Tọa đàm: "Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”

Nhóm PV |

Sáng 17.9, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.  Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh dư luận có ý kiến trái chiều quanh việc sách lớp 1 “Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trì biên soạn không được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới thông qua.

Việc triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh để có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Nhưng qua những tranh cãi về việc bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định, có thể thấy vấn đề làm thế nào chọn được bộ sách tốt nhất, chất lượng nhất, đặc biệt nhận được sự đồng thuận của người dân là rất quan trọng và cần được đặt ra.

Chúng tôi hy vọng, thông qua buổi tọa đàm “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục", các chuyên gia sẽ cùng bàn luận, đưa ra góc nhìn, cũng như giải pháp, vì một mục tiêu trong tương lai sẽ chọn được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh, vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của các khách mời:

-  Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

-  Tiến sĩ Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT;

-  PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.

Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Mời bạn đọc xem toàn cảnh nội dung buổi tọa đàm:

Lựa chọn sách giáo khoa nhìn từ sự kiện "Công nghệ giáo dục".

MC: Với việc vừa bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá là “không đạt”, nếu không được tác giả chỉnh sửa và thẩm định lại, bộ sách này sẽ không có cơ hội trở thành một trong những bộ sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thưa TS Phạm Tất Thắng, về quan điểm cá nhân, ông có suy nghĩ gì trước thông tin này?

- TS Phạm Tất Thắng: Đúng là khi nghe thông tin sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục bị loại tôi khá ngạc nhiên, bởi vì 2 cuốn sách là công trình nghiên cứu cả cuộc đời của một nhà khoa học rất có uy tín, của một trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Sách này đã có quá trình vận hành thực tiễn ở các mức độ khác nhau, trong các giai đoạn khác nhau hơn 40 năm. Theo con số thống kê, năm học 2019-2020 có khoảng 930.000 học sinh lớp 1 đang theo.

Tuy nhiên, tôi cũng rất tôn trọng quyết định của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia. Tôi nghĩ đây là một mâu thuẫn hiển nhiên bởi vì hội đồng hiện nay làm việc theo Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tức thẩm định sách giáo khoa đáp ứng chương tình phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình mới khác cơ bản về cách tiếp cận, cách thức thể hiện chương trình cũng như nội dung cơ bản so với theo chương trình và sách giáo khoa cũ.

Mặc dù thực tế, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại cũng đã nhận được sự đánh giá tốt từ các địa phương, phụ huynh học sinh, thầy cô giáo.

 
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục". Ảnh: Tô Thế

MC: Cảm ơn ông Phạm Tất Thắng. Còn theo PGS-TS Phạm Văn Tình, từng có kinh nghiệm tham gia hội đồng thẩm định sách giáo khoa, ông nhìn nhận ra sao về việc có những ý kiến trái chiều về việc bộ sách lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng thẩm định đánh giá "không đạt"?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tôi nhận những thông tin đó một cách bình thường. Bất kì một vấn đề nào đó trong xã hội khi đưa ra đều sẽ nhận những ý kiến khác nhau.

Tất nhiên trường hợp này cũng có những điểm đặc biệt riêng của nó. Bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được biên soạn trên một quan điểm giáo dục riêng và đã được thực hiện trong suốt 40 năm, có một khối lượng giáo viên, học sinh rất lớn và đạt được kết quả tốt.

Tuy nhiên, hiện tại hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng không thông qua bộ sách này thì như thế người ta đã chọn được giải pháp thích hợp hơn. Khi đó, chúng ta cảm thấy trong dòng chảy lịch sử đó cũng là chuyện bình thường. Bởi tôi nghĩ kết luận của hội đồng thẩm định là khách quan.

Ít nhất như tôi biết hội đồng đó không vi phạm những nguyên tắc như không đủ tư cách, khả năng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có ai đó cho rằng có một sự chỉ đạo nên lưu ý bộ này bộ kia. Trừ khi phát hiện ra văn bản hay chứng cứ có một sự vi phạm nào đó, còn không thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng ý kiến của hội đồng thẩm định là khách quan.

Và với tư cách từng là một người trong hội đồng thẩm định sách giáo khoa, giáo trình, như tôi biết rằng khi thẩm định không cho biết thông tin về tác giả. Hội đồng thẩm định theo phương pháp đánh số, ký hiệu và xoá tên tác giả và những người tham gia biên soạn. Điều này tránh sự thiên vị. Cũng có thể ta đoán được nhưng chỉ là đoán thôi.

Chúng ta cần quay lại cốt lõi của vấn đề, các bộ sách giáo khoa đưa vào chương trình mới có phù hợp với quan điểm giáo dục và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, giới chuyên môn không.

Vì thế, chúng ta hãy bình tĩnh để đánh giá vấn đề này!

MC: Còn về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi hội đồng thẩm định khẳng định mình đã làm việc công tâm, khách quan, thì GS Hồ Ngọc Đại và không ít ý kiến cho rằng hội đồng thẩm định chưa đánh giá đúng, đầy đủ điểm tốt, ưu việt của bộ sách. Thưa ông Thái Văn Tài - giữa hai luồng quan điểm như vậy, vai trò của Bộ GDĐT như thế nào để có thể lựa chọn và không bỏ sót những bộ sách giáo khoa tốt?

Ông Thái Văn Tài: Việc thẩm định sách giáo khoa nên bắt đầu từ các câu chuỵện thực các văn bản: Nghị quyết 88 của Quốc hội và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương.

Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành quyết định số 04 về chương trình sách giáo khoa. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng.

Trách nhiệm trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công các tổ chức thực hiện. Mọi quyết định của Bộ trưởng đối với sách giáo khoa đang thực hiện đúng luật.

Khi thực hiện các nội dung đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, ban hành Thông tư 33 năm 2017 và năm 2018 ban hành Thông tư 32. Chúng ta xoay vào Thông tư 33 để áp dụng đánh giá trượt 1 bộ sách nào đó. Thông tư 33 là quy định cấu trúc và những điều kiện của bộ sách giáo khoa. Vậy anh muốn viết sách giáo khoa thì phải tìm hiểu thông tư 33 để tìm hiểu quy định cấu trúc, nội dung và những điều kiện tiên quyết khi đó là sách giáo khoa.

 
TS Thái Văn Tài - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học. Ảnh: Tô Thế

Dư luận vừa qua nói rất nhiều về bộ sách giáo khoa được đánh giá theo 13 tiêu chí và 4 tiêu chuẩn theo Thông tư 33 , tuy nhiên cần phải bàn thêm về Thông tư 32.

Hai thông tư này Bộ giáo dục - Đào tạo đã ban hành và đa số tác giả đã nghiên cứu kĩ. Cho tới thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa.

Chúng tôi đánh giá đây là thành công bước đầu thực hiện các chỉ đạo của Đảng, sự đổi mới chương trình sách giáo khoa trong giai goạn mới .

Tuy nhiên trong 5 bộ, có sách Tiếng việt, sách Toán, sách giáo dục thể chất,…. có nhiều sách giáo khoa không đạt. Vì những bản thảo này hội đồng đã áp dụng những điều kiện tiên quyết từ Thông tư 33 về cấu trúc sách giáo khoa, những nội dung. Sau đó mới đi vào mạch kiến thức theo Thông tư 32.

Qua vòng 1 có nhiều bản thảo đánh giá là không đạt. Ban tổ chức nhận bản thảo từ đơn vị có chức năng là nhà xuất bản. Nhà xuất bản có quyền thông báo tới tác giả, tác giả có quyền chỉnh sửa những bản thảo không đạt.

Tôi xin khẳng định lại những bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là "không đạt" hay "đạt cần sửa chữa" đều có quyền chỉnh sửa và nộp lại cho ban tổ chức để thẩm định lại.

Tôi xin nói thêm, hội đồng thẩm định được thành lập trên 1 quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, miền Nam có, miền Trung có, miền Bắc có, vùng khó khăn có. Có 15 nhày để hội đồng tiếp cận và 7 ngày để các thành viên hội đồng thảo luận với nhau. Việc thẩm định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khách quan.

MC: Hiện nay, không ít ý kiến còn băn khoăn về việc tài liệu “Công nghệ giáo dục” đã tồn tại hơn 40 năm qua, dù có một số thành tựu, nhưng vẫn chưa thể trở thành bộ sách giáo khoa. Hay có người cho rằng việc thẩm định sách giáo khoa nên căn cứ vào chuẩn đầu ra của chương trình, chứ bắt bộ sách đã "sống" 40 năm phải sửa 300 chi tiết cho phù hợp nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới chẳng khác nào bắt “gọt chân cho vừa giày”. Thưa ông Phạm Tất Thắng, ông có quan điểm ra sao về vấn đề này?

 
TS Phạm Tất Thắng chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm.

- TS Phạm Tất Thắng: Ở đây, phải giải quyết 2 vấn đề, một là bộ sách được triển khai khá rộng và quá trình triển khai lâu dài được thực tế ghi nhận. Nhưng con số 40 năm để chúng ta phải chú ý.

Thực tế 40 năm qua, chương trình đã thay đổi, kiến thức đã thay đổi. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 88, triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, vì vậy sách giáo khoa có thể do các nhóm tác giả, tác giả, nhưng phải theo chương trình tổng thể đã được phê duyệt.

Đúng là sách "Toán và Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" đã có sức sống, được triển khai trong thực tế, đã khẳng định và được thừa nhận, nhưng một mặt nếu được lựa chọn phải đáp ứng được chương trình mới. Đây là một yêu cầu bắt buộc phải làm bởi phương pháp dạy, các tiếp cận, yêu cầu cũng đã mới.

MC: Thưa ông Thái Văn Tài, những điều mà ông Phạm Tất Thắng vừa phân tích có phải là lý do khiến “Công nghệ giáo dục” vẫn chưa thể chính thức trở thành bộ sách giáo khoa?

- TS Thái Văn Tài: Chúng ta thống nhất quan điểm là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cách tiếp cận theo Nghị quyết 88 và các chỉ đạo của Chính phủ đã nói xây dựng chương trình tiếp cận theo sự phát triển. Vậy có 1 sự thay đổi về cách tiếp cận nội dung, từ đó thay đổi về cách thức tổ chức các phương pháp.

Sách giáo khoa là 1 trong những tài liệu quan trọng để giáo viên và học sinh sử dụng trong quá trình học. Sách giáo khoa phục vụ ngoài đối tượng học sinh, còn có những đối tượng là phụ huynh, cha mẹ học sinh để thực hiện đúng tinh thần đa dạng môi trường giáo dục: Môi trường gia đình, xã hội…

Khi 1 sách giáo khoa, 1 tài liệu dạy học mà chỉ có những người chuyên sâu mới sử dụng được hoặc 1 nhóm giáo viên có quan tâm lớn hoặc được tập huấn để thực hiện, thì chưa phải là đại diện cho sách giáo khoa. Vì vậy, tài liệu quan trọng như sách giáo khoa, là tài liệu phục vụ chính cho giáo viên, cộng đồng xã hội, cha mẹ học sinh để cùng đồng hành, cùng giúp đỡ thầy cô trong quá trình học tập của con em chúng ta.

Chương trình giáo dục phổ thông mới trên 1 nguyên tắc căn bản là kế thừa cái tốt nhất của giáo dục để làm căn cứ thực hiện chương trình. Hiện nay những cái ưu việt nhất đều được các chuyên gia đưa vào sách giáo khoa: Giáo dục nghệ thuật theo phương pháp tiếp cận năng lực, mô hình trường học mới…

MC: Thưa các vị khách mời, mục đích cuối cùng của việc thẩm định sách giáo khoa là lựa chọn được bộ sách chất lượng nhất cho học sinh và giáo viên. Nhìn từ câu chuyện tranh cãi quanh việc "Công nghệ giáo dục" bị đánh giá “không đạt”, có ý kiến cho rằng bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên, học sinh, đánh giá của thực tiễn về các bộ sách để đảm bảo sự khách quan, công bằng. Các khách mời có đồng tình với quan điểm này?

- PGS.TS Phạm Văn Tình: Gần đây tôi nghe rất nhiều luồng dư luận nói rằng cần phải lấy thực tiễn và tiêu chuẩn của chân lý.

Tại sao có nhiều ý kiến của giáo viên, học sinh, nhân vật nổi tiếng đánh giá bộ sách giáo khoa giáo sư Hồ Ngọc Đại tốt như thế sao lại bị loại, có cảm giác hơi oan ức.

Nhưng chúng ta phải xem xét luận cứ đó có khách quan không. Chúng có phương pháp điều tra xã hội học, phải có mẫu điều tra và phương pháp điều tra đích đáng để đưa ra kết quả khách quan nhất.

Chúng ta phải điều tra kết quả bộ sách, phải điều tra nhiều bộ sách không phải chỉ một bộ. Chúng ta phải điều tra chất lượng bộ sách đó ra sao. Chất lượng bộ sách không phải hỏi rằng chúng ta thấy bộ sách đó có tốt không, dạy tốt không. Thông tin quan trọng là chuẩn đầu ra của những người học bộ sách đó được hiển hiện định tính ra sao.

Nếu điều tra mà có định hướng trước thì rất khó để đưa ra một nhận định khách quan.

 
PGS-TS Phạm Văn Tình chia sẻ quan điểm về những tranh cãi liên quan đến tài liệu "Công nghệ giáo dục".

Hiện nay, nhiều người nói Bộ hay hội đồng không nghe ai, không nghe ý kiến đóng góp.

Chúng ta cần thận trọng trong ý kiến đó. Tôi cũng nhắc lại những nhận định bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại tốt là đúng, điều đó là đáng mừng. Nhưng như tôi đã nói, sách giáo khoa cải tiến có yêu cầu rất khác các loại sách khác.

Sách giáo dục phổ thông là loại sách rất quan trọng, luôn luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp. Chúng ta đã thấy lịch sử điều chỉnh sách giáo khoa có nhiều giai đoạn, năm 1981 điều chỉnh một lần, năm 2002 điều chỉnh tiếp và năm nay chúng ta điều chỉnh tiếp để đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục.

Tôi đồng ý với ý kiến của hai tiến sĩ vừa nói, chúng ta phải thừa nhận sức sống của những bộ sách. Nhưng nó có tốt hay không thì chưa khẳng định được.

Về vấn đề sách giáo khoa, như tôi được chứng kiến, các tiêu chí đưa ra cần được bàn luận. Có những lúc, hội đồng tranh cãi không khoan nhượng. Họ có trách nhiệm đưa ra bộ sách cho toàn dân học nên không thể xuề xoà.

Ngay cả bộ sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng có thể điều chỉnh được, nếu như ông thấy rằng có thể sửa theo ý kiến của hội đồng. Có những bộ sách phải sửa đến gần 1.000 chi tiết bởi các thành viên hội đồng đưa ra.

Vì thế chúng ta không nên băn khoăn trong việc phải sửa nhiều chi tiết mà chúng ta chỉ nên băn khoăn việc sửa chi tiết có hướng đến định hướng và có tính khả thi khi sửa hay không.

Nếu chúng ta xuất phát từ tinh thần cầu thị và tinh thần vì giáo dục thì chúng ta phải xem xét ý kiến của hội đồng có xác đáng và chủ biên có nên lưu ý hay không.

Nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại không có ý định sửa, đó cũng là quyền của chủ biên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khi chúng ta tham gia một cuộc thi chúng ta phải tuân theo ý kiến của giám khảo hoặc nếu không đồng tình chúng ta có quyền phúc tra về kết quả đó.

Tôi nghĩ đánh giá bộ sách giáo khoa là vấn đề hệ trọng và chúng ta cần đánh giá thật khách quan.

TS Phạm Tất Thắng: Theo tôi, đúng là trong quá trình thẩm định một vấn đề liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi, tác động với xã hội, đối tượng bị điều chỉnh là việc làm cần thiết.

 
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ví dụ, khi thẩm định một bộ luật, luôn có đánh giá tác động. Tuy nhiên, bất cứ bộ sách, quyển sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới phải biên soạn trên tinh thần giáo dục phổ thông mới, thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ban hành thông qua Thông tư 32, các yêu cầu theo Thông tư 33. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật đã được Nhà nước ban hành.

Điều kiện cần là các bộ sách phải đáp ứng các văn bản này, điều kiện đủ là sách giáo khoa khi đã được biên soạn theo tinh thần Nghị quyết 88 thì phải được thực nghiệm, giảng dạy trong thực tế, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học.

MC: Thưa các vị khách mời, mục đích cuối cùng của việc thẩm định sách giáo khoa là lựa chọn được bộ sách chất lượng nhất cho học sinh và giáo viên. Nhìn từ câu chuyện tranh cãi quanh việc "Công nghệ giáo dục bị đánh giá “không đạt”, có ý kiến cho rằng bên cạnh sự độc lập của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của giáo viên, học sinh, đánh giá của thực tiễn về các bộ sách để đảm bảo sự khách quan, công bằng.

Các khách mời có đồng tình với quan điểm này?

Ông Thái Văn Tài: Chúng ta phải thống nhất lại Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Thông tư này từ đầu chúng ta vẫn xem là quy định pháp lý cao nhất, tôi xin bổ sung, Luật Giáo dục năm 2019 là căn cứ pháp lý cao hơn đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong luật quy định sách giáo khoa phải cụ thể hoá chương trình, hội đồng thẩm định sách giáo khoa như thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao. Công tác quản lý nhà nước phải thực hiện theo luật, có các văn bản quy định.

Có nhiều bộ sách giáo khoa, nhiều nhóm tác giả trình sách giáo khoa theo Thông tư 33, Thông tư 32, hội đồng thẩm định thay mặt Bộ trưởng, rà soát đúng luật, đúng quy định hay không, đúng chương trình chuyên môn hay không. Từ đó đưa ra đánh giá sách này có đúng với quy định hay không. Khi đã đúng rồi có 3 mức: "Đạt", "đạt nhưng cần sửa chữa" và "không đạt".

Hội đồng thẩm định đang giúp tác giả lọc ra những điểm chưa đạt để tác giả chỉnh sửa cho tốt hơn và cuối cùng là người học sẽ được học những sách giáo khoa tốt nhất. Các thầy cô trong hội làm việc vô cùng khách quan và phải chịu trách nhiệm, phải giải thích những sản phẩm này trước xã hội, trước nhóm tác giả.

Có những bộ sách nghiêm túc, chỉn chu, cầu thị lắng nghe nhưng có những bộ sách không đạt. Trong quy định theo luật, Thông tư 32, 33, tất cả các bản thảo sách giáo khoa được đánh giá là "đạt nhưng cần sửa chữa" thì tác giả có quyền chỉnh sửa lại cho đúng với chương trình, đúng với quy định thì hội đồng vẫn sẽ tiếp tục thẩm định lại trên tinh thần thực hiện đúng quy trình.

Tới thời điểm này kết thúc vòng 1, với 5 bộ sach giáo khoa, các tác giả chưa có 1 phản hồi chính thức nào thông qua nhà xuất bản trình lên hội đồng.

MC: Thưa các vị khách mời, trong thời gian diễn ra tọa đàm, chúng tôi có nhận được nhiều câu hỏi của độc giả gửi đến cho các khách mời.

Độc giả Quang Đại (đến từ Nghệ An) có một số câu hỏi đặt ra cho đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Câu hỏi đầu tiên: "Thưa Tiến sĩ Thái Văn Tài, cuốn tài liệu “Công nghệ giáo dục – Tiếng Việt 1” do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai tại các cơ sở giáo dục từ năm 2009, nhưng đến năm 2017, do có nhiều ý kiến cử tri phản ánh lên Đại biểu Quốc hội, Đại biểu quốc hội có ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức thành lập Hội định thẩm định quốc gia để thẩm định tài liệu này và yêu cầu chỉnh sửa nhiều nội dung.

Việc làm nói trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đúng với quy định của Luật Giáo dục 2005. Khoản 3, Điều 29 Luật Giáo dục 2005 không?".

Câu hỏi thứ hai: "Kết quả thẩm định của Hội đồng giáo dục quốc gia năm 2017 về tài liệu “Công nghệ giáo dục – Tiếng Việt 1” do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót của tài liệu nói trên. Và trong đợt thẩm định gần đây, Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá tài liệu nói trên là “Không đạt”, với 300 chi tiết, nội dung không phù hợp, cần chỉnh sửa, loại bỏ.

Hội đồng thẩm định chỉ ra như vậy, nhưng tài liệu này vẫn được áp dụng từ năm 2009 đến nay, với khoảng 800 – 900 nghìn học sinh trên khoảng 48 tỉnh thành. Vậy đâu là nguyên nhân và ai phải chịu trách nhiệm cho việc này?".

Câu hỏi thứ ba: "Từ trước đến nay, đã trải qua nhiều lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa (tính chất “động), trong khi đó, cơ sở vật chất và đặc biệt là đội ngũ giáo viên thì cơ bản ổn định không thay đổi (tính chất “tĩnh”). Liệu đây có phải là bất cập không và Bộ GDĐT có những giải pháp gì để khắc phục?".

Xin mời ông Thái Văn Tài trả lời những băn khoăn của độc giả.

- TS Thái Văn Tài: Rất cảm ơn những câu hỏi của độc giả. Tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại triển khai qua nhiều giai đoạn lịch sử của ngành giáo dục. Năm 2017, hội đồng quốc gia thẩm định, khi đó chưa thẩm định theo chương trình giáo dục phổ thông mới và chưa thực hiện theo các quy chuẩn hiện nay.

Hội đồng năm 2017 là hội đồng hoạt động độc lập trong khuôn khổ của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Còn hội đồng quốc gia lần này là thẩm định sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Kết quả thẩm định của 2 hội đồng này là không liên quan gì với nhau, không nên nhầm lẫn khái niệm.

Tài liệu ưu điểm có, nhược điểm có. 300 chi tiết mà hội đồng chỉ ra, có những lỗi mang tính chất tư vấn để làm tốt hơn, phù hợp hơn nhưng cũng có những lỗi tiên quyết vì không đúng quy định chứ không phải nhược điểm hay điểm xấu.

Tài liệu có ưu có nhược, nhưng khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta điều chỉnh lại cách tiếp cận, cách thể hiện thì sẽ phù hợp hơn...

VÌ MỤC TIÊU CHỌN BỘ SÁCH GIÁO KHOA TỐT NHẤT CHO HỌC SINH

MC: Thưa các vị khách mời, việc triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội đang được kỳ vọng sẽ xóa độc quyền sách giáo khoa, tạo điều kiện huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường cạnh tranh trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Đặc biệt, mỗi địa phương sẽ được lựa chọn dạy và học bộ sách tốt nhất, phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương mình, trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản toàn và toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Với những chủ trương này, các ông có kỳ vọng gì vào lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Tôi nghĩ việc chuẩn bị tiến tới đổi mới giáo dục được toàn Đảng, toàn dân hướng tới từ rất lâu. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Việc triển khai đổi mới bộ sách giáo khoa hiện hành đã được chuẩn bị từ rất lâu. Mỗi bộ sách đều nằm trong tổng thể vĩ mô. Chúng ta khuyến khích một chương trình có nhiều bộ sách, để người dạy và người học có quyền dễ dàng lựa chọn bộ sách phù hợp.

Trong quá trình thực thi sẽ bộc lộ những ưu và khuyết điểm còn đánh giá của hội đồng thẩm định có thể chưa phải là đáp án cuối cùng. Bộ sách lớp 1 nằm trong tổng thể hệ thống 12 năm. Chúng ta quan tâm đến đầu ra chuẩn lớp 1 của các cháu ra sao, phải nhận diện được chữ cái, ghép được vần, đọc văn bản ngắn….

Các nhà biên soạn phải căn cứ xem khối lượng, dung lượng kiến thức trong thời gian học để không bị chồng chéo lên nhau.

Tôi nghĩ rằng chủ trương được mọi người hướng tới và đây là điều đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng vào vấn đề hệ trọng của giáo dục. Sự phản ứng và ý kiến trái chiều của dư luận cũng là việc bình thường và chúng ta nên đón nhận nó một cách tích cực với bất kì vấn đề nào. Nếu không có ý kiến tranh luận trao đổi cũng là điều đáng tiếc, không phù hợp với quy luật phát triển.

MC: Còn ông Phạm Tất Thắng, ông đánh giá sao về lần đổi mới giáo dục này, với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”?

- TS Phạm Tất Thắng: Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã tổ chức giám sát chất lượng giáo dục phổ thông, kết quả cho thấy còn những bất cập như dư luận xã hội phản ánh. Chính vì thế, trên tinh thần của Nghị quyết 29, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Tinh thần của Nghị quyết 88 tiếp tục thể hiện trong Luật Giáo dục sửa đổi, là thay đổi căn bản cách tiếp cận, trước dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức một chiều bây giờ tiếp cận trên cơ sở năng lực, khả năng, lấy học sinh là trung tâm.

Trước đây, coi sách giáo khoa là “pháp lệnh”, cả nước cùng chung một bộ sách giáo khoa thì nay chương trình là pháp lệnh; còn sách giáo khoa là cách thể hiện chương trình. Vì thế, ứng với 1 chương trình có nhiều cách thể hiện, nhiều sách giáo khoa khác nhau. Chính từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định 5 bộ sách giáo khoa để có thể đưa vào thực hiện trong năm học 2020-2021 theo chương trình mới.

Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta rất hy vọng, giáo dục phổ thông sẽ có bước đổi mới thay đổi cơ bản, thay đổi việc truyền thụ kiến thức một chiều bằng việc người học được tiếp cận quan điểm mới. Học sinh, phụ huynh, nhà trường có quyền lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để có kết quả tốt nhất.

Hy vọng sự đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông có kết quả tốt, đáp ứng kỳ vọng của người dân, toàn xã hội.

MC: Cảm ơn những chia sẻ của ông Phạm Tất Thắng. Còn theo ông Thái Văn Tài, về phía Bộ GDĐT để đáp ứng kỳ vọng của giáo viên và phụ huynh học sinh, để lựa chọn được những bộ sách giáo khoa chất lượng nhất, tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT đã có những chuẩn bị ra sao?

TS Thái Văn Tài: Sau khi ban hành chương trình theo thông tư 32, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo các địa phương bằng văn bản số 344 để cụ thể hoá các nội dung chuẩn bị trong thẩm quyền của chính quyền các cấp và địa phương.

Hiện nay, các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể. Sắp tới Bộ sẽ tổ chức sơ kết việc chỉ đạo, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới tại các địa phương.

Các văn bản hướng dẫn cũng có các cụm chuyên môn liên quan hướng dẫn. Ví dụ: Giáo dục tiểu học có văn bản hướng dẫn nội dung chương trình tại các địa phương, văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học ngay ở chương trình lớp 1… Các văn bản liên quan đến các môn học có yếu tố mới như môn học trải nghiệm cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn sớm 1 bước để các thầy cô giáo trải nghiệm.

Về chuẩn bị tài liệu sách giáo khoa, chúng ta đã thấy đây là việc làm rất lớn. Theo kế hoạch, trước ngày 30.10, Bộ trưởng sẽ công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa lớp 1.

Song song với đó, bộ đang lấy ý kiến thông tư quy định, hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định. Thông tư này dự kiến ban hành trong tháng 12.2019. Từ đó, địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa.

Sau khi có sách giáo khoa, địa phương sẽ thực hiện tập huấn chương trình đối với giáo viên. Giáo viên phải tìm hiểu về chương trình, sách giáo khoa được lựa chọn và tìm hiểu về các văn bản liên quan.

 

MC: Còn theo PGS-TS Phạm Văn Tình, để lựa chọn được những bộ sách giáo khoa chất lượng nhất, tốt nhất cho học sinh, theo ông, cần những điều kiện gì?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Theo tôi, cần thẩm định sách giáo khoa xem nội dung kiến thức đó yêu cầu học sinh những yêu cầu gì, phân bố kiến thức dung lượng tiết học ra sao…

Ngoài ra, chất lượng của bộ sách giáo khoa liên quan đến tri thức và cách thức truyền đạt. Tôi luôn nghĩ rằng sách giáo khoa là cẩm nang quan trọng để giáo viên và học sinh dựa vào đó để có cách thể hiện tốt. Làm sao để học sinh tiếp nhận kiến thức tốt và giáo viên có thể dạy được tốt nhất.

Có những bộ sách giáo khoa khi thẩm định rất đầy đủ nhưng kênh hình lại kém. Nên nhớ học sinh lớp 1 thì hình ảnh nằm trong tổng thể, học trò nhìn văn bản có hình ảnh cây cối, chim muông… minh hoạ tạo cảm hứng và sự hình dung sinh động.

Kết luận dựa vào tri thức đánh giá chuẩn đầu ra và cách thể hiện bài học phù hợp khoa học, vừa sức, phát huy tính chủ động của học sinh. Vì thế khi thẩm định, hội đồng có tiêu chí. Trên cơ sở tiêu chí đưa ra những đánh giá khách quan nhất.

Tôi thấy mừng khi chủ trường cho phép có nhiều bộ sách giáo khoa. Khi đưa ra sử dụng thì trong dư luận cũng có sự phân hoá. Xuất phát điểm của những đối tượng này cũng không giống nhau. Vì thế nhiều bộ sách có thể phù hợp với những đối tượng khác nhau.

MC: Về phía Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, với vai trò là cơ quan giám sát, theo ông Phạm Tất Thắng, làm thế nào để có được bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh?

- TS Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng một bộ sách giáo khoa tốt phải đáp ứng được 4 yêu cầu.

Trước tiên, phải thể hiện đúng chương trình.

Thứ hai, phải có chất lượng tốt, thể hiện ở lựa chọn minh hoạ kiến thức đã được lựa chọn trong chương trình, hình thức thể hiện phải tốt.

Thứ ba, dễ sử dụng với cả người dạy, người học, phụ hunh học sinh.

Cuối cùng, giá thành của sách giáo khoa cũng cần phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số gia đình học sinh.

Khi đáp ứng được 4 yêu cầu đó thì sẽ là bộ sách giáo khoa tốt. Với cách tiếp cận này, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa tốt, phụ huynh học sinh có thể lựa chọn phù hợp nhất.

Về phía Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội có dự kiến năm 2020, năm đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88, Quốc hội sẽ đưa vào chương trình giám sát năm 2020.

MC: Khi thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường sách giáo khoa lành mạnh. Khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi. Tuy nhiên, không ít người lo ngại sẽ có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, có khi bộ sách giáo khoa tốt không đến được với học sinh. Bộ GDĐT đã có những giải pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này, thưa ông Thái Văn Tài?

TS Thái Văn Tài: Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng cùng với hội đồng thẩm định sẽ thực hiện thẩm định sách giáo khoa một cách khoa học, công bằng, minh bạch để tất cả các lực lượng cùng tham gia phản biện.

Thực hiện theo luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến ban hành thông tư, quy định về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa theo các địa phương. Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát và chỉ đạo địa phương thực hiện khi lựa chọn sách giáo khoa đã công bố tại các địa phương đúng quy định đến học sinh.

Thêm vào đó, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, chấn chỉnh đối với các địa phương còn lúng túng, hay trong qua trình triển khai cần hướng dẫn thêm.

MC: Các khách mời có đồng tình với những giải pháp mà Bộ GDĐT đưa ra?

- PGS.TS Phạm Văn Tình: Tôi rất đồng tình. Các quyết sách của Bộ rất bài bản. Trong quá trình thực hiện có những vấp váp là điều dễ hiểu. Chúng ta nghiêm túc dựa trên những quan điểm khoa học, dân tộc, đại chúng... phù hợp với xu hướng giáo dục.

Bộ sách đầu tiên gây được phản ứng như thế rất đáng mừng, khởi đầu cho chương trình dài hơi. Vạn sự khởi đầu nan, tôi hi vọng dư luận tiếp tục có những phản hồi, tranh luận, mục đích cuối cùng là có bộ sách tốt nhất cho học sinh.

- TS Phạm Tất Thắng: Đây là một quá trình trong vài năm qua, chúng ta đã có lộ trình, bước đi, kế hoạch để triển khai Nghị quyết 88. Việc chuẩn bị và triển khai vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành một cách bài bản, nghiêm túc.

 
TS Phạm Tất Thắng.

Mong muốn của cử tri là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình tiếp tục triển khai Nghị quyết 88 cần lưu ý hơn, đã có chương trình, sắp có sách giáo khoa nhưng để đi vào thực tiễn và đạt kết quả cao thì điều kiện triển khai trong thực tế là rất quan trọng.

Mặc dù đã có quá trình chuẩn bị thì Bộ cần tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt.

Yếu tố rất quan trọng nữa là con người. Đội ngũ giáo viên trước đây đào tạo dạy đơn môn thì nay sẽ dạy tích hợp. Vậy nên cũng cần có lộ trình đào tạo tập huấn giáo viên, đây chính là điểm mấu chốt. Chương trình có tốt nhưng giáo viên không truyền tải được thì cũng khó thành công.

Thứ hai, chương trình mới, phương pháp mới thì cần cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp, cần có sự chuẩn bị từ phía Bộ và địa phương.

Yếu tố thứ 3 cũng quan trọng đó là điều kiện của các địa phương khác nhau, Bộ cần giải pháp chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp đặc thù từng địa phương để nâng được chất lượng đồng đều.

MC: Vâng, còn một vấn đề mà nhiều phụ huynh học sinh quan tâm khi thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, là có thể giá sách giáo khoa sẽ tăng. Theo các khách mời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để cân bằng giữa quyền lợi của doanh nghiệp và phụ huynh học sinh?

TS Phạm Tất Thắng: Như tôi đã chia sẻ về 4 yếu tố để có một bộ sách giáo khoa tốt. Trong 4 yếu tố thì giá thành sách giáo khoa phải phù hợp với mức độ chi tiêu chung của đại đa số người dân.

Khi chúng ta thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì cũng đã nhằm đến việc xã hội hoá biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, mong có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản, nhóm tác giả, làm sao để có bộ sách vừa có chất lượng tốt nhưng cũng có giá thành phù hợp.

Trong quá trình cạnh tranh lành mạnh này, nếu nhà xuất bản, nhóm tác giả nào dù có chất lượng tốt nhưng giá thành cao cũng sẽ không thuận lợi.

Yếu tố về quản lý nhà nước, sách giáo khoa là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến quyền của người dân, của trẻ em, vì vậy Nhà nước sẽ có sự kiểm soát về giá sách giáo khoa.

Tôi tin rằng, khi thực hiện chương trình mới, Nhà nước sẽ có biện pháp để kiểm soát giá sách giáo khoa cho hài hoà lợi ích giữa nhà xuất bản và quyền lợi của người dân.

 

- PGS Phạm Văn Tình: Đúng là ngoài chất lượng thì giá thành sách giáo khoa cũng là một yếu tố. Sách giáo khoa tăng giá cũng là chuyện đương nhiên vì chỉ sau một tháng cũng có thể giấy, công in có thể báo giá khác.

Nếu chúng ta tuân thủ theo đúng quy luật thị trường chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa có giá cả khác nhau do dày mỏng, chất lượng khác nhau. Sách giáo khoa in thường phức tạp hơn do có tranh ảnh cần in màu.

Trong xu hướng xã hội hoá giáo dục hiện nay, Nhà nước cần lưu ý hỗ trợ đầu tư. Nhà xuất bản không thể chịu thua lỗ, vì thế cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để giá bán phù hợp với phụ huynh học sinh.

Vì chúng ta có nhiều phụ huynh, để bỏ 200.000-300.000 mua một bộ sách giáo khoa không phải vấn đề lớn nhưng với nhiều khu vực thì đó thật sự là một khoản tiền không nhỏ.

Chúng ta cần tính đến vấn đề tài chính. Từ trước đến nay Nhà nước làm rất tốt vấn đề này và tôi hi vọng chủ trương đó được tiếp tục.

TS Thái Văn Tài: Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định rất rõ trách nhiệm của mình, về quản lý giá thuộc về chức năng của Bộ Tài chính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát để báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có phát hiện những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người học và những bất thường trong cơ chế cung cầu của thị trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế trên toàn quốc. Bộ sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội để làm tốt công tác này trong thời gian tới.

MC: Chúng ta vừa lắng nghe cuộc trao đổi với các vị khách mời về chủ đề “SÁCH GIÁO KHOA CHO ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC”

Thưa quý vị và các bạn, Nghị quyết 88 của Quốc hội khẳng định, đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, góp phần chuyển biến nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học.

Lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này được kỳ vọng là bước đà quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong buổi tọa đàm, các khách mời cũng có những chia sẻ, kiến nghị và rất mong phía cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục sẽ có những lắng nghe, vì mục tiêu có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để có sách giáo khoa tốt nhất cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

Đặng Chung |

10h sáng ngày 17.9, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Chi tiết 13 tiêu chí thẩm định sách giáo khoa

Đặng Chung |

Bản thảo sách Toán và Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị đánh giá "không đạt" ngay ở vòng thẩm định đầu tiên.

Lý do hội đồng thẩm định loại sách của GS Hồ Ngọc Đại có thuyết phục?

Đặng Chung |

Lý do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá sách “Toán và Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” là vì không đáp ứng tiêu chí theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung sách vượt quá chương trình. Về những lý do này, thành viên soạn thảo chương trình môn Toán có những phản biện.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Làm thế nào để có sách giáo khoa tốt nhất cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

Đặng Chung |

10h sáng ngày 17.9, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Sách giáo khoa cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Chi tiết 13 tiêu chí thẩm định sách giáo khoa

Đặng Chung |

Bản thảo sách Toán và Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị đánh giá "không đạt" ngay ở vòng thẩm định đầu tiên.

Lý do hội đồng thẩm định loại sách của GS Hồ Ngọc Đại có thuyết phục?

Đặng Chung |

Lý do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá sách “Toán và Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục” của Giáo sư Hồ Ngọc Đại “không đạt” là vì không đáp ứng tiêu chí theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung sách vượt quá chương trình. Về những lý do này, thành viên soạn thảo chương trình môn Toán có những phản biện.