Lịch sử từng bị “ghẻ lạnh”
Không biết tự bao giờ, những môn học như Toán, Văn, Anh được phụ huynh và học sinh mặc định là “môn chính” và các môn học còn lại, trong đó có Lịch sử bị coi là “môn phụ”, chỉ học sinh chuyên khối C mới cần học, còn lại chỉ học để lấy điểm, học đối phó.
Nêu quan điểm về vấn đề này, thầy Nông Bình Dũng (giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Hà Giang) cho biết, tâm lý của nhiều phụ huynh luôn mong muốn con em mình vào những trường thuộc các ngành khoa học kỹ thuật, ngành dịch vụ, ngân hàng, kinh tế có thu nhập cao.
Trong khi đó, xu thế chọn lịch sử trong tổ hợp xét tuyển đại học sau khi học xong lớp 12 rất ít. Học sinh cũng lười học Lịch sử từ các cấp học dưới do nghĩ rằng khó học, khó nhớ và không quan trọng. Vì vậy, khi định hướng cho con em mình, phụ huynh đã chọn những môn học phục vụ cho việc thi của các khối ngành trên, dẫn tới việc Lịch sử từng bị “ghẻ lạnh” và không được lựa chọn ngay từ đầu.
“Môn Lịch sử không thu hút được người học cũng xuất phát từ đặc thù môn học và phương pháp giảng dạy của giáo viên. Hiện nay, việc dạy học môn Lịch sử chưa phát huy năng lực tự học của học sinh, khối lượng kiến thức khá nhiều, phương pháp dạy học còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, ít gợi mở suy nghĩ học sinh” - thầy Dũng nhấn mạnh.

Lịch sử là môn học có nhiều giá trị thực tiễn
Mới đây, Sở GDĐT Hà Nội quyết định đưa Lịch sử trở thành môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 tại các trường công lập. Điều này đã có tác động rõ rệt tới nhận thức của phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của môn học này.
Bàn về vai trò của môn học trong thời điểm hiện tại, thầy Dũng cho rằng, Lịch sử không chỉ là môn học để thi, môn học này giúp học sinh có những kiến thức cơ bản, cần thiết về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, góp phần hình thành thế giới quan khoa học, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết quốc tế cho học sinh.
Đồng thời học Lịch sử còn bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động và thái độ ứng xử đúng đắn trong cuộc sống cho các em.
“Hiện nay, Việt Nam ngày càng có uy tín trên trường quốc tế cho nên việc nắm sử Việt và biết sử thế giới là điều vô cùng quan trọng, nó giúp cho chúng ta có đủ định hướng, đủ phán đoán khi bước ra trường thế giới” - thầy Dũng nói thêm.
Xây dựng phương pháp học khoa học để chinh phục kỳ thi vào 10
Học sinh cần phải được tạo hứng thú trong học tập, nhằm khơi dậy tinh thần ham học của các em, thay đổi tư tưởng học đối phó. Bên cạnh đó, để học tốt môn học này, cả giáo viên và học sinh cần thay đổi phương pháp dạy và học.
“Điều quan trọng là người học có coi môn học này là môn khoa học và thật sự cần thiết hay không thì mới xác định được giá trị của bộ môn. Đừng bao giờ ngại Sử mà hãy yêu nó thì mới có thể học tốt. Thầy cô cũng cần đầu tư cho chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy, thực hiện các phương pháp hợp lý, nhuần nhuyễn trong giảng dạy đối với từng cấp học khác nhau” - thầy Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để học hiệu quả môn Lịch sử cũng như đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, theo thầy Dũng, học sinh cần có phương pháp học khoa học, nên áp dụng việc học theo sơ đồ tư duy, bảng biểu.
Cô Phạm Linh Chi (giáo viên Lịch sử của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội) đưa ra một vài kinh nghiệm giúp các em học sinh chinh phục được môn Lịch sử thi vào lớp 10.
Kiến thức Lịch sử được sắp xếp theo các tiến trình, cần phân chia các mảng kiến thức:
- Mảng kiến thức lịch sử Thế giới từ 1945 đến 2000 :
Khu vực Liên Xô và các nước Đông Âu
Khu vực Tây Âu, Mĩ và Nhật Bản
Khu vực Châu Á, Châu Phi, Mĩ la-tinh
Quan hệ quốc tế từ 1945 - nay
Thành tựu khoa học kĩ thuật từ 1945 - nay
- Mảng kiến thức lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000
Lịch sử Việt Nam từ 1919 - 1930
Lịch sử Việt Nam từ 1930 -1945
Thời kì kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
Thời kì kháng chiến chống Mỹ và xây dựng Xã hội chủ nghĩa 1954 - 1975
Thời kì độc lập và xây dựng Xã hội chủ nghĩa 1975 đến 2000.