón học sinh, nhất là đưa đón bằng xe ô tô".
Theo ông Hà, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban giám hiệu nhà trường. Bởi lẽ nếu như trong quá trình đưa đón trẻ, nhà trường có quy định rõ ràng về các bước kiểm tra thông tin học sinh khi lên, xuống xe thì chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua.
"Quy trình khi đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường chúng ta đã nói rất nhiều rồi. Tuy nhiên cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đặc biệt trong quá trình đưa đón trẻ đến trường bằng phương tiện ô tô. Quy trình đó phải khoa học, rõ ràng, minh bạch, được thực hiện ngay từ khi đón trẻ từ tay gia đình, phải có danh sách và được đánh dấu.
Phải có một quy trình khoa học, quy định rõ ràng và bắt buộc việc kiểm tra việc lên, xuống của trẻ chứ không đơn thuần chỉ dựa vào đạo đức hay thói quen của người đưa đón trẻ" - PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói.