Vì sao Việt Nam không có trường đại học nào lọt top 300 châu Á?

HỒ BẤT KHUẤT |

LTS: Trước những vấn đề nóng bỏng của giáo dục nước nhà, đặc biệt là chất lượng giáo dục bậc đại học, TS Hồ Bất Khuất - người có 6 năm làm ở Bộ GDĐT và giảng dạy ở nhiều trường đại học - đã gửi tới Lao Động bài viết tâm huyết, thẳng thắn về những vấn đề trên. Lao Động xin giới thiệu cùng bạn đọc

Trước việc Việt Nam không có trường đại học nào lọt top 300 Châu Á, nhiều người buồn phiền, thậm chí có người xấu hổ. Ấy thế nhưng chúng ta không chịu nói thẳng những nguyên nhân dẫn tới việc này.

Yếu tố nào quan trọng nhất?

Nguyên nhân đầu tiên - nguyên nhân bao trùm khiến nền giáo dục Việt Nam còn yếu kém là trong khoảng 30 năm trở lại đây, mặc dù chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục đại học là đúng đắn, nhất quán, nhưng khâu triển khai, thực hiện lại không được như mong muốn. Thậm chí có lúc, có nơi còn nhận thức lệch chuẩn, chưa trúng và đúng về giáo dục đại học. Chính việc này đã làm cho nền giáo dục đại học Việt Nam không thể đạt chất lượng cao.

Không ít lãnh đạo Bộ GDĐT cho rằng, điều quan trọng nhất với 1 trường đại học là nội dung - chương trình đào tạo, tiếp theo là cơ sở vật chất - kỹ thuật, thứ 3 mới là đội ngũ giảng viên, thứ 4 là cơ cấu tổ chức, thứ 5 là phương pháp giảng dạy… Trong khi ở những nước có nền giáo dục đại học phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nga… xem đội ngũ giảng viên là quan trọng nhất, tiếp đến là cơ sở hạ tầng (bao gồm cả diện tích và khung cảnh), thứ 3 là nội dung - chương trình đạo tạo, thứ 4 là truyền thống của trường…Còn phương pháp giảng dạy thì giảng viên giỏi luôn có phương pháp riêng của mình.

Có người cho rằng, cách sắp xếp thứ tự chỉ là hình thức, không có ý nghĩa quan trọng. Trên thực tế, vì nhận thức không đúng, chúng ta đã khiến nền giáo dục đại học tụt hậu so với khu vực và thế giới. Có thể nói, đội ngũ giảng viên đại học của chúng ta hiện nay không thiếu về số lượng nhưng không mạnh về chất lượng, đặc biệt là không sử dụng được ngoại ngữ cho việc bổ sung kiến thức để nâng cao trình độ. Đây là hậu quả của việc xem đội ngũ giảng viên chỉ quan trọng thứ 3.

Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh cảnh quan tác động mạnh đến chất lượng giáo dục. Vì thế, các trường đại học nổi tiếng trên thế giới thường có diện tích hàng trăm hécta, nằm ở ngoại ô thành phố với sông, hồ, cây xanh. Lãnh đạo các trường đại học và giảng viên của chúng ta xem nhẹ diện tích và khung cảnh của các trường đại học, chỉ thích gần. Do đó, đại đa số các trường đại học của chúng ta có diện tích nhỏ bé và nằm ở những nơi ồn ào, náo nhiệt. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyên gia Liên Xô và các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam thành lập vào năm 1956 với diện tích hàng trăm hécta; nay đã bị cắt xén đất cho Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đặc biệt, trong khuôn viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn có cả 1 phường với hàng vạn người sinh sống. Vậy thì còn gì là 1 trường đại học hàng đầu nữa!?

Bộ GDĐT còn chưa coi trọng việc trao đổi ý kiến, tranh luận, phát huy sáng kiến trong phát triển giáo dục đại học. Bằng chứng là, Tạp chí Đại học và Giáo dục Chuyên nghiệp do cố GS Tạ Quang Bửu (Bộ trưởng Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp từ 1959 - 1976) sáng lập - diễn đàn quan trọng và có ý nghĩa trong việc phát triển giáo dục đại học - đã bị “xóa sổ” hàng chục năm trước đây.

Giảng viên chưa phải là nhân vật chính

Đây chính là nguyên nhân thứ 2 và cũng là nguyên nhân lớn khiến các trường đại học của nước ta không “lớn lên” được. Đáng ra, nhân vật chính làm nên thương hiệu của trường đại học là giảng viên với năng lực và phẩm chất khoa học của họ. Họ có 2 nhiệm vụ chính: 1.Giảng dạy, truyền đạt kiến thức khoa học đã có sẵn cho sinh viên; 2. Nghiên cứu tạo kiến thức mới và lập tức công bố cho đồng nghiệp, cho sinh viên.

Nhưng thực tế ở các trường đại học của chúng ta, giảng viên yếu thế so với cán bộ các phòng, ban của trường. Ngoài ban giám hiệu ra, những nhân vật được trọng vọng là trưởng phòng tổ chức - cán bộ, trưởng phòng hành chính - tổng hợp, trưởng phòng kế toán - tài vụ; trưởng phòng đào tạo… Đứng trước những nhân vật này, đến trưởng khoa còn “run”, huống hồ giảng viên thường. Lý do là họ không có chức, có quyền, không được tham gia các cuộc họp quan trọng. Tôi đã nhiều lần chứng kiến 1 nhóm giảng viên đang bàn tán về 1 sự kiện đang xẩy ra ở trường gây bức xúc dư luận, nhưng thấy bóng một trong những trưởng phòng này là họ im bặt.

Từ việc có tâm lý nể, sợ lãnh đạo phòng, ban, dẫn tới việc cán bộ giảng dạy đánh mất vị thế của mình trong sinh hoạt và không phát huy được năng lực, phẩm chất khoa học, sự thẳng thắn, trung thực của mình.

Quản lý còn cứng nhắc

Điển hình cho việc quản lý chạy theo mục tiêu lợi nhuận là có quá nhiều trường đại học được ra đời trong một thời gian ngắn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học với gần 1,8 triệu sinh viên (ngoài ra còn có hàng chục trường cao đẳng). Việc mở ra nhiều trường đại học khiến nạn thiếu giảng viên đủ tiêu chuẩn dạy đại học trở nên trầm trọng. Điều này đương nhiên là dẫn tới việc chất lượng đào tạo giảm. Ví dụ, theo nghiên cứu, 1 giảng viên đại học mỗi năm lên lớp khoảng 300 tiết, thời gian còn lại để nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng bài giảng và tạo ra kiến thực mới. Ấy thế mà, nhiều giảng viên của một số trường đại học mỗi năm lên lớp trên 2.000 tiết! Thử hỏi thời gian đâu để nghiên cứu khoa học?

Theo tôi, việc thành lập 2 Đại học quốc gia (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) và 3 Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) phần nào gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển giáo dục đại học của nước ta. Việc nôn nóng tạo ra cơ sở giáo dục đại học lớn bằng cách sát nhập cơ học nhiều trường đại học vào làm một không tạo nên chất lượng tốt, mà làm mất lợi thế vốn có của các trường thành viên. Ví dụ, trước đây Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là 1 cơ sở đào tạo có uy tín được thế giới biết đến. Trường này hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Moskva rất hiệu quả. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh có những lúc có tới 130.000 sinh viên - có lẽ đây là số sinh viên nhiều nhất thế giới đối với 1 trường đại học nhưng trường này chưa bao giờ được công nhận là trường đại học lớn có uy tín ở châu Á, nói gì tới thế giới.

Đi sâu vào tìm hiểu cách quản lý của một số trường đại học mới thấy cách quản lý cứng nhắc. Cách quản lý này làm khó giảng viên trong việc tạo ra những sản phẩm khoa học có giá trị và truyền cảm hứng sáng tạo tới sinh viên. Các trường đại học thường giao chỉ tiêu cho giảng viên.Ví dụ, người có học vị tiến sĩ mỗi năm giảng dạy khoảng 300 tiết và nghiên cứu khoa học đạt 200 điểm. Cách tính điểm như sau: đăng được 1 bài báo khoa học trên tạp chí chuyên ngành được tính từ 80 -100 điểm; hoàn thành báo cáo khoa học cấp trường 50 - 70 điểm, cấp bộ 200 - 300 điểm, cấp quốc gia 600 - 800 điểm. Xuất bản được 1 quyển giáo trình hay sách chuyên khảo được 800 - 1.000 điểm.

Cách tính điểm như trên có vẻ hợp lý nhưng việc tính điểm theo từng năm học tạo ra sự bất hợp lý. Để viết được 1 quyển giáo trình có chất lượng hay hoàn thành 1 quyển sách chuyên khảo có giá trị, 1 giảng viên đại học phải cần có thời gian là 3 đến 4 năm. Như vậy là 2 đến 3 năm giảng viên đó không có điểm, không hoàn thành nhiệm vụ; đồng nghĩa với việc không được nhận thưởng và bị trừ lương. Để khỏi rơi vào “thảm cảnh” này, đại đa số giảng viên tìm cách viết những bài báo tạm gọi là “khoa học” để đạt số điểm cần thiết. Kết quả là trong các trường đại học ít thấy sản phẩm khoa học có giá trị lớn, những công trình có thể nhận bằng phát minh, sáng chế.

Tôi cho rằng, không rọc phách bài thi của sinh viên chính là sự tin tưởng và tôn trọng giảng viên. Muốn có được điều này, giảng viên phải tỏ ra công bằng, khách quan, không vụ lợi. Phải có trình độ và cái tâm trong sáng mới thực hiện được.

HỒ BẤT KHUẤT
TIN LIÊN QUAN

GS Ngô Bảo Châu chỉ ra điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN |

Tại diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017, GS Ngô Bảo Châu chỉ ra rằng hệ thống quản trị kém hiệu quả, thiếu đầu tư là những thách thức đối với giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam.

ĐH Ngoại thương chỉ xếp thứ 23 của Bảng xếp hạng đại học Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN |

Các trường đại học có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều xếp hạng trung bình như ĐH Y Hà Nội (thứ 20); ĐH Ngoại thương (thứ 23), ĐH Thương mại (thứ 29), ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).

Bất ngờ kết quả xếp hạng trường đại học Việt Nam lần đầu công bố

HUYÊN NGUYỄN |

Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia Sáng công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành. Kết quả bước đầu cho thấy có những bất ngờ.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

GS Ngô Bảo Châu chỉ ra điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN |

Tại diễn đàn Nguồn nhân lực toàn cầu 2017, GS Ngô Bảo Châu chỉ ra rằng hệ thống quản trị kém hiệu quả, thiếu đầu tư là những thách thức đối với giáo dục đại học (GDĐH) của Việt Nam.

ĐH Ngoại thương chỉ xếp thứ 23 của Bảng xếp hạng đại học Việt Nam

HUYÊN NGUYỄN |

Các trường đại học có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều xếp hạng trung bình như ĐH Y Hà Nội (thứ 20); ĐH Ngoại thương (thứ 23), ĐH Thương mại (thứ 29), ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).

Bất ngờ kết quả xếp hạng trường đại học Việt Nam lần đầu công bố

HUYÊN NGUYỄN |

Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam phối hợp với Tạp chí Tia Sáng công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành. Kết quả bước đầu cho thấy có những bất ngờ.