Phụ huynh đừng mang thói côn đồ vào trường học
Đây là ý kiến của GS-TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam liên quan đến những vụ việc bạo lực giáo viên và học sinh xảy ra trong phạm vi trường học thời gian qua. Ông cho rằng môi trường giáo dục đang trở nên bạo lực và còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Đứa trẻ đến trường phải được đảm bảo an toàn, được tôn trọng quyền con người, tuy nhiên, thực tế cho thấy, học sinh có nguy cơ bị bạo hành bởi chính giáo viên của chúng. Hành động nhà giáo hành hạ, đánh đập học sinh cần bị lên án. Ngược lại, việc giáo viên bị bạo hành bởi học sinh và phụ huynh cũng cần bị lên án.
Như vụ việc vừa xảy ra ở Nghệ An, chưa xác định cô giáo có đánh học trò hay không, mới chỉ thấy có vết bầm ở chân cháu bé mà phụ huynh đã xông vào tận trường học bắt cô giáo quỳ, đánh cô giáo dã man như một kẻ côn đồ là không thể chấp nhận được. Nhất là những hành động đó diễn ra ngay trước mặt nhiều học trò nhỏ.
Sau này cô giáo sẽ dạy dỗ chúng thế nào nữa, có hành động như bố mẹ chúng đối xử với thầy cô không? Tôi nghĩ những phụ huynh có những hành động trái với đạo lý, vi phạm quy định của pháp luật cần phải xử lý thật nghiêm để tạo tính răn đe”- GS Phạm Tất Dong chia sẻ.
Bộ Giáo dục không thể chỉ nói suông
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, từ những vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua cho thấy vấn đề an ninh trường học đang rất có vấn đề, nếu không muốn nói là lộn xộn.
“Hiện nay, việc các nhà trường tổ chức cho đưa đón các cháu học sinh có rất nhiều bất cập. Ai thích vào thì vào, ai thích ra thì ra. Tôi cũng thắc mắc là bảo vệ của nhà trường ở đâu mà để xảy ra việc phụ huynh hành hung giáo viên đến như vậy. Nếu an ninh trường học cứ lỏng lẻo như này, nhỡ có kẻ xấu lợi dụng vào trường, vào lớp để gây ra các vụ việc đáng tiếc thì sao? Thông qua những vụ việc này, tôi nghĩ các trường cần xem lại nội quy và vấn đề an toàn trong trường học”, GS Phạm Tất Dong nói.
Những vụ việc giáo viên bị hành hung trong trường học thời gian qua cho thấy vị thế của nhà giáo đang bị hạ thấp. Nhiều giáo viên có cảm giác bất an khi hằng ngày lên lớp, thực hiện công việc giáo dục học sinh. Có giáo viên chọn cách im lặng, làm ngơ trước hành vi sai trái của học sinh.
Để lấy lại niềm tin của nhà giáo, GS Phạm Tất Dong cho rằng, Bộ GDĐT không chỉ lên tiếng, nói suông, mà cần hành động, đưa ra các quy định, giải pháp để siết chặt hơn nữa vấn đề an ninh trong trường học. Ví dụ, trước tiên cần quán triệt, yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dùng bạo lực trong việc giáo dục học sinh. Tiếp đó, cần có những quy định, cơ chế bảo vệ vị thế, đảm bảo an toàn cho nhà giáo, chứ không để xảy ra tình trạng "mất người mới lo chấn chỉnh".