Học sinh, giáo viên cùng vui mừng
Nhận được thông tin về phương án thi, nhiều học sinh và giáo viên bày tỏ sự vui mừng, đồng tình với phương án 2+2 và thở phào nhẹ nhõm vì Bộ GDĐT đã công bố phương án thi chính thức, thuận tiện cho thầy và trò học ôn.
Em Thái Minh An - học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc giảm số lượng môn thi bắt buộc sẽ tạo tâm thế thoải mái cho học sinh. Ngoài ra, việc giảm số buổi thi và được quyền lựa chọn môn thi cũng tạo điều kiện cho các em tập trung vào môn học thế mạnh và giảm bớt căng thẳng khi ôn tập.
Cùng chung tâm trạng vui mừng, phấn khởi, cô Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, hai môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn sẽ là "khung xương sống" cho việc lựa chọn các tổ hợp xét tuyển đại học.
Theo cô Hằng, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn là phù hợp vì giảm bớt gánh nặng thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo đánh giá toàn diện năng lực của người học.
“Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Vậy nên, đề thi cũng phải điều chỉnh, bám sát nền tảng kiến thức cần đạt và có mức độ phân hóa học sinh. Sau khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn, tôi mong rằng, Bộ GDĐT sớm công bố đề thi minh hoạ để giáo viên và học sinh thuận tiện học tập” - cô Hằng nói.
Cần gấp rút xây dựng, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh
Bày tỏ phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học, Chương trình GDPT 2018 cho rằng, phương án này thể hiện được tính ưu việt vượt trội và không có nhiều điểm yếu khi so sánh với hai phương án còn lại.
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm cũng nhấn mạnh về việc, hiện nay các trường đại học vẫn còn xác định tổ hợp môn tuyển sinh dựa trên các môn thi tốt nghiệp hiện hành. Điều đó không còn phù hợp với sự đổi mới, với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra.
Chuyên gia giáo dục cho hay, các trường đại học cần gấp rút xây dựng mới, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh và tổ hợp môn đánh giá năng lực để phù hợp với những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Bàn về vấn đề này, TS Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, phương án 2+2 có thể tạo ra đủ số tổ hợp phủ toàn bộ các tổ hợp truyền thống mà các trường sử dụng như trước đây. Nhiều trường đại học có thể không cần điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, cơ sở giáo dục đại học cũng cần thêm thời gian để đánh giá sâu, từ đó có các quyết định toàn diện về phương thức tuyển sinh, đặc biệt là các tổ hợp xét tuyển cho năm 2025, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia xét tuyển.
“Một trong những khó khăn của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là không tiếp cận được số lượng học sinh đăng ký học các tổ hợp tự chọn ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở từng tỉnh/thành phố. Nếu Bộ GDĐT công bố dữ liệu này hàng năm thì các trường đại học sẽ rất thuận lợi trong việc phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định.
Chúng tôi cũng ý thức được việc cần sớm công bố phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển cho thí sinh để các em có định hướng học tập ngay từ đầu cấp THPT. Với Trường Đại học Giao thông Vận tải, chúng tôi sẽ sớm có quyết định về vấn đề này vào đầu năm 2024” - TS Phạm Mạnh Hà thông tin.