Tọa đàm: “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”

Nhóm PV |

Câu chuyện gian lận thi cử xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua thực sự gây sốc cho toàn xã hội. Làm gì để ngăn chặn tiêu cực thi cử, lấy lại công bằng cho những thí sinh “học thật thi thật”? Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn) và kênh Youtube Lao Động TV (https://www.youtube.com/laodongtv) từ 8h sáng ngày 9.8.

Thông qua buổi tọa đàm này, Báo Lao Động mong muốn là cầu nối để các chuyên gia, bạn đọc “hiến kế”, đóng góp những góc nhìn thẳng thắn, giúp cơ quan quản lý giáo dục “ngăn chặn” được những tiêu cực trong môi trường giáo dục.

 
Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc tặng hoa các khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:

- TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

- PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

- TS Phương pháp Giảng dạy Toán Lê Thống Nhất.

Phần I: Những vụ gian lận thi cử đã xảy ra cá biệt và xấu xí!

VIDEO: NHÌN LẠI TOÀN CẢNH SAI PHẠM ĐIỂM THI 

Nhà báo Thu Hoài: Chúng ta vừa theo dõi clip toàn cảnh về các vụ việc gian lận điểm thi xảy ra những ngày qua. Vâng, một bài học không thể đau xót hơn cho toàn ngành giáo dục. Đến nay đã có hàng loạt cán bộ của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị bắt tạm giam để điều tra, làm rõ những sai phạm.

Thưa TS Phạm Tất Thắng, trước gian lận được cho là một trong những vụ bê bối nhất từ trước đến nay, ông có trăn trở gì với ngành giáo dục?

TS Phạm Tất Thắng: Tất cả chúng ta, những ai tâm huyết và quan tâm tới sự nghiệp giáo dục đều có những trăn trở với ngành, làm sao ngành giáo dục chuyển biến mạnh hơn nữa.

Có thể nói, ngành giáo dục trong những năm qua đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để đổi mới trong quản lý, trong điều hành và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, dư luận xã hội, cũng như mỗi chúng ta vẫn trăn trở làm sao để ngành giáo dục phải chuyển mình mạnh hơn nữa, tích cực hơn nữa để có những đổi mới mạnh hơn, hiệu quả hơn và nâng cao thực sự chất lượng dạy và học.

 
- TS Phạm Tất Thắng

Còn riêng vụ việc xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tôi rất buồn. Khi xem những hình ảnh trong phóng sự mà Báo Lao Động thực hiện về những vụ việc gian lận thi cử, hình ảnh mà chúng ta thấy những thầy cô giáo gắn bó cả đời với ngành giáo dục phải tra tay vào vòng số 8 liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi vừa rồi.

Khi nhìn những hình ảnh này, tôi thực sự rất đau xót, buồn. Ở đây rõ ràng liên quan đến trách nhiệm cá nhân của những người có trách nhiệm trong kỳ thi vừa rồi tại 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, lúc này chúng ta cần phải xem, việc đến thời điểm này đã có 7 thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục bị tạm giam để điều tra, phải chăng là biểu hiện về sự xuống cấp của đạo đức, của một bộ phận nhà giáo. Tôi cho rằng thời gian tới, chúng ta cần quan tâm việc nâng cao đạo đức nhà giáo, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý giáo dục.

Nhà báo Thu Hoài: Xin cảm ơn những chia sẻ của TS Phạm Tất Thắng. Còn với bà Bùi Thị An, quan điểm của bà ra sao về những vụ việc tiêu cực thi cử xảy ra thời gian qua?

PGS-TS Bùi Thị An: Tôi cho rằng việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên là rất cần thiết, nhưng qua những vụ việc gian lận thi cử xảy ra thời gian qua, có thể thấy nguyên nhân không chỉ do chuyên môn chưa sâu mà đây là vấn đề phẩm cách con người.

 
PGS-TS Bùi Thị An. Ảnh: Hải Nguyễn

Tôi cũng đồng ý với ông Phạm Tất Thắng một phần, tức là đây là trách nhiệm cá nhân, nhưng tôi cho rằng sai phạm trong việc tổ chức thi cử có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tôi nói thẳng là trong đó có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương. Tôi nhấn mạnh là khâu tổ chức cán bộ, lựa chọn con người tham gia tổ chức một kỳ thi quan trọng.

Nhà báo Thu Hoài: Cảm ơn những chia sẻ của PGS-TS Bùi Thị An. Còn ông Mai Văn Trinh, quan điểm của ông ra sao? Là người trực tiếp đi rà soát những bất thường trong điểm thi ở một số địa phương, theo ông sự giống và khác nhau trong sai phạm của các địa phương là gì? Ông có lo ngại rằng vụ việc này có thể lặp lại ở các tỉnh khác không?

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Là người trong cuộc trực tiếp xử lý công việc ở các tỉnh, nhưng khi xem lại phóng sự tổng hợp lại các vụ việc gian lận thi cử vừa rồi, tôi rất đau lòng, phẫn nộ. Qua thực tế cả 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình có một số điểm chung là đây đều là những sai phạm có chủ đích. Thậm chí là có chủ đích của một số người. Những người này đã cắt xén quy trình, thậm chí là vô hiệu hóa quy trình, vốn đã rất nghiêm ngặt, chặt chẽ, nhất là khâu chấm thi.

 
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Đào tạo. Ảnh: Hải Nguyễn

Sai phạm này mang lại hậu quả rất nghiêm trọng. Nó đã làm mất đi sự công bằng của kỳ thi, làm tổn thương rất lớn đến đội ngũ hơn một triệu nhà giáo chân chính, đến gần một triệu thí sinh đền phòng thi bằng nỗ lực, cố gắng của mình. Ảnh hưởng đến tâm hồn rất trong sáng của các em. Đặc biệt việc này đã làm tổn thương đến niềm tin của xã hội.

Một điểm chung nữa là những sai phạm này, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, ý thức của những người đã gây ra sai phạm.

Điểm khác nhau của sai phạm ở ba địa phương trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là về tình tiết, thời gian và các khâu diễn ra sai phạm. Tôi cho rằng những sự sai phạm này là cá biệt và thực sự rất xấu. Nó ảnh hưởng đến sự nỗ lực của 63 tỉnh thành và thậm chí là cả hệ thống chính trị xã hội, cả sự nỗ lực của cả địa phương.

Thậm chí tôi biết rằng, ở ngay cả những địa phương để xảy ra sai phạm, trước đó cũng đã nỗ lực rất nhiều.

Chẳng hạn như Hà Giang trong những ngày thi đã xảy ra lũ quét, địa phương cũng đã có biện pháp hỗ trợ, huy động đến cả phương tiện chuyên dụng để hỗ trợ thí sinh. Đó là sự nỗ lực rất lớn. Cả ở Sơn La cũng bị ảnh hưởng mưa lớn, nhưng rõ ràng, như ý kiến của ông Phạm Tất Thắng và bà Bùi Thị An, sai phạm này trước hết là trách nhiệm cá nhân, nhưng nguồn gốc sâu xa là công tác cán bộ, lựa chọn con người.

Đây cũng là một điểm chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những bước điều chỉnh, để kỳ thi ngày càng tốt hơn.

Nhà báo Thu Hoài: Cảm ơn những chia sẻ của ông Mai Văn Trinh.

Còn với TS Lê Thống Nhất, khi nhìn hình ảnh những người thầy, người cô, tay từng cấm phấn viết bảng, nói những lời đạo đức trên bục giảng, nay bị tra vào còng vì đã gây ra những bất công giữa các thí sinh trong một kỳ thi quan trọng, cảm xúc của ông ra sao, thưa tiến sĩ?

TS Lê Thống Nhất: Tất cả chúng ta đều biết, hình ảnh tội phạm bị tra tay vào còng số 8 và bị công an dẫn giải, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp trên báo chí, truyền hình. Nhưng tội phạm là các nhà giáo thì rất hiếm. Chính cái sự hiếm đã ấy đã tạo ra cảm xúc rất là mạnh.

 
TS Lê Thống Nhất. Ảnh: Hải Nguyễn

Lâu nay người ta nghĩ tội phạm thường có trong những lĩnh vực khác, không phải trong lĩnh vực giáo dục. Vì vậy sự việc này là một cú sốc không chỉ cho cá nhân tôi, mà là cú sốc cho các thầy cô, em học sinh. Những sự này tạo nên cảm xúc xúc vừa đau xót, vừa phẫn nộ. Tôi nghĩ đây chính là những kẻ phá hoại kỳ thi của chúng ta, đáng bị lên án. Và tôi nghĩ rằng, để vụ việc đau lòng này không xảy ra trong những năm sau thì những hình thức xử phạt theo pháp luật phải nghiêm minh, để tất cả ai liên quan tới khâu tổ chức thi cử ở Việt Nam không còn dám gian lận nữa.

Nhà báo Thu Hoài: Tôi đồng quan điểm với TS Lê Thống Nhất, nhưng chúng ta biết rằng trước khi vướng vòng lao lý, những cán bộ ở Hà Giang, Sơn La hay Hòa Bình đều từng là những nhà giáo. Thậm chí họ là nhà giáo ưu tú, những thầy cô giỏi trong chuyên môn để được tin tưởng giao cho vị trí quản lý. Liệu có lời nào biện hộ cho hành động của họ không, thưa các khách mời?

PGS-TS Bùi Thị An: Tôi đồng ý quan điểm với TS Lê Thống Nhất. Thực sự khi nhìn hình ảnh này, tôi rất sốc. Sốc là bởi nó diễn ra trước hàng triệu đôi mắt trong trẻo của các em học sinh. Các em chuẩn bị bước vào đời thì phải chứng kiến cảnh thầy cô bị tra tay vào còng. Thực sự tôi bức xúc thay cho các em. Tôi không có lời nào để biện hộ cho hành động của họ.

Phải nói thêm rằng, các cán bộ giáo dục, thầy cô có sai phạm ở ba địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là có chủ đích. Họ gian lận không phải bằng những biện pháp thông thường, mà dùng đến công nghệ cao để gian lận. Điều đó rất đáng chê trách, phê phán. Tôi nghĩ vườn rau nào cũng có sâu thôi. Đây là những con sâu mà chúng ta phải loại bỏ khỏi ngành giáo dục, để năm sau không lặp lại câu chuyện buồn này.

Ngoài ra, câu chuyện gian lận thi cử xảy ra thời gian qua cũng liên quan đến câu chuyện xã hội. Có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, quản lý nhà nước đã suy thoái đạo đức, suy đồi đạo đức. Họ đã dùng những vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý để kiếm lời cho cá nhân và làm băng hoại đạo đức của xã hội.

Tôi tin rằng trong ngành giáo dục và đào tạo cũng có những người như thế. Nên sự việc này xảy ra, dù sốc nhưng không lạ. Nói như vậy để chúng ta có giải pháp cơ bản hơn. Vấn đề này không thể ngày một ngày hai giải quyết được, nhưng với sự vào cuộc của toàn xã hội, chúng ta sẽ dần dần thay đổi, để các em học sinh bước vào đời, nhìn đời với đôi mắt trong trẻo, để không phải nhìn những hình ảnh xấu như vừa rồi.

Nhà báo Thu Hoài: Tôi thấy TS Lê Thống Nhất rất tâm đắc với những lời mà PGS Bùi Thị An chia sẻ!

- TS Lê Thống Nhất: Vâng, tôi nghĩ rằng sau những cú sốc, nỗi đau, điều cần thiết là chúng ta tự rút ra cho mình những bài học là người tốt. Chẳng hạn hôm nay tôi có thể tốt, nhưng có thể ngày mai lại khác.

Chúng ta thấy rằng tất cả các loại tội phạm đều vì bị cám dỗ, mua chuộc. Ở trong vụ việc gian lận thi cử này, có sự tác động rất lớn của phụ huynh. Vậy đứng trức cám dỗ đó, áp lực đó, mình còn giữ được mình hay không. Điều đó rất quan trọng. Tôi muốn cảnh báo mọi người, không kể ở lĩnh vực giáo dục mà bất cứ trong lĩnh vực nào. Hôm nay, ở phút này ta có thể là người tốt, nhưng nếu bạn không vượt qua được những cám dỗ, mua chuộc, không chống lại được những áp lực thì rất có thể bạn sẽ trở thành người phạm tội.

Nhà báo Thu Hoài: PGS-TS Bùi Thị An muốn phản biện?

- PGS-TS Bùi Thị An: Vâng, tôi đồng ý với TS Lê Thống Nhất một phần. Nhưng qua quá trình quan sát những người phạm tội gian lận thi cử vừa rồi, không phải là đang đi đường gặp hòn đá bất ngờ đâu. Không phải là vấp ngã bất ngờ đâu. Rõ ràng họ đã có chuẩn bị, có cả quá trình.

Tôi đồng ý trước những cám dỗ, nếu người không có bản lĩnh sẽ vấp ngã, nhưng trong trường hợp này, những cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo vừa bị bắt rõ ràng đã có sự chuẩn bị.

Nhà báo Thu Hoài: Nói về mầm mống gây ra những sai phạm trong thi cử thời gian qua, thưa Cục trưởng Mai Văn Trinh, quan điểm của ông ra sao?

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Tôi đồng ý với các khách mời là không có lời biện hộ nào cho những người đã gây ra những sai phạm vừa qua.

Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tuyệt đối không dung túng cho sai phạm này. Và ngay từ lúc đầu, khi chúng tôi rà soát kết quả thi, rồi những ý kiến phản ánh từ dư luận, từ báo chí, Bộ trưởng đã có quan điểm từ đầu đến cuối: Là sẽ xử lý nghiêm, xử lý đến cùng để mang lại công bằng cho kỳ thi này. Vậy nên chắc chắn không có lời biện hộ, chia sẻ nào với những người đã sai phạm.

Tiếp theo, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của PGS-TS Bùi Thị An, rõ ràng những sai phạm này để làm được là không hề đơn giản. Với quy trình, các khâu, các bước chặt chẽ như thế mà người ta làm được thì rõ ràng cần có sự tính toán từ trước. Một người không thể làm được. Thực tế hiện nay trong quá trình điều tra, làm rõ, thì những chuyện này đã chứng minh một điều là sai phạm này đã có tính toán từ trước của một số người.

Quan trọng nhất vẫn là triệt tiêu các mầm mống, đây là công việc của không chỉ là một người, không thể làm trong một tháng, một năm. Chúng ta phải kiên trì, có những giải pháp hết sức căn bản.

Chúng ta phải xác định đây là nỗi đau, nhưng thông qua việc xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc, đúng tội và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người có vi phạm này, sẽ là một sự cảnh tỉnh. Đây cũng là bước, là nhắc nhở rất nghiêm túc với các Sở GDĐT trong công tác lựa chọn cán bộ. Rõ ràng trong mọi lĩnh vực, công tác cán bộ vẫn là khâu quyết định thành bại của mọi công việc.

Còn về phía Bộ GDĐT, chúng tôi sẽ có một số bài học nhất định. Trong đó ngoài việc đã lựa chọn những người có phẩm cách, tư tưởng, bản lĩnh thì việc trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng đầy đủ để thực hiện một công việc nào đó cũng hết sức quan trọng. Và mọi công việc dù đã chuẩn bị tốt, kế hoạch tốt, nhưng thanh tra kiểm tra giám sát vẫn là một khâu rất quan trọng.

PGS.TS Bùi Thị An: Tôi hoan nghênh Bộ GDĐT đã vào cuộc lấy lại niềm tin của người dân, nhưng tôi xin được hỏi Cục trưởng Mai Văn Trinh, hiện tại Bộ GDĐT đang rà soát những người trong ngành, vậy còn những người ngoài ngành giáo dục thì sẽ như thế nào? Bộ GDĐT cần có kiến nghị để giải quyết, còn nếu không tất cả chỉ là đang giải quyết phần ngọn.

 
PGS.TS Bùi Thị An.

Nhà báo Thu Hoài: Liên quan đến câu hỏi của PGS.TS Bùi Thị An, về những tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên cũng cần phải nhắc đến trách nhiệm của địa phương trong vấn đề này. Tôi mong muốn các chuyên gia cùng nêu ý kiến về vấn đề này, trước khi ông Mai Văn Trinh chia sẻ quan điểm.

Theo các chuyên gia, địa phương để xảy ra sai phạm phải có trách nhiệm ra sao trước thí sinh, phụ huynh và nhân dân? Trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và địa phương nên rạch ròi như thế nào?

TS Phạm Tất Thắng: Tôi rất đồng ý với vấn đề mà câu hỏi đặt ra. Chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan nhà nước là Bộ GDĐT. Hiện nay các địa phương được ủy quyền để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn của mình.

Tôi nhấn mạnh, sự hướng dẫn, kiểm tra của Bộ GDĐT là rất quan trọng. Dù đã giao cho địa phương tổ chức, chúng ta phải tăng cường khâu hậu kiểm. Dù có ủy quyền nhưng việc tăng cường kiểm tra của Bộ GDĐT rất quan trọng.

Qua sai phạm này, với lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GDĐT cần rà soát lại một lần nữa quy chế. Cần xem quy chế thi đã thực sự lường hết các tình huống chưa? Đã quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân ở địa phương chưa, như lãnh đạo Sở GDĐT của các địa phương, để chúng ta có thể hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Với các địa phương, hiện nay kỳ thi có sự phối hợp của liên ngành, có ban chỉ đạo, ban tổ chức. Tuy nhiên sự phối hợp ở các địa phương để tổ chức kỳ thi dường như chưa chặt chẽ. Ví dụ như ở Hà Giang, một cá nhân có thể tác động vào rất nhiều khâu trong quy trình tổ chức. Từ lấy bài thi ra để sửa chữa đáp án, rồi sửa trên máy tính, cập nhật số liệu… Như vậy rõ ràng sự phân công trách nhiệm, quy trách nhiệm, sự kiểm tra giám sát của địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

Tôi cũng muốn nói đến một yếu tố nữa, là sự phối kết hợp giữa cơ quan nhà nước là Bộ GDĐT với lãnh đạo các địa phương, cũng như các đơn vị chuyên môn ở địa phương là các Sở GDĐT sự chỉ đạo, kiểm tra, phối kết hợp phải chặt chẽ hơn. Cụ thể phải gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong quy trình tổ chức thi. Chỉ có như vậy, chúng ta mới ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.

TS Lê Thống Nhất: Việc để xảy ra sai phạm như vậy có sự liên quan của rất nhiều lãnh đạo, từ lãnh đạo Sở, tỉnh… Nhưng trong suốt thời gian qua, tôi chưa thấy trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh nào có ý kiến về trách nhiệm của mình, ngoài Giám đốc Sở Hòa Bình lên tiếng xin lỗi phụ huynh.

Tại sao những người phạm tội lại phạm tội được, phải có lý do tạo điều kiện cho phạm tội và những người tạo điều kiện cho phạm tội tuy gián tiếp phải có trách nhiệm.

Nhà báo Thu Hoài: Vậy ai là những người ngoài ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mà vụ việc gian lận thi cử gây ra, thưa Cục trưởng Mai Văn Trinh?

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Chúng ta tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 – 2018. Đây là sự phân cấp rất rõ ràng, trách nhiệm của Bộ GDĐT đã rõ, đặc biệt ở đây là ở sự tổ chức ở các địa phương. Các bộ ngành đều xác định điều tra làm rõ đối tượng tham gia, ở đây không phân biệt nhà giáo hay không phải nhà giáo. Căn cứ vào mức độ sai phạm để có biện pháp xử lý đúng người, đúng việc. Về phía Bộ GDĐT, cơ quan quản lý nhà nước quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục sẽ căn cứ vào sai phạm xử lý các đối tượng thuộc phạm vi của mình. Những đối tượng khác sẽ bị xử lý trong khuôn khổ của pháp luật.

Nhà báo Thu Hoài: Thưa PGS-TS Bùi Thị An, bà có hài lòng với câu trả lời của Cục trưởng Mai Văn Trinh không?

- PGS -TS Bùi Thị An: Tôi hài lòng một phần thôi. Tôi đồng tình Bộ GDĐT đã phối hợp với công an để làm rõ người rõ tội, nhưng phối hợp thế nào, với ai? Trách nhiệm ở đây phải là trách nhiệm cá nhân, nếu quy trách nhiệm tập thể sẽ không xử lý được tận cùng vấn đề. Chịu trách nhiệm trước dân phải là con người cá nhân, liên đới nhiều hay ít cũng nên làm rõ ra.

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Ngay từ khi xảy ra sự việc, với chức trách nhiệm vụ của mình, Bộ GDĐT đã báo cáo các bộ ngành, lãnh đạo. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm. Những đồng chí ở địa phương thuộc diện cấp trên quản lý, Bộ GDĐT cũng đã có báo cáo về điều này.

TS Lê Thống Nhất: Xuất phát điểm của tất cả những gian lận thi cử là từ một phụ huynh, anh Vũ Trọng Lương sẽ không tự nhiên ngồi để sửa điểm, phải có những tin nhắn, những nhờ vả, những cuộc mặc cả. Càng nguy hiểm hơn nếu như phụ huynh là người có chức có quyền, bằng sức ép để đẩy những nhà giáo phạm tội. Tôi đề nghị xã hội phải giáo dục phụ huynh ở chỗ không thể nào bằng mọi giá để con mình phải đỗ trong khi con mình không có năng lực. Phải làm sao đó để phụ huynh không tiêu cực.

Đầu vào như thế nào thì đầu ra phải cần chặt chẽ, nếu như các trường nâng cao trách nhiệm của mình, nâng cao chất lượng, siết chặt kỷ luật thi cử ở trong trường Đại học thì không ai tiêu cực được.

- PGS-TS Bùi Thị An: Tôi cho rằng chỉ một phần phụ huynh có suy nghĩ sai lầm trong chuyện háo danh, háo chức trong khi con mình không có năng lực. Truyền thống Việt Nam hiếu học, gia đình nào cũng muốn cho con học hành chân chính. Tôi đã chứng kiến cảnh có người đi xe ôm, bán đồng nát mà con thi đỗ vào các trường Đại học, đó là những tấm gương đáng nể trọng.

Nếu các thầy các cô có bản lĩnh chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều những điều này.

 
Các khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhà báo Thu Hoài: TS Lê Thống Nhất và PGS Bùi Thị An vừa tranh luận và cho rằng còn có rất nhiều những yếu tố khác dẫn đến tiêu cực. Liên quan vấn đề này, các khách mời khác có quan điểm như thế nào?

- TS Phạm Tất Thắng: Chúng ta biết rằng hoạt động giáo dục liên quan đến 3 chủ thể là gia đình, nhà trường và xã hội. Để hoạt động thi cử thành công phải có sự kết hợp của cả 3 yếu tố này, ngoài các yếu tố kỹ thuật, quản lý… thì còn một đối tượng nữa là phụ huynh. Phải có nhóm phụ huynh đề xuất, gợi ý hay mua chuộc thì cũng tạo ra những sai phạm này. Sự việc này được phát hiện ra từ xã hội, báo chí, từ các cá nhân, do đó tất cả những sai phạm trong kỳ thi này nếu có sự giám sát của xã hội chúng ta cũng sẽ phát hiện ra và xử lý được nhiều vụ việc hơn.

Nhà báo Thu Hoài: Thưa Cục trưởng Mai Văn Trinh, khi lên đường với tâm thế rà soát những bất thường ở một số tỉnh thành, ông đặt chân đến đó làm công tác chuyên môn của mình với tâm thế như thế nào? Và sau khi phát hiện ra sự thật quá nghiêm trọng, cảm xúc của ông ra sao? Ông có nhận được những tin nhắn gạ gẫm, xin xỏ từ những người khác?

PGS-TS Mai Văn Trinh: Nhiệm vụ của tổ công tác chúng tôi là chỉ đạo rà soát và hướng dẫn ban chỉ đạo thi cấp tỉnh rà soát. Nhưng với kinh nghiệm của mình, trên đường đi từ Hà Nội lên Hà Giang tôi đã hình thành được các nhóm vấn đề, sau khi lên tôi họp ngay với ban chỉ đạo thi Hà Giang và nêu ra 6 vấn đề liên quan đến 6 khâu dễ xảy ra sai phạm nhất. Tôi trực tiếp phụ trách 1 khâu trọng yếu nhất, ở Hà Giang dù rất khó nhưng chúng tôi tìm ra manh mối rất nhanh. Đến 2h45 sáng hôm sau thì đối tượng đã bắt đầu khai nhận.

Khi phát hiện những sai phạm như vậy, thực sự tôi phải dùng lại từ rất phẫn nộ. Tôi rất phẫn nộ khi phát hiện ra những điều đó. Cảm xúc thứ hai là lo lắng, rằng sau khi tìm ra được thì có thực sự tìm ra được thủ phạm là ai, cách làm như thế nào và điều lo lắng nhất là có trả được lại điểm chuẩn cho các em học sinh để trả lại sự công bằng cho kỳ thi này?

Sau khi lo lắng qua đi, tôi đã họp cùng bàn và chuyển sang trạng thái rất quyết tâm. Sự quyết tâm đó gắn liền với những đêm mà chúng tôi đã làm. Chúng tôi đã có những cuộc họp, thảo luận, họp hội đồng giữa đêm sang ngày mới.

Trong quá trình đó chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ động viên kịp thời từ Bộ trưởng. Tôi gọi điện lúc 1, 2h sáng, Bộ trưởng đều nghe máy, chứng tỏ Bộ trưởng cũng không ngủ trong những ngày chúng tôi ở Hà Giang. Bộ trưởng chỉ đạo rất sát sao và động viên chúng tôi.

Vất vả thì rất vất vả nhưng khi chúng tôi đã nghĩ đến những điều đã nói ở trên thì đã đủ năng lượng để đạt được kết quả như vậy. Công việc bước đầu đã rõ nhưng hiện nay ở Sơn La hay Hòa Bình, Bộ GDĐT cùng với Bộ Công an rất quyết tâm với những giải pháp cao nhất có thể để trả lại điểm thật cho các em ở Sơn La, Hòa Bình.

Nhà báo Thu Hoài: Cục trưởng Mai Văn Trinh vừa nhắc đến cụm từ mà tôi nghĩ rằng tất cả thí sinh, phụ huynh trên cả nước đều đang mong muốn là điểm thật. Điểm thật bao giờ được trả lại và trả lại như thế nào, ông có thể chia sẻ Bộ GDĐT đang làm gì để việc trả lại điểm thật được tiến hành nhanh nhất?

PGS-TS Mai Văn Trinh: Như chúng ta đã biết ở các tỉnh sau thì các đối tượng đã sửa bài thí sinh trước khi mang vào quét, do đó tạm thời công nhận kết quả hiện nay nhưng đây chỉ là kết quả tạm thời còn hiện tại đang trong quá trình điều tra, các đối tượng đã có những lời khai, danh sách đã có. Chúng tôi đang dùng những biện pháp kỹ thuật kể cả là công nghệ cao để sớm tìm ra giải pháp.

Nhà báo Thu Hoài: Tôi nhận được câu hỏi của độc giả (giấu tên) hỏi Cục trưởng Mai Văn Trinh: Sau khi trả điểm thật cho các thí sinh, với những thí sinh trượt nguyện vọng ở các trường mà các em mơ ước vì những thí sinh điểm giả kia liệu có còn cơ hội?

- PGS-TS Mai Văn Trinh: Bình quân mỗi năm có 450.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số học sinh bằng sai phạm để tăng điểm so với con số ấy là không nhiều. Còn vấn đề được đặt ra thuộc vào quyền của các trường đại học trên tinh thần tự chủ tuyển sinh, nếu câu chuyện đó xảy ra thì các trường đại học sẽ có ý kiến. Trường nào mong muốn sẽ có trao đổi với Bộ GDĐT, các bộ liên quan như Bộ Công an để có giải pháp.

Những em có năng lực thật, kết quả thật hãy tự hào và yên tâm vào kết quả mà mình có, kết quả học tập ấy trong tương lai không chỉ khẳng định các em là con người thế nào mà còn góp phần trả lời rằng đại đa số các học sinh ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình là những học sinh ngoan, tử tế và có ước mơ cao đẹp.

Phần II: Làm gì để chặn đứng tiêu cực - giữ môi trường giáo dục trong sạch?

Nhà báo Thu Hoài: Ngày 2.8, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2017- 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo.

Hơn 1 triệu giáo viên có vai trò quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục, đặc biệt là công tác chống tiêu cực, gian lận và chỉ có thể quét sạch tiêu cực khi các giáo viên phải trong sạch, gương mẫu.

Phó Thủ tướng đề nghị, năm học này, ngành giáo dục phải phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nếu giáo viên vi phạm nhất định phải ra khỏi ngành.

Các vị khách mời có quan điểm ra sao? Những tiêu cực thi cử xảy ra thời gian qua lỗi tại quy trình hay con người?

PGS-TS Bùi Thị An: Trong đổi mới căn bản toàn diện của giáo dục có rất nhiều yếu tố, nhưng tôi cho rằng phải bắt đầu từ thầy cô. Vấn đề con người ở đây là rất quan trọng.

Tại sao tôi lại nói phải bắt đầu từ thầy cô? Bởi chúng ta phải bắt đầu từ lúc tuyển sinh vào trường sư phạm, tức là phải cần có trình độ nhất định để tuyển được những người đủ đức và tài đào tạo thành giáo viên. Quan trọng hơn là các em vào đó học những gì, chế độ với các em ra sao? Đây là chế độ thu hút sinh viên. Từ lúc tuyển sinh vào học đến lúc ra trường. Chúng ta cần phải quan tâm đến đời sống của thầy cô hơn nữa, như về lương bổng, môi trường giảng dạy.

Ngày xưa, các thầy cô vô cùng trong sáng. Cuộc sống có nghèo nhưng dạy rất tâm huyết, tận tâm. Chúng tôi luôn tự hào khi kết thúc chương trình, rồi ra trường với chuyên môn tốt và đáp ứng được xã hội yêu cầu. Tôi thiết tha mong các đồng chí ở Bộ GDĐT có nghiên cứu nào đấy bắt đầu từ người thầy, người cô. Tôi không phủ nhận các vấn đề khác nhưng hãy quan tâm đến các thầy cô giáo.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất: Tôi lại cho rằng nếu như chúng ta chỉ nói về vấn đề con người thì sẽ luôn luôn thất bại bởi vì không biết được cách thay đổi con người để họ trở thành người tốt.

Chúng ta cố gắng bao nhiêu thì kẻ xấu vẫn còn. Vì thế tuyệt đối không thể tin vào con người. Chúng ta cần phải có biện pháp công nghệ chặt chẽ. Nếu quy chế vẫn phụ thuộc vào con người, công nghệ vẫn phụ thuộc vào con người thì muôn đời vẫn có kẻ xấu.

Tôi nhấn mạnh rằng làm sao để không thể tiêu cực thì xuất phát điểm là không thể tin vào con người. Chúng ta phải bằng quy chế, bằng giám sát làm sao để không gian lận được.

Tiến sĩ Phạm Tất Thắng: Tôi lại nghĩ với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì càng ngày, chúng ta nên tận dụng ưu thế của công nghệ vào cuộc sống, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, quy trình phải được xây dựng làm sao càng chặt chẽ loại trừ được yếu tố cảm tính. Phải loại trừ hết được các yếu tố tác động của con người một cách không chuẩn mực vào quy trình đó.

Vì dù gì, công nghệ, quy trình đều do con người thực hiện nên chúng ta vẫn phải tin vào con người. Nhưng quy trình phải chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của từng khâu, của từng cá nhân, thì mới giám sát, quy định chế tài nếu như gian lận xảy ra.

PGS-TS Bùi Thị An: Tôi cho rằng vấn đề ở đây là sự kết hợp khéo léo, quy trình cần phải có giám sát, phải có hậu kiểm chặt chẽ. Bởi con người làm ra quy trình, nếu con người không tốt, có thể tạo ra quy trình có kẽ hở để sai phạm.

Nhà báo Thu Hoài: Thưa Cục trưởng Mai Văn Trinh, ông đã lắng nghe những ý kiến, giải pháp mà chuyên gia đưa ra. Đại diện cho Bộ GDĐT, ông nghĩ như thế nào và giải pháp nào được Bộ thực hiện trong thời gian tới đây để lấp những lỗ hổng trong quy trình?

PGS-TS Mai Văn Trinh: Tôi rất thân là nhà giáo và cũng rất hứng thú với việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực của mình. Nếu về mặt chuyên môn thi, tôi là một trong những người đầu tiên ứng dụng công nghệ vào dạy học Vật lý ở nước ta. Nên bây giờ để bình luận về ý kiến mà các chuyên gia đưa ra, tôi cho rằng giáo dục phải xây dựng trên một nguyên lý rất căn bản, đó là niềm tin. Nếu không có niềm tin chắc chắn không còn giáo dục. Nhưng niềm tin này phải đặt ở đúng chỗ và trong một không gian quản lý và triệt để ứng dụng công nghệ, chứ không phải niềm tin đặt một cách vu vơ, cảm tính.

 
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Đào tạo. Ảnh: Hải Nguyễn

Tôi nghĩ rằng giải pháp căn bản vẫn phải là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Trong Nghị quyết 29 nói rõ xây dựng nhà giáo và đội ngũ quản lý là đều giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Do đó chúng ta cần phân kỳ. Đâu là giải pháp mang tính căn cơ, bài bản; đâu là giải pháp trước mắt.

Ở đây giải pháp căn cơ, bài bản, vững chắc đó phải là con người.

Trong mùa tuyển sinh 2018, Bộ GDĐT cũng đã có những chỉ đạo chuyển biến rất rõ là việc xác định nhu cầu thực tiễn của địa phương đến ngưỡng đảm bảo chất lượng. Quan trọng nhất hiện nay Bộ GDĐT đang chủ trì dự thảo thay đổI, trong đó có nhiều cơ chế chính sách dành cho cán bộ quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ là điều chắc chắn.

Thứ nhất, ngân hàng đề thi cần phong phú, chất lượng hơn trên cơ sở đó có một quy trình xây dựng đề thi chính thức, đáp ứng đúng kỳ thi THPT quốc gia.

Thứ hai là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Cụ thể là tăng cường giải pháp về an ninh, an toàn bảo mật để những người muốn vi phạm rất khó để vi phạm.

Thứ ba, vấn đề thanh tra, giám sát cần tăng cường và tổng thể hơn là rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế theo hướng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của những người tham gia vào kỳ thi này. Cũng phải nói rõ hơn chuyện xử lý, nếu sai phạm xảy ra thì có vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Điều này cần phải nói rõ hơn trong quy chế thi những năm tới.

Nhà báo Thu Hoài: Chúng ta vừa lắng nghe những giải pháp trước mắt và căn cơ mà Bộ GDĐT đưa ra để ngăn chặn gian lận thi cử trong những năm tới. Thưa các khách mời, theo ông/bà, những điều đại diện Bộ GDĐT đưa ra đã đủ để “chặn đứng” tiêu cực và giữ được môi trường giáo dục trong sạch chưa?

Tiến sĩ Lê Thống Nhất: Những điều đại diện Bộ GDĐT nói chỉ là những đề mục lớn, còn chi tiết chúng tôi cũng đã được thảo luận. Tuy nhiên phạm vi giải pháp có những điều chúng ta không thể nói ra được vì như nếu nói kỹ quá lại thành "vẽ đường cho hươu chạy".

Ở đây, chúng ta cần chú trọng hơn nữa về tính phản biện. Đề thi không phù hợp là do tính phản biện kém. Phần mềm sơ hở, cũng là do phản biện kém. Tôi cho rằng yếu tố phản biện vô cùng quan trọng. Những gạch đầu dòng mà Bộ GDĐT đưa ra cần phải được phản biện thẳng thắn, chỉ có như vậy chúng ta mới có niềm tin.

PGS-TS Bùi Thị An: Tôi cũng đồng tình với ý kiến của TS Lê Thống Nhất, khâu phản biện, giám sát là vô cùng quan trọng. Nhưng tôi cho rằng vấn đề cốt lõi là xây dựng đội ngũ giáo dục có đầy đủ phẩm, trình độ chuyên môn và năng lực để đảm đương nhiệm vụ. Tôi cũng đồng ý là có những gì thuộc về bí mật thì không nhất thiết phải công bố, còn những gì có thể công khai thì cần minh bạch toàn bộ quá trình thông tin để mọi người nắm được.

TS Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng những giải pháp mà ông Mai Văn Trinh đưa ra là đầy đủ. Có bốn yếu tố mà chúng ta cần phải quan tâm để có thể thực hiện được vấn đề mà chúng ta đặt ra trong buổi tọa đàm hôm nay là “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch”.

Thứ nhất về mặt kỹ thuật, như ra đề thế nào, quy trình chấm thi ra sao…?

Thứ hai là yếu tố quản lý, phân công phối hợp giữa Bộ GDĐT và địa phương. Có sự kiểm tra, giám sát tăng cường như thế nào giữ Bộ GDĐT với các địa phương.

Yếu tố thứ ba là con người, vì con người sẽ thực hiện toàn bộ, từ việc xây dựng quy chế, đề xuất các giải pháp kỹ thuật, thực thi mọi quy trình ở các địa phương. Nếu con người có đạo đức, có trách nhiệm nghề nghiệp, được đào tạo tập huấn tốt thì sẽ ngăn chặn được tiêu cực.

Một yếu tố nữa là kiểm tra giám sát từ phía Bộ GDĐT, từ phía địa phương, từ phía xã hội, các học sinh… để làm sao cho kỳ thi đảm bảo trong sạch, công bằng, chính xác.

PGS-TS Mai Văn Trinh: Không chỉ là bây giờ mà trong suốt sự phát triển của ngành giáo dục, đặc biệt là ngành giáo dục cách mạng từ năm 1945 đến giờ đã qua nhiều lần cải cách. Đặc biệt là đổi mới lần này khi thực hiện Nghị quyết 29 trong bối cảnh hội nhập kinh tế phát triển thì chúng ta có nhiều cơ hội và thách thức hơn, nhất là trong hội nhập quốc tế. Do đó Bộ GDĐT nhận được quan tâm nhiều hơn.

Đặc biệt là đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thì việc đào tạo nguồn nhân lực được đặt lên rất cao, trách nhiệm trực tiếp đương nhiên là của Bộ GDĐT. Để có được nguồn nhân lực như vậy, không chỉ ở trường đại học mà chúng ta cần phải có từ những cấp học đầu tiên. Sâu xa hơn, đổi mới giáo dục phải xây dựng trên những định hướng nguyên lý hết sức căn bản...

Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến tâm huyết của người dân, đặc biệt là những tư tưởng mới. Bằng tinh thần cầu thị của mình, chúng tôi luôn lắng nghe những góp ý của xã hội. Trong câu chuyện thi cử này cũng vậy, 4 năm chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi rất lắng nghe, cầu thị.

Chúng tôi rất mong chúng ta phải có một cái nhìn khách quan, bình tĩnh.

Trong buổi tọa đàm hôm nay, chúng tôi tiếp thu các ý kiến với tinh thần cầu thị.

Tới đây, Bộ GDĐT đang được giao chủ trì soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi, chúng tôi rất mong nhận được những góp ý của người dân. Đặc biệt là những ý tưởng cụ thể hướng đến nhà giáo - vốn là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định đến thành công của đổi mới. Để đội ngũ quản lý nhà giáo chúng tôi dốc hết tâm huyết, sáng tạo, cùng với đất nước phát triển, đổi mới thành công lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nhà báo Thu Hoài: Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta vừa lắng nghe cuộc trao đổi với các vị khách mời về chủ đề “CHẶN ĐỨNG TIÊU CỰC THI CỬ - GIỮ MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TRONG SẠCH”

Câu chuyện gian lận thi cử quy mô lớn lần này đã thực sự gây sốc cho toàn xã hội. Ai cũng biết gian lận thi cử sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề, trước hết là làm tổn thương các thầy cô giáo chân chính và phụ huynh tử tế, mất uy tín nền giáo dục và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang quyết tâm giải quyết triệt để và mạnh mẽ với tiêu cực, trả lại sự nghiêm túc cho kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Bằng chứng là sau Hà Giang, đã có hàng loạt địa phương trong diện kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường. Điều dư luận mong mỏi nhất lúc này là vụ việc ở Sơn La, Hòa Bình sớm được làm sáng tỏ, để trả lại công bằng cho hàng triệu thí sinh. Những người gây ra sai phạm phải bị xử lý nghiêm, để đủ sức răn đe, ngăn chặn sai phạm tái diễn.

Buổi tọa đàm của Báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ, góp ý thẳng thắn để “hiến kế” cho cơ quan quản lý giáo dục từng bước “ngăn chặn” tiêu cực trong môi trường giáo dục.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình: Tắc trách, buông lỏng quản lý

HUYÊN NGUYỄN |

Sau những sai phạm về can thiệp sửa bài thi ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình bị phát hiện, dư luận đặc biệt quan tâm đến cách thức sai phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt… Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định, việc gian lận thể hiện một cách khá dễ dàng và đặt giả thuyết về việc lộ đề có thể xảy ra trong tương lai.

Sau khởi tố gian lận điểm thi ở Sơn La: Người dân mong nhanh chóng rạch ròi điểm thật, điểm giả

Văn Phú - Đặng Chung |

Xung quanh vụ việc gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ở Sơn La khiến người trong ngành giáo dục lâm vào lao lý, người dân và phụ huynh nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm thực thi công lý, làm rõ sự việc để biết thí sinh nào được điểm cao nhờ học thật, thi thật và thí sinh nào là nhờ gia đình "mua điểm".

Vụ "phù phép" điểm thi ở Sơn La được lật tẩy như thế nào?

C.N |

Sau Hà Giang, đến lượt tỉnh Sơn La bị phát hiện có gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tới nay, đã có tổng cộng 5 người trong Hội đồng thi của tỉnh Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình: Tắc trách, buông lỏng quản lý

HUYÊN NGUYỄN |

Sau những sai phạm về can thiệp sửa bài thi ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình bị phát hiện, dư luận đặc biệt quan tâm đến cách thức sai phạm được đánh giá là rất nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt… Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nhận định, việc gian lận thể hiện một cách khá dễ dàng và đặt giả thuyết về việc lộ đề có thể xảy ra trong tương lai.

Sau khởi tố gian lận điểm thi ở Sơn La: Người dân mong nhanh chóng rạch ròi điểm thật, điểm giả

Văn Phú - Đặng Chung |

Xung quanh vụ việc gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia ở Sơn La khiến người trong ngành giáo dục lâm vào lao lý, người dân và phụ huynh nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm thực thi công lý, làm rõ sự việc để biết thí sinh nào được điểm cao nhờ học thật, thi thật và thí sinh nào là nhờ gia đình "mua điểm".

Vụ "phù phép" điểm thi ở Sơn La được lật tẩy như thế nào?

C.N |

Sau Hà Giang, đến lượt tỉnh Sơn La bị phát hiện có gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tới nay, đã có tổng cộng 5 người trong Hội đồng thi của tỉnh Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú.