Theo quyết định, đối tượng vay vốn là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gồm: nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục (cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục); nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (trường mầm non dân lập, tư thục); trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật.
Đối tượng vay vốn phải đáp ứng các điều kiện: Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 ít nhất 1 tháng tính đến thời điểm vay vốn; Có Phương án vay vốn để phục hồi, duy trì hoạt động và được Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định; Tại thời điểm đề nghị vay vốn, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước thời điểm ngày 23.1.2020.
Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn.
Lãi suất cho vay 3,3%/năm. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Đồng tiền cho vay và trả nợ bằng đồng Việt Nam. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động.
Nguồn vốn cho vay theo Quyết định này tối đa 1.400 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Thời gian giải ngân nguồn vốn cho vay không vượt quá thời điểm ngày 31.12.2023 hoặc thời điểm hết nguồn vốn cho vay, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Trước đó, nhằm khắc phục phần nào khó khăn cho hệ thống giáo dục mầm non, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp phép, nhưng phải dừng hoạt động để phòng dịch theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Qua rà soát, có 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tổng số tiền gói tài chính ngành giáo dục đề xuất cho cả người lao động và các cơ sở mầm non ngoài công lập trình Chính phủ xem xét là hơn 800 tỷ đồng, đi kèm với cơ chế vay vốn, thuế và các điều kiện khác nhằm hỗ trợ người lao động và các cơ sở vượt qua khó khăn.