Triều Nguyễn khuyến học khuyến tài ở Quốc Tử Giám như thế nào?

hồng nhung |

Sau khi thống nhất đất nước, Vua Gia Long thiết lập trường Quốc Tử Giám ở Huế. Nơi đây trở thành học phủ tối cao, cũng là nơi đã đào tạo ra nhiều quan chức ưu tú và nhiều sĩ phu yêu nước nửa đầu thế kỷ 19.

1. Theo lệ, học trò xin vào Giám đều phải qua sát hạch. Châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu trong một số bản Tấu của Bộ Lễ trình bày chi tiết việc sát hạch hàng năm ở Quốc Tử Giám để phân loại và chi lương bổng cho ăn học.

Bản Tấu của Nội các cho biết: Hai bộ Lại, Lễ dâng tập tâu trình về việc tiếp nhận được tập tâu của phủ Tôn nhân về tư văn của Tuy Lý Công Miên Trinh trình bày: Thứ trưởng tử của ông tuổi đã trưởng thành, có chút hiểu biết về học nghiệp, tình nguyện vào Quốc Tử Giám. Chờ Hội đồng cử nhân giám sinh khảo hạch phân làm các hạng ưu, bình, thứ. Hễ dự vào hạng ưu, mỗi tháng thưởng thêm 5 quan tiền, hạng bình 4 quan tiền, hạng thứ 3 quan tiền, dầu nước đều cấp 3 cân để biểu thị sự khuyến khích .

Châu bản còn cho thấy bên cạnh khuyến khích giám sinh hạng ưu bằng việc cấp lương ăn, thưởng thêm tiền, gạo, triều đình giảm lương đối với giám sinh hạng thứ để tỏ rõ “sự răn trừng”. Kể cả tôn sinh, ấm sinh lười học, học kém cũng bị buộc thôi học, trả về nhà.

Theo bản Tấu của Bộ Lễ, Quan học chính Quốc Tử Giám lập danh sách tâu trình về việc phân loại học tập chuyên cần và lười biếng kỳ học cuối thu của con em tôn thất trong trường... Trong đó, hạng liệt 4 người truyền phạt bổng 3 tháng để răn. Ngoài ra 2 người bị xếp liệt nhiều lần, lại nhiều lần cáo ốm và 3 người bị cố tật truyền cho trả ngay về nhà không cho học ở trường nữa.

Cũng theo Bộ Lễ, nhận được tờ sớ của Giám thần Quốc Tử Giám Phan Nhật Tỉnh trình bày: Nay thấy ấm sinh bọn Nguyễn Trung Long vô cớ tự ý thiếu vắng tới hơn 3 - 4 tháng đều là những người không chú ý học tập, giữ lại cũng vô ích. Bọn Nguyễn Trạch ấm sinh cũng trả về quê quán, để răn đe những kẻ lười biếng ham chơi.

Những người bị ốm, gia đình có tang... không thể tham gia sát hạch thì vua cho được đặc cách sát hạch vào kỳ sau. Bộ Lễ phúc trình: Ngày 12 tháng này nhận được lục văn của Nội các trình việc bộ thần dâng sách tâu của Quốc Tử Giám trong đó nói việc con cháu quan viên xin vào Quốc Tử giám học tập sát hạch phân hạng xong làm phiếu tâu lên. Vâng được Châu điểm, lại được Châu phê: Những tên bị ốm như thế nào, suốt đời không được vào sao? Bộ thần phụng xét ngày tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 vâng được chỉ phê chuẩn: Phàm từ sau, con cháu các quan chức văn võ xin vào Quốc Tử Giám học tập, chuẩn cho hàng năm 2 quý xuân thu sát hạch. Từ trước đến nay con cháu quan viên xin vào giám, đến kỳ sát hạch, tên nào bị ốm không tham dự sát hạch được thì đến kỳ sau lại tiếp tục sát hạch .

2. Ngoài lương bổng, triều đình còn cấp tiền để mua chăn đệm chống rét cho các giám sinh Quốc Tử Giám. Bản Tấu của Bộ Lễ đề cập nội dung này: Thần Nguyễn Xuân Thục, vâng soạn Thượng dụ: Đã vào đông, thời tiết lạnh giá, thương các Giám sinh phần lớn quê ở xa, học hành vất vả, lấy gì để chống rét. Gia ân cho các Giám sinh ở Quốc Tử Giám, kể cả cũ và mới đều ban thưởng cho mỗi người 10 quan tiền để mua chăn đệm. Nha môn ấy cần biết .

Học trò thông minh ở các hạt biên giới cũng được vua lưu ý tuyển vào Quốc Tử Giám học tập. Bản tấu của Bộ Lễ vào năm Tự Đức thứ 8 cho biết: Năm trước bộ thần vâng Thượng dụ: Chuẩn cho các hạt biên giới, nếu ai là người thông minh tuấn tú thì chọn tuyển vào Quốc Tử Giám học tập. Nay Phạm Văn Tân là người thông minh tuấn tú của ở biên giới (xã Yên Hưng, tổng Hà Bắc, huyện Yên Hưng phủ Sơn Định tỉnh Quảng Yên), nghĩ nên chuẩn cho vào Giám học tập. Vâng chỉ: Gia ân, chuẩn cho Phạm Văn Tân bổ vào Quốc Tử Giám học tập .

Chẳng may có giám sinh bị bệnh qua đời thì sẽ được cấp tiền tử tuất. Năm Minh Mạng thứ 10, Quốc tử giám thần tâu: Trộm thấy tọa giám giám sinh Tạ Đăng Đài 40 tuổi, quê ở trấn Sơn Nam, năm Minh Mệnh thứ 8 được tiến bổ vào Giám học tập. Ngày mồng 9 tháng giêng năm nay tên đó bỗng bị chứng xích lị phù thũng. Chúng thần theo lệ, đã tư cho Thái y viện đến khám và cấp thuốc, nhưng bệnh càng nặng hơn. Giờ Tuất ngày mồng 9 tháng này tên đó đã chết. Phụng chỉ: Lần này, giám sinh Tạ Đăng Đài vì mắc bệnh chết không thể dự thi hội được, gia ơn ban cho tiền 50 quan, vải bố 5 sấp để tỏ lòng thương xót .

3. Việc chọn người bổ nhiệm chức Tế tửu Quốc Tử Giám và chuyện từ chối chức Tế Tửu của Phạm Đình Hổ thông qua bản tấu của ông cũng cho thấy việc chọn người tài đức người đứng đầu ngôi trường này quan trọng đến mức nào: Hàn lâm viện Thừa chỉ, thần Phạm Đình Hổ, kính tâu: Ngày 27 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7, phụng chỉ thăng cho thần chức Quyền Tế tửu Quốc Tử Giám. Vừa nghe báo thần vừa mừng vừa lo. Thần trộm nghĩ: Thần lạm làm thầy dạy học, tư cách còn chưa đáp ứng sự mong mỏi của đám học trò. Nay hai vị Tư nghiệp đều là bậc kỳ cựu trong giới sĩ phu, thần được dự cùng hàng với họ còn cảm thấy hổ thẹn. Huống hồ chức Tế tửu là quan đứng đầu của trường học, phải tập hợp được kẻ sĩ bốn phương. Nay thiên hạ mới ổn định, đạo đức thống nhất nhưng phong tục còn khác nhau. Cúi mong Thánh Thượng chọn người thầy giỏi, có tài đức để làm khuôn mẫu cho học trò, ngõ hầu học trò được đội ơn đào tạo. Châu phê: “Hãy cố gắng lên mà nhận chức” .

Không chỉ với chức Tế tửu, những vị trí khác trong Quốc Tử Giám, “không câu nệ là người trong hạt hay người nha khác, thấy ai tài đức nổi trội thì làm tập tâu đầy đủ dâng lên” .

Để tỏ rõ lòng lưu tâm cổ vũ việc dạy và học ở Quốc Tử Giám, một số dịp, ngoài tiền lương bổng, nhà vua cũng ban thưởng thêm như nội dung được đề cập trọng văn bản của Nội các: Quan Nội các Vũ Duy Ninh, Trần Mẫn, Nguyễn Tư Giản vâng Thượng dụ. Mùa xuân năm nay trẫm thân hành đến làm lễ, lại sai xa giá đưa đến Quốc Tử Giám coi việc học hành, lòng trẫm rất mừng, vậy nên hậu thưởng. Các vị lãnh Quốc Tử Giám cùng các viên học chính, Tư nghiệp, Tế tửu, Giám thần gồm 7 người, truyền thưởng mỗi người 3 tháng bổng theo lệ cấp tiền gạo. Các viên cử nhân ở Giám, mỗi viên truyền thưởng 2 lạng bạc. Học sinh, ấm sinh truyền thưởng cho mỗi viên 1 tiền long vân để tỏ lòng lưu tâm cổ vũ.

Giám sinh ở Quốc Tử Giám còn được chọn để bổ thụ quan lại khi cần. Năm Minh Mạng thứ 5, Đình thần kính tâu: Xét thấy chức tri huyện một số nơi còn khuyết, vâng chỉ: truyền cho đình thần công bằng chọn cử tâu xin bổ thụ. Chúng thần tuân mệnh, lập tức cùng nhau bàn bạc, đề cử: Xin cho giám sinh Quốc Tử Giám Phan Thế Chấn bổ thụ Tri huyện huyện Đăng Xương. Ty vụ Ty Thanh Lại Bộ Lễ Bùi Văn Lý thăng điều làm Tri huyện huyện Mộ Hoa. Ty vụ Ty Thanh Lại Bộ Binh Văn Như Cơ thăng điều làm Tri huyện huyện Hưng Nhân, Ty vụ Ty Thanh Lại Bộ Lễ Nguyễn Trung Phu thăng điều làm Tri huyện huyện Đường Hào, và kính đem lý lịch quê quán, họ tên tuổi, quan hàm của họ liệt kê sau đây. Phụng chỉ: Chuẩn y lời bàn.

Trong số hàng trăm vị tiến sĩ phó bảng của triều Nguyễn, nhiều người đã từng dùi mài kinh sử ở ngôi trường này. Có thể thấy, việc khuyến học khuyến tài của triều đình ở Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhân tài cho đất nước lúc bấy giờ.

1 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 126, tờ 243.

2  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 48, tờ 127.

3  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 53, tờ 122.

4  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 244, tờ 133.

5  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 20, tờ 29.

6  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 53, tờ 259.

7  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 38, tờ 3.

8  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 20, tờ 234.

9  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 18, tờ 187.

10  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 48, tờ 75.

11  Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tập 8, tờ 35.

hồng nhung
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.