Những ngày vừa qua, mạng xã hội "dậy sóng" với video các bạn trẻ tham gia Sneaker Fest Impact Con 2018 công bố giá tiền quần áo, phụ kiện trên người. Trước giá tiền “khủng”, dân mạng ngẩn ngơ giật mình vì có bộ trang phục lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng, trong khi độ tuổi của Rich Kid chỉ dao động từ 14 -18.
Trào lưu gây nhiều tranh cãi trên đã đặt ra một góc tiếp cận: Có nên dạy trẻ cách quản lý tài chính cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường hay không?
Bàn luận về vấn đề trên, Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Nên nâng cao năng lực quản lý tài chính cho trẻ em, trước hết ở gia đình, cha mẹ nên cho con nhận diện về tiền. Phải tự ý thức được từ việc đưa tiền cho con, đưa vừa đủ, thậm chí là đưa hơi thiếu tiền để con trẻ có cơ hội thể hiện khả năng quản lý tài chính và chi tiêu. Nếu như bố mẹ đưa quá thừa, con đòi một đồng mà đưa hai đồng thì vô hình chung không rèn kỹ năng cho con. Đó là một trong những dạng thích ứng.
Ở nước ngoài, năng lực quản lý tài chính cá nhân được dạy từ rất sớm, 5-6 tuổi. Họ có những mô hình hướng nghiệp, cho các con một khoản tiền giả để đầu tư kinh doanh. Tức là năng lực quản lý tiền bạc giống như một kỹ năng sống cho những đứa trẻ ngay từ nhỏ”.
Từ nhận định đó, TS. Trần Thành Nam đưa ra đề xuất: “Ở Việt Nam chưa có nội dung này trong môn học chính khóa nào cả. Vì thế, theo tôi, trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cần có những thể nghiệm sáng tạo. Những trải nghiệm sáng tạo đó phải có những trải nghiệm về nghề nghiệp, đầu tư tài chính, quản lý tài chính. Hoặc đưa nội dung này vào môn giáo dục công dân, ở cấp 3, giáo dục kinh tế luật phải đưa khía cạnh giáo dục kinh tế, quản trị tài chính cá nhân bậc cao hơn”.
Cùng chung quan điểm đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội và phát triển, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho ý kiến: “Nhất là với tầng lớp trên trong phân tầng xã hội, họ phải trang bị cho con cái tri thức, kỹ năng tiêu tiền để chống trượt, chống rủi ro, tránh “ăn tàn phá hại” khi sống trong nhung lụa từ nhỏ.
Trong bước chuyển của thời đại thì rõ ràng dạy con cách tiêu tiền là rất cần thiết. Đó là lời khuyên chung với kẻ giàu lẫn người nghèo, nói cách khác là cách tiết kiệm. Tôi nghĩ là nên đưa vào chương trình học và việc này không hề khó. Cái khó là chất lượng của giáo dục đào tạo quyết định bằng chất lượng giáo viên. Giáo viên hiện nay thiếu cập nhật những kỹ năng, giáo viên thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn hoàn thiếu.
Vì thế, để dạy trẻ những kỹ năng như quản lý tài chính cá nhân, trong thời gian tới sẽ cần những người đạt chuẩn. Cái chuẩn thời gian tới gay gắt hơn. Cần tăng cường đào tạo chéo, đào tạo thêm các chuyên môn, các kỹ năng có tính chất phức hợp. Đó mới là bài toán khó.