Tọa đàm: “Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên"

Nhóm PV |

14h chiều nay (10.3), Báo Lao Động phối hợp với các đơn vị biên soạn, xuất bản bộ SGK Cánh Diều tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6: Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên". Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Buổi toạ đàm có sự tham dự của các khách mời:

+ Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

+ PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều.

+ PGS-TS Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên CT Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6-Bộ Cánh Diều;

+ TS Nguyễn Văn Ninh - Đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6-Bộ Cánh Diều;

+ PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT;

+Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh – Phó trưởng Phòng Thông tin dư luận Xã hội, Viện trưởng Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

+ Cô Vũ Thúy Hiền – Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội.

+ Ông Đào Xuân Hoàng - CEO Công ty Cổ phần Early Start

Theo dõi video phiên 1 cuộc tọa đàm: Ưu điểm vượt trội của sách giáo khoa Cánh Diều lớp 2, lớp 6:

Phiên 2: Trải nghiệm kho học liệu số của bộ SGK Cánh Diều:

Phiên 3: Lựa chọn SGK: Làm sao đảm bảo công khia, minh bạch:


Ưu điểm vượt trội của sách giáo khoa Cánh Diều lớp 2, lớp 6

MC: Chúng ta vừa theo dõi đoạn phóng sự về những trải nghiệm với bộ sách giáo khoa Cánh Diều của giáo viên và học sinh. Rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ những lo lắng ban đầu, rồi sau đó có chút áp lực khi lần đầu làm quen với những phương pháp, hướng tiếp cận mới, đến nay những bỡ ngỡ đã dần qua, các nhà trường đã thu về trái ngọt đầu tiên. Nhiều tín hiệu lạc quan về khả năng tiếp thu của học sinh, nhiều nơi các em đọc thông, viết thạo chỉ sau 1 học kỳ.

Là những tác giả, là những người đã dành nhiều tâm huyết khi biên soạn bộ sách, chúng tôi rất muốn nghe những chia sẻ, cảm xúc của các thầy sau khi theo dõi xong phóng sự này?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế

- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Tôi không phải tác giả viết sách lớp 1 mà phụ trách viết SGK từ lớp 6-12. Tuy nhiên, trước bộ sách của bất kì môn học nào, với hiện thực các cháu tiếp thu tốt và học hành tiến bộ thì các tác giả hết sức vui mừng. Bất kì cuốn sách nào cho dù đã thử nghiệm nhưng khi đi vào cuộc sống mới là thước đo cao nhất. Muốn nói gì thì nói nhưng khi cuộc sống không chấp nhận thì cũng không chịu.

Còn khi cuộc sống chấp nhận, cô giáo dạy dễ dàng, học sinh tiến bộ, trong thời gian ngắn đã biết đọc biết viết thì chúng tôi rất mừng. Từ đó, tạo niềm tin rất lớn cho tác giả, có niềm tin để thực hiện tốt công việc của mình. Mặc dù hết sức gian khổ, đứng trước dư luận xã hội cũng như thách thức lớn của đổi mới, chúng tôi thấy vừa là vinh dự tự hào, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Có điều cần phải có niềm tin để có thể hoàn thành được việc đó.

PGS-TS Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên CT Giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6-Bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế

- PGS-TS Mai Sỹ Tuấn: Phải nói là đối với chúng tôi, đến nay sức ép đã được giải tỏa một phần. Ngoài là tác giả của sách Cánh diều, chúng tôi còn là tác giả của chương trình giáo dục phổ thông

Khi xây dựng chương trình, chúng tôi cũng lo lắng khi đất nước đặt lên vai mình nhiệm vụ rất lớn. Mọi người lo lắng, tâm tư là viết như thế nào? Sau khi viết xong, các tác giả lại triển khai ý tưởng đó thành SGK.

Dĩ nhiên, lúc đầu khi triển khai còn ý này, ý kia, giảng dạy chưa được nhuần nhuyễn, thông suốt lắm, nhưng đến nay được đánh giá chung là thành công. Là tác giả viết chương trình, viết SGK, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn, vững vàng hơn trên con đường mình đang đi.

TS Nguyễn Văn Ninh - Đồng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6-Bộ Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế

- TS Nguyễn Văn Ninh: Tiếp nối ý kiến của thầy của thầy Đỗ Ngọc Thống và thầy Mai Sỹ Tuấn, bản thân tôi vừa trải qua quá trình hoàn thiện biên soạn môn Lịch sử và Địa Lý lớp 6, thật sự quá trình này rất vất vả, giống những điều mà nhà biên soạn SGK Cánh Diều lớp 1 đã trải qua trong đoạn phóng sự vừa chiếu. Tôi hiểu những nhà biên soạn xây dựng được những cuốn sách lớp 1 - những tác giả bộ Cánh Diều lớp 1 cũng rất vất vả.

Vì vậy, những thành quả bước đầu này là tín hiệu đáng mừng, giúp chúng tôi có động lực thực hiện tốt. Bản thân tôi hy vọng trong năm học mới, tất cả mọi người sẽ đón nhận bộ sách Cánh Diều nói chung và SGK môn Lịch sử và Địa lý lớp 6.

MC: Vâng, những tín hiệu lạc quan này sẽ là nguồn động lực để các thầy tiếp tục dành tâm – trí – lực viết SGK cho sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. Vừa rồi em có nghe PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nói slogan của bộ sách Cánh Diều là “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Đây là triết lý giáo dục xuyên suốt của bộ sách Cánh Diều. Vậy triết lý này đã được hiện thực hóa ra sao trong các bài học của sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 và Ngữ văn lớp 6? Sách đã kế thừa những điểm ưu việt gì của SGK hiện hành và đâu là điểm mới, điểm khác biệt?

- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Cách đây hai năm, ngay từ khi hình thành bộ sách thì triết lý “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống” đã được tuân thủ một cách triệt để. Việc hiện thực hoá tuỳ vào đặc trưng của từng bộ môn nhằm mang cuộc sống vào bài học.

Đối với môn Tiếng Việt, Ngữ văn, chúng tôi thấy cần được xuất phát từ những hiện thực của cuộc sống, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tâm lý của học sinh để lựa chọn thứ ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, văn bản gần gũi thiết thực với học sinh.

Việc này phải đáp ứng cả hai mặt, một mặt phản ánh thực tế sinh động tâm lý lứa tuổi, mặt khác trong nhà trường phải cung cấp vốn hiểu biết văn học, văn hóa dân tộc, để khi tốt nghiệp, học sinh có được vốn hiểu biết văn hoá, văn học nhất định.

Trong quá trình biên soạn, chúng tôi luôn luôn đặt ra những tình huống xảy ra trong cuộc sống, gắn với tình huống thực tiễn trong cuộc sống, để học sinh vận dụng những kiến thức ngữ văn ấy. Điển hình trong môn văn là tình huống giao tiếp, tuỳ từng tình huống cần dạy học sinh cách ứng xử phù hợp. Ngoài ra, trong các tác phẩm đọc cần yêu cầu học sinh đặt ra câu hỏi liên hệ bản thân. Đây là điều rất quan trọng với văn học. Đây không chỉ là yêu cầu của bộ sách Cánh Diều mà còn là yêu cầu của lý luận văn học hiện đại.

Vậy khi biên soạn SGK Cánh Diều môn Ngữ văn lớp 6, chúng tôi đã kế thừa và đổi mới như thế nào? Không có chương trình đổi mới SGK nào bắt đầu từ con số 0. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng, chúng tôi đã kế thừa nhiều điều hay, phù hợp ở SGK hiện hành. Cụ thể là những điều sau:

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống.

Thứ nhất là hệ thống văn bản tổng trong sách hiện hành, kế thừa theo từ 9-10 văn bản, đó là những tác phẩm lớn có ảnh hưởng.

Thứ hai là kế thừa các đơn vị kiến thức cơ bản, thời nào cũng biết. Thứ ba là kế thừa tư tưởng đã hình thành ở sách giáo khoa hiện hành. Như vậy, giáo viên có thể dạy theo hướng mới, đáp ứng được yêu cầu mới.

Nói về việc đổi mới, chúng tôi không thể bê nguyên xi chương trình cũ bởi mục tiêu chương trình đã thay đổi sang hình thành phát triển năng lực. Vì vậy, chúng tôi đã đổi mới cách dạy, nội dung phải chuyển theo hình thức phát triển mới để học sinh biết cách đọc, cách viết hiệu quả. Cấu trúc cuốn sách đã thay đổi từ 34 bài thành 10 bài, mỗi bài 12 tiết, từ đó hình thành kỹ năng đọc văn bản tốt. Qua đó, cấu trúc, hệ thống văn bản cũng thay đổi, các bài học trở nên gần gũi với học sinh. Đặc biệt, tư tưởng đánh giá cũng cần đổi mới trên cơ sở kế thừa.

MC: Chúng ta vừa được nghe những chia sẻ rất tâm huyết của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống. Rất nhiều điểm mới, điểm ưu việt của SGK tiếng Việt lớp 2 và sách Ngữ văn lớp 6 đã được thầy giới thiệu đến Quý thầy cô và bạn đọc. Còn trên tay tôi lúc này là cuốn SGK lớp 6 Lịch sử và Địa lý bộ sách Cánh Diều. Đây là môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở của chương trình phổ thông 2018. Đây cũng là điểm mới mà sách giáo khoa hiện hành chưa có.

Xin được hỏi TS Nguyễn Văn Ninh – Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 - Bộ Cánh Diều, các nội dung, bài học trong sách đã được nhóm tác giả tích hợp ra sao để vừa truyền tải kiến thức, giúp học sinh đạt chuẩn đầu ra của môn học, mà vẫn giữ được nét riêng, đặc thù của hai ngành khoa học là Lịch sử và Địa lý?

- TS Nguyễn Văn Ninh: Đây là môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông. Trong chương trình hiện hành thì nó là 2 môn học nhưng trong chương trình mới nó là 1 môn học.

Như vậy vấn đề đặt ra là sẽ tích hợp nội dung trong cuốn SGK này như thế nào?

TS Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: Tô Thế

Trước hết là SGK nói chung và SGK Cánh Diều nói riêng đều đáp ứng yêu cầu của chương trình. Chương trình đưa ra yêu cầu cần đạt như thế nào thì SGK cũng phải đảm bảo được yêu cầu cần đạt như thế.

Trong chương trình môn học Lịch sử và Địa lý cấp THCS được thiết kế theo 2 phân môn, là phân môn Lịch sử và Địa lý.

Trong tổng thể một cấp học, các tác giả của chương trình đã thiết kế các chủ đề tích hợp giữa kiến thức lịch sử và địa lý. Vì thế vừa tích hợp kiến thức giao nhau của lịch sử và địa lý nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học.

Những kiến thức được chúng tôi thể hiện rất rõ, thông qua việc tích hợp nội môn, xuyên môn, liên môn. Đồng thời trong các bài viết, chúng tôi còn sử dụng nhiều kiến thức tích hợp của rất nhiều đơn vị khoa học.

MC: Tôi thấy trong sách có một chủ đề rất mới là “bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông”. Một ví dụ cụ thể, với chủ đề này, thầy và nhóm tác giả đã tích hợp nội dung như thế nào?

- TS Nguyễn Văn Ninh: Đối với chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý, Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. 4 chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn.

Trong đó, chủ đề biển đảo được xây dựng trong chương trình mới được xã hội đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã nghiên cứu và cố gắng thể hiện trong chủ đề tích hợp này. Đó không chỉ là các kiến thức về biển đảo, mà còn là mạch kiến thức về chủ quyền Việt Nam nhằm xác định vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam, giáo dục học sinh về tinh thần yêu nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm về việc bảo vệ chủ quyền, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

MC: Ngoài Lịch sử và Địa lý thì còn một môn học tích hợp nữa ở lớp 6 là Khoa học tự nhiên. Theo chương trình hiện hành, cấp THCS có 3 môn học là Vật lý, Hóa học, Sinh học, nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, 3 môn học này sẽ tích hợp trong 1 môn Khoa học tự nhiên. Thưa PGS-TS Mai Sỹ Tuấn- Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 - bộ Cánh Diều, thầy có thể giới thiệu cho quý thầy cô và bạn đọc rõ hơn về điểm mới của sách giáo khoa tích hợp này. Đâu là điểm ưu việt của nó so với chương trình, SGK hiện hành?

PGS-TS Mai Sỹ Tuấn. Ảnh: Tô Thế

- PGS-TS Mai Sỹ Tuấn: Khoa học tự nhiên là môn tích hợp thì đúng rồi, nhưng khi làm chương trình, chúng tôi cũng đã bàn luận xây dựng môn Khoa học tự nhiên là môn tích hợp, còn Địa lý và lịch sử là môn học phối hợp thôi.

Ở Việt Nam, đây là môn học đầu tiên tích hợp. Vì vậy khi viết SGK môn học tích hợp để giáo viên trong điều kiện đang dạy riêng lẻ từng môn có thể dạy đượcvà yên tâm để dạy là một thách thức rất lớn.

Việc viết sách lần này là vất vả vô cùng. Đây không còn là trách nhiệm mà còn cần có tình yêu thực sự với giáo dục mới có thể vượt qua. Đây không chỉ là trách nhiệm mà phải cần có tinh thần vươn lên.

Khi viết, chúng tôi đưa ra phương châm SGK mới kế thừa được điểm hay, điểm ưu việt của SGK hiện hành, nhưng phải tinh giản, đạt được yêu cầu của hiện đại và phải thiết thực. Học cái gì, không học cái gì và phải gắn liền với cuộc sống.

Ví dụ một bài học tải được cả kiến thức Hóa học và Sinh học nhưng ví dụ đó thực sự xa với cuộc sống thì nhận thức của các em lại khó. Chúng ta vẫn dạy kiến thức thế giới đang dạy nhưng kiến thức đó phải được lồng vào những hiện tượng của Việt Nam, lồng vào cuộc sống của học sinh để các em dễ học. Nhưng SGK mới khác với sách hiện hành là phải khơi nguồn sáng tạo. Nếu viết xong, học sinh đọc xong, học xong mà các em nhớ lại những câu trong sách thì cũng không đạt được yêu cầu sáng tạo, không đạt yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì thế, tôi đặt ra một yêu cầu nữa với SGK mới là phải khơi nguồn sáng tạo. Đây là quan điểm của chúng tôi trong quá trình viết sách.

Vì thế, chúng tôi xác định “nhiệm vụ kép” là phải hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy tích hợp cùng với đó là giúp thầy cô đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng phải phù hợp với năng lực học sinh.

Chúng tôi cũng giữ quan điểm: anh viết gì thì viết nhưng phải hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, nếu không lại quay lại như sách hiện hành thì không được.

Tôi nghĩ, trên đây là những điểm mới, điểm cốt lõi nhất mà SGK của chúng tôi đạt được.

MC: Với các môn học tích hợp, điều mà nhiều thầy cô hiện nay băn khoăn là việc dạy tích hợp sẽ được thực hiện như thế nào, khi giáo viên đã quen với việc dạy đơn môn. Rồi hình thức quản lý nhà trường, hoạt động chuyên môn của giáo viên cũng đã quen với quản lý tách biệt các môn như Lịch sử, Địa lý, hay Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các thầy có chia sẻ gì với giáo viên vào lúc này, để ổn định tâm lý và giúp thầy cô, các nhà trường có bước chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng phương pháp và cả tâm thế để có thể thực hiện đổi mới thành công?

- PGS-TS Mai Sỹ Tuấn: Yêu cầu mới là phải dạy học tích hợp, trong khi đó giáo viên lâu nay quen dạy đơn môn. Đây đúng là một thách thức rất lớn.

Từ khi làm chương trình, chúng tôi cũng đã bàn luận là mình chọn cách tích hợp nào. Trên thế giới có nhiều cách tích hợp khác. Chúng tôi chọn cách tích hợp ở mức độ vừa phải để phù hợp với giáo viên phổ thông của Việt Nam

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giáo viên yên tâm? Chúng tôi khẳng định, mặc dù dạy môn tích hợp nhưng số lượng công ăn việc làm của các thầy cô không thay đổi. Nghĩa là tổng số giờ dạy Sinh học, Hóa học, Vật lý ở phổ thông hiện nay là bao nhiêu giờ thì với môn tích hợp Khoa học tự nhiên của lớp 6, 8, 8, 9, khi cộng vào thì số giờ của SGK cũ và SGK mới là tương đương nhau. Cho nên các thầy cô yên tâm về công ăn việc làm.

Thứ hai là cách bố trí nội dung mà chúng tôi phải tiến hành. Nếu bố trí nội dung mà người ta hoàn toàn thấy xa lạ thì không được. Vì vậy chúng tôi bố trí theo các mạch nội dung.

Ví dụ nội dung về chất và sự biến đổi của chất. Nội dung này không thuần túy hóa học, nhưng các cô dạy hóa sẽ cảm thấy thuận lợi nhất. Cho đến mạch thứ hai là mạch “Vật sống”, nó cũng không thuần túy chỉ là sinh học vì gắn kết cả kiến thức khác vào nữa. Nhưng giáo viên đang dạy sinh học mà dạy mạch đó sẽ thấy thuận lợi nhất. Và cứ tương tự như vậy, giáo viên Vật lý khi dạy mạch "trái đất và bầu trời", "năng lượng và sự biến đổi" là thuận lợi nhất.

Khi thực hiện chương trình mới, bộ sách mới, những giáo viên nào chưa được bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo thì sẽ được đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, chương tình mới, sách mới đòi hỏi thầy cô phải cố lên một chút, phải đổi mới để đáp ứng với sách mới. Còn mới thế nào thì phải đi cụ thể từng vấn đề. Trong tất cả các bước của quá trình dạy học, các thầy cô vận dụng kiến thức thực tiễn, mang thực tiễn vào bài học.

Các khách mời tìm hiểu bộ SGK Cánh Diều. Ảnh: Tô Thế

MC. Vâng đây là việc dạy học tích hợp với môn Khoa học tự nhiên, còn môn Lịch sử và Địa lý thì sao ạ? Tôi xin chuyển câu hỏi đến TS Nguyễn Văn Ninh.

- TS Nguyễn Văn Ninh: Chương trình GDPT năm 2018 có 2 môn học mới, vấn đề lớn đặt ra là trình vậy với đội ngũ giáo viên hiện hành sẽ thực hiện 2 môn học mới (Lịch và Địa lý, Khoa học tự nhiên) như thế nào?

Ngoài ý kiến của PGS Mai Sỹ Tuấn đưa ra, tôi cho rằng đây là chủ trương chung của Bộ GDĐT. Môn học mới sẽ có giải pháp chiến lược về mặt con người. Việc đào tạo giáo viên đáp ứng 2 môn này thì đã được các trường Sư phạm thực hiện. Ngay sau 2018, các trường sư phạm đã mở mã ngành mới là đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Đây là về mặt chiến lược lâu dài.

TS Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: Tô Thế.

Bối cảnh trước mắt với các giáo viên hiện hành, có thể các thầy cô đang lo có dạy được môn học này hay không. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Thứ nhất, Bộ GDĐT có 9 module tập huấn giáo viên, hiện đang trong quá trình tập huấn đến hết module 3, bàn về nội dung và phương pháp dạy học của các môn học. Chúng tôi đã trực tiếp tập huấn giáo viên dạy môn Lịch sử và địa lý. Việc này để giúp giáo viên chưa có kiến thức chuyên môn của môn học có thể thực hiện được.

Giải pháp thứ hai mà Bộ GDĐT đã đưa ra là chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện hành để thực hiện môn học. Chúng tôi là những người trực tiếp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện chương trình bồi dưỡng này và hiện nay có khá nhiều Sở GDĐT triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên phổ thông theo nguyên tắc bồi dưỡng chéo.

Ví dụ, 1 giáo viên môn địa lý được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn lịch sử và ngược lại. Sau khi thực hiện bồi dưỡng xong thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm 1 giáo viên có thể dạy được 1 môn tích hợp.

Với giải pháp trước mắt, khi chúng ta chưa có giáo viên được bồi dưỡng đầy đủ tín chỉ thì có thể thực hiện linh hoạt tại các trường phổ thông, các cơ sở giáo dục.

Nếu như mà một giáo viên đã tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành sử địa thì hoàn toàn có thể dạy môn học của chúng tôi. Nếu không, thực tiễn Lịch sử và Địa lý là hai phân môn thì 2 giáo viên vẫn thực hiện và nhà trường có cơ chế thống nhất đánh giá môn học cho học sinh. Vì đây là 1 môn học, chỉ có một đầu điểm.

Trước mắt chúng ta cũng có giải pháp và lâu dài Bộ GDĐT cũng phối hợp với cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục để có giải pháp để các giáo viên yên tâm thực hiện đổi mới.

MC: Vâng, hy vọng những chia sẻ của thầy Tuấn và thầy Ninh sẽ giúp giáo viên có thêm niền tin và tin thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục.

Để đổi mới thành công, ngoài yếu tố giáo viên, thì việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực và đổi mới kiểm tra đánh giá cũng hết sức quan trọng. Bộ SGK Cánh Diều đã được thiết kế như thế nào để có thể hỗ trợ thầy cô giáo trong dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực và giảm áp lực cho học sinh, thưa các Thầy?

- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Quá trình dạy và học phải hết sức gắn bó, như vậy thay đổi mục tiêu, nội dung thì phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi, khi tất cả điều trên thay đổi thì kiểm tra đánh giá cũng phải thay đổi nhằm hỗ trợ lẫn nhau.

Vấn đề đặt ra với SGK tiếng Việt, Ngữ Văn của chúng tôi thay đổi phương pháp căn bản chỗ nào và đánh giá thay đổi chỗ nào?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Tô Thế

Thứ nhất, điều quan trọng nhất là phải chuyển từ dạy học nhồi nhét nội dung sang dạy học phát triển năng lực. Đây là hình thức mới, cụ thể trong môn Văn sẽ chuyển từ việc thầy cô giáo lên lớp nói cho học sinh nghe cái hay của tác phẩm đó thành tổ chức các hoạt động cho học sinh tự tìm tòi nghiên cứu.

Thầy cô nên thường xuyên tổ chức các hoạt động thực hành trên lớp để học sinh tự tìm hiểu bằng chính tâm hồn, nhận thức của các em. Chúng ta không áp đặt cách hiểu của người lớn, thầy cô giáo sẽ đóng vai trò định hướng, tham gia nhưng phải lấy hoạt động của học sinh làm chính.

Thứ hai, trong kiểm tra đánh giá môn Văn, cần đánh giá kỹ năng, suy nghĩ chân thực của học sinh, sản phẩm mà học sinh tự làm chứ không phải những bài văn mẫu, bài văn sao chép. Theo đó, cần đảm bảo yêu cầu kỹ năng đọc hiểu và viết của học sinh. Như vậy, cả hai đều phải thay đổi theo hướng đánh giá sản phẩm học sinh làm ra, phải đo được suy nghĩ chân thực của chính các em.

- TS Nguyễn Văn Ninh: Nối tiếp những nội dung thầy Thống vừa chia sẻ, để nói về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá của bộ môn Lịch sử- Địa lý lớp 6 như thế nào thì tôi khẳng định tác giả là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nên chúng tôi hiểu rất rõ thế nào là đổi mới.

Theo đó, sách mới thể hiện rõ phương pháp kiểm tra, phương pháp dạy học. Chúng tôi đã bám rõ công văn định hướng của Bộ GDĐT từ khởi động, hình thành kiến thức đến vận dụng trong việc định hướng các thầy cô dạy học ra sao. Chúng tôi thiết kế sát theo hướng dẫn của Bộ.

- TS Nguyễn Văn Ninh

Thứ nhất, hệ thống tư liệu kết hợp hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình. Không chỉ cung cấp thông tin mà còn đưa vào đó những lược đồ, tranh ảnh, hình ảnh tư liệu liên quan, qua đó giáo viên và học sinh tìm hiểu kiến thức. Từ đó, học sinh biết về lịch sử thông qua nhiều kênh thông tin chứ không chỉ tiếp thu một chiều kiến thức thầy cô nhồi nhét. Thứ hai, đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu không thể thiếu và đặc biệt quan trọng trong tiến trình.

Vì vậy, chúng tôi thể hiện rất rõ trong 2 điểm:

Một là kiểm tra đánh giá thường xuyên kết hợp định kì. Các tư liệu, câu hỏi trong SGK là cơ sở, gợi ý cho thầy cô tổ chức hoạt động trên lớp. Theo đó, thầy cô có thể đánh giá học sinh trên lớp chứ không cần thông qua các bài viết.

Hai là hệ thống câu hỏi, bài tập chúng tôi không đặt nặng phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà trọng những câu hỏi mà các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Theo đó, kiến thức rất nhẹ nhàng, không hàn lâm và các em có thể vận dụng rất linh hoạt.

Ví dụ, khi học về văn hoá Ấn Độ, văn hoá Ấn Độ có dấu ấn gì trong đời sống ở Việt Nam? Các em có thể chọn điệu múa, một cái tháp, một bộ trang phục để trình bày. Chúng tôi lồng ghép khéo trong đơn vị kiến thức để giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận.

- PGS-TS Mai Sỹ Tuấn: Trong chương trình mới, SGK mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của các em hơn là việc phải học thuộc, phải học ghi nhớ. Vậy, sách mới có hỗ trợ điều này không?

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã cố gắng làm điều đó trong bộ sách của mình, kết thúc mỗi phần thì đều có đánh giá định kỳ năng lực của học sinh. Tại sao việc dạy tích hợp là phụ hợp với quá trình dạy và học trong thời kỳ mới. Trao đổi trong khuôn khổ buổi toạ đàm này rất khó vì thời gian giới hạn, nhưng chúng tôi phải nói vì tôi tin rằng giáo viên cả nước đang lắng nghe buổi toạ đàm này, điều này rất cần thiết.

Dạy học tích hợp là nhu cầu phát triển năng lực, môn nào cũng vậy, không chỉ môn tự nhiên đâu, vì chỉ có dạy học tích hợp thì mới hình thành phát triển năng lực được. Trên thế giới người ta dạy tích hợp lâu chưa? Tôi khẳng định, đối với môn học tự nhiên, để tìm ra nước nào không dạy là tích hợp rất khó, kể cả nước anh em của chúng ta là Lào và Campuchia cũng đã dạy tích hợp lâu rồi.

Chúng ta phải hiểu đúng về tích hợp. Dạy và học tích hợp nhưng không phải hỗn độn môn này với môn kia mà vẫn phải dạy đúng như thế, nghĩa là kiến thức hoá học vẫn phải là hoá học, sinh học vẫn phải là sinh học, không biến dạng đi đâu cả, chẳng qua là chúng ta tích hợp các kiến thức, liên kết tạo thành mạch kiến thức với nhau.

Dạy học tích hợp phải đảm bảo tính đa dạng, tính tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi. Tất cả những tính chất này là sợi dây liên kết với nhau.

PGS-TS Mai Sỹ Tuấn.

Dạy và học tích hợp có khó không? Chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng để phù hợp với chương trình dạy và học trung học cơ sở và phổ thông. Thực chất tích hợp này là tích hợp nông, chứ chưa phải tích hợp quá sâu, tích hợp thành chuyên đề.

Nếu chỉ tích hợp có như vậy thì chỉ thuận lợi cho giáo viên dạy học, giáo viên vẫn nhận thấy mình dạy học như trước đây, nhưng thựt chất đã làm bật tính tự nhiên. Như vậy đã là tích hợp rồi nhưng chưa kịp nhận ra. Nhưng như vậy vẫn chưa thật sự đủ, đến lúc giáo viên vận dụng trong lúc dạy học thì Vật lý – Hóa học – Sinh học mới thật sự tích hợp.

Ví dụ, khi giáo viên dạy học sinh làm sữa chua, giáo viên không thể giao cho học sinh đo nhiệt độ mà phải hướng dẫn việc đo nhiệt độ như thế nào, kỹ năng đo nhiệt độ ra sao, như một giáo viên Vật lý. Bên cạnh đó, bạn phải hướng dẫn học sinh cân đường, đong nước và trộn hỗn hợp như một giáo viên Hóa học. Sau đó, giáo viên sẽ tiếp tục giải thích cơ chế lên men bằng kiến thức Sinh học. Như vậy, bằng một thí nghiệm đời thường nhưng đã biến thành một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và kết hợp kiến thức 3 môn trong đó.

Vậy tích hợp có khó không? Điều này tôi nghĩ người biên soạn chương trình đã lo vấn đề này, người viết sách đã tạo điều kiện cho giáo viên tích hợp kiến thức và chương trình. Và giáo viên cũng kế thừa những kiến thức trong bài giảng đã dạy để hoàn thành hiệu quả bài học.

Tôi cũng xin khẳng định có nhiều cách tích hợp và đó là một kiểu tích hợp chúng ta lựa chọn phù hợp với giáo viên, hay còn gọi là “tích hợp nông”. Nếu muốn sâu hơn, chúng ta phải chuyển qua dạy tích hợp theo chủ đề, nhưng chúng ta chưa thể tiến lên hình thức này và trên thế giới cũng rất ít người dạy theo hình thức tích hợp chuyên môn. Nhưng yên tâm là chúng ta sẽ làm được hình thức giảng dạy tích hợp phù hợp.

MC: Kính thưa quý vị và các bạn, chúng ta vừa được nghe các thầy Tổng chủ biên, chủ biên một số môn học của bộ SGK Cánh Diều giới thiệu, chia sẻ về rất nhiều điểm mới và điểm ưu việt của sách giáo khoa Cánh Diều lớp 2 và lớp 6.

- Rất hy vọng đây sẽ là những thông tin quý giá để giáo viên, học sinh và lãnh đạo các địa phương có thêm căn cứ cho việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 phù hợp với điều kiện KT-XH và tổ chức dạy học của mỗi địa phương.

Xin cảm ơn các thầy Tổng Chủ biên, Chủ biên và tác giả một số SGK bộ Cánh Diều đã nhận lời mời tham dự tọa đàm ngày hôm nay, chúc các thầy nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến trí và lực của mình cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tiếp ngay sau đây, chúng ta sẽ khám phá, trải nghiệm kho học liệu số của bộ SGK Cánh Diều, khi lần đầu tiên có sự bắt tay giữa đơn vị biên soạn, xuất bản SGK với đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục sớm tại Việt Nam, để tạo nên kho học liệu điện tử vô cùng phong phú, sinh động, phục vụ trực tiếp cho quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh trong thời gian tới.

Khách mời sẽ chia sẻ với chúng ta về nội dung này là ông ông Đào Xuân Hoàng - CEO Công ty Cổ phần Early Start.

Đào Xuân Hoàng - CEO Công ty Cổ phần Early Start.

Với niềm đam mê xây dựng ứng ứng dụng giáo dục đa phương tiện Monkey Junior, anh cùng với cộng sự của mình đã đạt Giải nhất Sáng kiến toàn cầu (GIST Tech - I 2016) tại Mỹ, Giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2016, Giải Vàng ICT các nước Đông Nam Á...

Ngoài Monkey Junior ra thì CEO Early Start là cha đẻ của 3 ứng dụng khác nữa là Monkey Stories, Monkey Math & VMonkey, đặc biệt như Monkey Stories cũng đạt được nhiều thành tích như được Apple vinh danh là 1 trong những ứng dụng tốt nhất của lập trình viên người Việt; Top1 ứng dụng học tiếng Anh được tải nhiều nhất tại Việt Nam...

Xin chào ông Đào Xuân Hoàng, lý do vì sao ông và các cộng sự của mình đã “bắt tay” với đội ngũ biên soạn, xuất bản SGK Cánh Diều để phát triển kho học liệu số của SGK, trong khi mảng SGK từ trước đến nay vẫn luôn nhận được sự quan tâm, đòi hỏi rất khắt khe vì sự kỳ vọng rất lớn từ phụ huynh, dư luận?

- Ông Đào Xuân Hoàng - CEO Công ty Cổ phần Early Start: Chúng tôi có hơn 6 năm kinh nghiệm để xây dựng chương trình dạy học trực tuyến. Ở đây chúng tôi có hai chương trình được đón nhận một số lượng lớn học viên trên thế giới và cả nước, hơn 10 triệu người dùng.

Chúng tôi tin rằng với 6 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi đã có nhiều tích lũy về đội ngũ, trải nghiệm của người dùng để có thể hiểu rõ rằng, xây dựng một chương trình thực tế thì chúng tôi cần phải làm gì.

Vì vậy, khi hợp tác với Cánh Diều, chúng tôi nhận biết rõ thế mạnh của mỗi bên để cùng phát triển. Tôi biết rằng Cách Diều là đơn vị đã xây dựng được bộ sách có tiếng vang với đội ngũ chủ biên, tác giả uy tín, kết hợp với hệ thống, kỹ thuật tiên tiến của Early strat, tin rằng chúng tôi sẽ xây dựng được chương trình chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của phụ huynh cả nước.

MC. Vâng, chúc cho những dự định của nhóm biên soạn sẽ sớm thành hiện thực, để có thêm nguồn tài nguyên phong phú phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Thưa quý vị và các bạn, một trong những điểm quan trọng thể hiện trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, đồng thời cho phép nhiều bộ sách giáo khoa được xây dựng trên cơ sở một chương trình khung thống nhất. Việc này đã tạo ra cơ chế mới thúc đẩy nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia biên soạn SGK.

Và “Cánh diều” là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên thực hiện hóa Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhằm cung cấp cho học sinh và giáo viên trong cả nước một bộ sách có chất lượng, phù hợp với điều kiện dạy và học ở Việt Nam.

Thông qua những chia sẻ của đội ngũ Tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, quý độc giả, giáo viên và học sinh trên cả nước đã biết được nhiều điểm mới, điểm ưu việt của các SGK lớp 2 lớp 6.

Hiện bản PDF các sách giáo khoa đã được công khai trên website của Sách Cánh Diều để giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu. Với tinh thần cầu thị, đội ngũ tác giả, biên soạn tiếp tục tiếp thu ý kiến của thầy cô vì mục tiêu có bộ sách phù hợp, chất lượng cho học sinh. Tiếp ngay sau đây chúng ta đến với phần II của tọa đàm.

Các khách mời trong phần II của tọa đảm: Ảnh: Tô Thế.

Lựa chọn sách giáo khoa: Làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật?

MC: Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, theo đánh giá của bà, đến thời điểm này, việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã đạt được những kết quả ra sao? Đâu là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống, với kỳ vọng thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục?

- Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Nghị quyết 88 đối với chương trình SGK là một Nghị quyết rất quan trọng của Quốc hội, hướng tới việc triển khai cụ thể hoá Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới bản toàn diện giáo dục. Trong suốt hành trình Bộ Giáo dục và Chính phủ triển khai Nghị quyết 88, Quốc hội luôn theo sát. Trong năm 2020, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88 phát hiện ra những vấn đề, đánh giá kết quả cũng như đặt ra kế hoạch trong thời gian tới.

Qua giám sát, chúng tôi thấy việc triển khai Nghị quyết 88 đạt được rất nhiều kết quả dù tiến độ hơi trễ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ưu tiên về chất lượng thay vì chạy theo thời gian. Đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng được một một chương trình trước khi xây dựng một bộ SGK. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi giúp tạo định hướng.

Chương trình là pháp lệnh, còn SGK là dữ liệu nên việc triển khai SGK sẽ theo hướng có nhiều SGK trong một môn học. Đây chính là quan điểm thay đổi cách nhìn của chúng ta và kết quả là chúng ta đã thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Với chương trình Lớp 1 cho thấy, chúng ta đã thành công trong việc xã hội hoá SGK. Sự tham gia của bộ SGK Cánh diều cũng đã thực sự góp phần vào việc triển khai những bước đi đầu tiên trong thành công của chương trình đổi mới SGK.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: Tô Thế

Thông qua giám sát, chúng tôi cũng phát hiện ra một số vướng mắc: Trong các công đoạn triển khai, quá trình triển khai còn gặp nhiều khăn như thay đổi về thẩm quyền lựa chọn SGK, chương trình tổng thể còn trễ nên khoảng thời gian xây dựng bộ SGK bị ngắn lại, ảnh hưởng đến chất lượng SGK hay cơ sở vật chất, đội ngũ chưa đảm bảo để triển khai chương trình SGK…

MC: Cảm ơn những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Mai Hoa. Bây giờ chúng ta sẽ lắng nghe những tiếng nói từ cơ sở, những người trực tiếp thực hiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Từ thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, thưa cô Vũ Thúy Hiền – Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội, cô có đánh giá ra sao về khả năng tiếp thu của học sinh - cả về kiến thức và phẩm chất, năng lực cần đạt - sau 1 học kỳ triển khai dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa mới?

- Bà Vũ Thúy Hiền – Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội: Đối với việc triển khai dạy và học chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, cụ thể tại trường Tiểu học Tô Hiến Thành là bộ sách Cánh Diều, đến nay đã đi được 3/4 chặng đường.

Bà Vũ Thúy Hiền. Ảnh: Tô Thế

Mặc dù thời gian qua, học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng dịch COVID-19 và phải học trực tuyến nhưng quay trở lại trường, tôi thấy học sinh vẫn tiếp cận kiến thức mới rất tốt.

Trong dạy trực tuyến có thể khó khăn với nhiều trường ở các tỉnh nhưng đối với các trường ở Hà Nội thì các con học không quá khó khăn. Các con học rất hứng thú khi được tiếp cận với bộ sách Cánh Diều.

Hiện tại, các con học sinh lớp 1 đã phát triển năng lực tự tin trong giao tiếp. Đây là điểm khác biệt và hơn hẳn so với các năm trước. Qua việc dự giờ tại các lớp học trực tuyến, tôi thấy các con đọc to, mạnh dạn, tự tin, năng lực tự học cao. Ngoài ra, các bài học trong sách Cánh Diều cũng nhấn mạnh các phẩm chất yêu nước, chăm chỉ, nhân ái, trách nhiệm, giúp học sinh được tiếp cận và rèn luyện ngay trên ghế nhà trường.

MC: Theo dõi dư luận xã hội thời gian qua, chúng ta có thể thấy vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Thưa Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh – Phó trưởng Phòng Thông tin dư luận Xã hội, Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, trước hết, với tư cách là một phụ huynh, bà kỳ vọng gì về lần đổi mới giáo dục này? Bà đánh giá ra sao về những mặt đã làm được và những điểm cần rút kinh nghiệm sau hơn 1 học kỳ ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới?

- Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh: Trên cương vị là phụ huynh, tôi đặc biệt quan tâm đến chương trình đổi mới sách giáo khoa lần này. Lần thay đổi sách giáo khoa mới nhất là vào năm 2000, tính đến nay đã được 20 năm rồi. Chính vì vậy, lần đổi mới này là vô cùng cần thiết và tất yếu.

Qua chia sẻ của các thầy chủ biên, biên soạn SGK mới, tôi thấy rằng, các thầy rất tâm huyết, với khát vọng đưa giáo dục Việt Nam sánh ngang với nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Với tư cách là phụ huynh, tôi cảm thấy rất an tâm. Chúng tôi, phụ huynh có con ở bậc học phổ thông kỳ vọng sách giáo khoa mới sẽ tinh gọn, tránh việc ôm đồm quá nhiều kiến thức, theo hướng để học sinh có hứng thú trong học tập, đặt học sinh là trung tâm, có phương pháp giáo dục đa chiều, tạo cho các con sự chủ động tích cực tham gia; giúp các con không chỉ có về mặt kiến thức mà còn hình thành một phẩm chất, năng lực của một công dân toàn cầu.

Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh – Phó trưởng Phòng Thông tin dư luận Xã hội, Viện dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Tô Thế.

Về mặt hình thức, tôi kỳ vọng có SGK mới sẽ có hình thức thể hiện đa dạng, phong phú, để cho các con mỗi ngày đến trường đều là một niềm vui chứ không phải là áp lực. Đánh giá về các mặt đã làm được và chưa được trong bộ sách giáo khoa mới, quan điểm của cá nhân tôi cho rằng cần phải có đánh giá khách quan, toàn diện, không chỉ những người viết sách, mà cả chuyên gia, phụ huynh, các tổ chức giáo dục… Có vấn đề mà tôi cho rằng cần phải lưu tâm đó là một tỉnh nhưng có các bộ sách khác nhau, việc trao đổi trong chuyên môn giữa các giáo viên là rất khó. Chính vì vậy, cần có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

MC: Còn quan điểm của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông đánh giá đâu là thành quả lớn nhất sau 1 học kỳ ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới?

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Năm vừa qua, để thực hiện Nghị quyết 88, chúng ta có 5 bộ sách ra đời, trong đó có bộ sách xã hội hoá Cánh Diều được viết bởi nhiều chuyên gia giỏi. Để đánh giá một bộ sách như thế nào thì chúng ta phải hiểu nào là bộ sách tốt. Bộ sách nào được chọn nhiều thì là tốt, bộ sách nào đưa vào trong xã hội mà được hoan nghênh và có hiệu quả thì bộ sách đó tốt.

Cá nhân tôi có dịp đi nhiều địa phương , tôi có gặp và nhiều người nói rằng bộ SGK Cánh Diều đẹp, hấp dẫn với học sinh, giáo viên. Về nội dung, giáo viên cho rằng dễ dạy, học sinh dễ học. Bên cạnh đó, tôi cũng rất tin tưởng các chủ biên, tác giả của bộ sách Cánh Diều, tin rằng họ đã viết và thể hiện đầy đủ kiến thức trong bộ SGK.

MC: Xin cảm ơn các vị khách mời.

Theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2021-2022 sẽ triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6. Hiện các địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch lựa chọn sách và tập huấn cho giáo viên.

Tôi xin được chuyển câu hỏi đến bà Vũ Thúy Hiền – Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội việc lựa chọn sách giáo khoa ở cơ sở hiện nay đang được thực hiện như thế nào, giáo viên có gặp khó khăn gì không trong việc tiếp cận các bộ sách giáo khoa, khi năm học này tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch bệnh? Trong quá trình tiếp cận với bản thảo các bộ SGK, cô có nhận xét gì về những ưu điểm và hạn chế của SGK mới so với sách hiện hành?

- Bà Vũ Thúy Hiền: Với việc lựa chọn SGK mới còn gặp nhiều khó khăn bởi các cán bộ giáo nghiên cứu bộ sách chủ yếu trên bản mềm và chưa có bản cứng. Việc nhiều đầu sách khiến giáo viên khó nghiên cứu chuyên sâu và kỹ lưỡng. Hơn nữa, giáo viên khi cập nhập xem sách, nhiều trường hợp đường truyền không tốt, để xem và nghiên cứu được một đầu sách thường mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên nhà trường cũng đã yêu cầu 100% giáo viên trong trường ngay trong tháng 2 phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, và có những ý kiến đóng góp về bộ SGK.

Về ưu điểm, tôi thấy hầu hết các bộ SGK đều mang tính kế thừa SGK hiện hành, hấp dẫn với các kênh hình kênh chữ đẹp, tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời phân hoá theo chủ đề giúp giáo viên hoạt trong dạy học. Đặc biệt, với nội dung các đầu sách Tiếng Việt lớp 2, các tác giả viết các bài đọc rất gần gũi, dễ hiểu, có tính giáo dục cao. Về hạn chế, một số đầu sách có kênh hình hơi nhiều, gây rối, nội dung yêu cầu của một số môn hơi cao so với học sinh lớp 2. Tôi mong những ý kiến đóng góp trên được đến tay những tác giả, để các tác giả tham khảo và chỉnh sửa kịp thời trước khi bộ SGK đến tay học sinh trong năm học sắp tới.

MC: Cũng liên quan đến việc chọn sách, hiện nay có nhiều băn khoăn khi Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định việc lựa chọn sách giáo khoa là thẩm quyền của mỗi nhà trường. Luật giáo dục năm 2019 có hiệu lực vào tháng 7.2020 quy định: “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, việc hướng dẫn chọn sách giáo khoa theo luật liệu có gây xáo trộn trong việc chọn sách không, vì có thể xảy ra việc năm nay học sinh học sách lớp 1 của NXB này, nhưng sang lớp 2 có thể học bộ sách khác?

- Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Nếu nói về xáo trộn thì ít nhiều chúng ta phải chấp nhận có sự xáo trộn. Bởi khi thay đổi thẩm quyền lựa chọn thì khó mà không có xáo trộn. Khi Quốc hội bàn đến việc cần thay đổi thẩm quyền thì Bộ Giáo dục có sự chuẩn bị tâm thế rõ ràng. Thông tư 01 về lựa chọn SGK được xây dựng cùng với Dự thảo của Thông tư 25 về lựa chọn SGK theo Luật Giáo dục. Cả 2 Thông tư ra đời ở thời điểm khác nhau nhưng lại cùng được xây dựng dự thảo trong một bối cảnh chung, nên về phía cơ quan Nhà nước đã chuẩn bị rất kỹ, khi Luật chính thức có hiệu lực thì lập tức thông tư 25 ra đời thay thế cho Thông tư 01.

Tôi thấy quá trình triển khai và hướng dẫn của Bộ Giáo dục diễn ra rất bài bản. Qua chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Vũ Thúy Hiền, có thể thấy tại địa phương đang thực hiện đúng quy trình Bộ GDĐT yêu cầu, phát huy vai trò nhà trường, giáo viên và phụ huynh để có nội dung góp ý cũng những quy trình đề xuất lựa chọn từ cơ sở. Đây là quy trình nhằm bảo đảm triển khai thực hiện lựa chọn SGK, cố gắng hạn chế thấp nhất sự xáo trộn. Hi vọng các địa phương tôn trọng sự lựa chọn của các trường để có quyết định đúng đắn nhất với hệ thống SGK được lựa chọn.

MC: Trong việc chọn SGK, vai trò của các nhà trường, giáo viên, các tổ chuyên môn-những người trực tiếp tham gia giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng. Vậy khi tiến hành lựa chọn sách theo quy định trong Luật Giáo dục 2019, thì giáo viên sẽ có vai trò ra sao? Tôi xin được chuyển câu hỏi đến bà Vũ Thúy Hiền.

- Bà Vũ Thúy Hiền - Phó Hiệu trưởng, trường Tiểu học Tô Hiến Thành: Vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng, bởi giáo viên là người trực tiếp đứng lớp, chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn giảng dạy của mình. Giáo viên cũng là người hiểu về nội dung dạy và học nhất, nắm bắt được tâm sinh lý, lứa tuổi của học sinh – phù hợp với mức độ nào. Do vậy, những ý kiến của giáo viên là ý kiến gần nhất, xác đáng nhất.

Khi đánh giá, lựa chọn bộ SGK, với cương vị là lãnh đạo nhà trường, tôi yêu cầu giáo viên của mình phải nghiêm túc, đọc thật kỹ và thẳng thắn trao đổi, thấy danh mục nào chưa phù hợp thì phản biện ngay, không lựa chọn theo cảm tính. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên là nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, khi lựa chọn phải khách quan, công bằng, đúng pháp luật, chịu trách nhiệm khi đặt bút, bỏ phiếu cho đầu sách giáo khoa mà mình đã chọn.

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 8 Thông tư 25, lãnh đạo Nhà trường giao cho tổ chuyên môn tập hợp những ý kiến, lựa chọn của giáo viên, yêu cầu giáo viên phải đọc lại, xem lại, phải nghiên cứu kỹ, sau đó, có những buổi họp đánh giá, bỏ phiếu kín, lựa chọn đầu sách giáo khoa. Theo tôi, giáo viên chính là những người chọn công tâm nhất, giúp cho những nhà lãnh đạo có cái nhìn chính xác nhất về các bộ SGK mới.

MC: Dù trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa thuộc về lãnh đạo trường và hay lãnh đạo địa phương, thì điều phụ huynh quan tâm nhất là con em họ phải được học bộ sách giáo khoa tốt nhất. Khi thực hiện một chương trình nhiều SGK thì cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh.

Tuy nhiên, không ít người lo ngại sẽ có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, có khi bộ sách giáo khoa tốt không đến được với học sinh. Theo các vị khách mời, giải pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này, để việc lựa chọn sách được thực hiện minh bạch, công khai, đúng quy định của pháp luật?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông có đồng tình với các ý kiến trên?

- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ : Nghị quết 88 đã quy định giáo viên là người lựa chọn, theo Luật Giáo dục là giao cho chính quyền địa phương là người lựa chọn. Nghe qua thì có vẻ khác nhau nhưng theo tôi thực chất là một. Bởi cơ bản nhất là giáo viên là người dạy, nghiên cứu sâu sắc thì việc lựa chọn là phù hợp. Còn về chính quyền địa phương, năm trước không giao trách nhiệm cuối cùng vẫn tập hợp ý kiến giáo viên để “đặt hàng” sách. Vì vậy, năm nay giao trực tiếp thì địa phương sẽ có trách nhiệm hơn. Cụ thể là thành lập hội đồng để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc lựa chọn bộ sách phù hợp.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: Tô Thế

Năm vừa rồi, chúng ta có thuận lợi là bộ sách Cánh Diều được nhiều người lựa chọn, ở nhiều địa phương giáo viên cho rằng nó hiệu quả. Năm nay, ví dụ, tôi là giáo viên, năm trước tôi đã dạy bộ sách SGK tốt và năm nay bộ sách đã được tác giả biên soạn và chỉnh sửa phù hợp thì sẽ tiếp tục lựa chọn. Bên cạnh đó, những trường không sử dụng bộ sách Cánh Diều nhưng họ nhìn nhận lại thấy SGK Cánh Diều phù hợp, họ sẽ lựa chọn và ngược lại.

Còn với sách lớp 2, lớp 6 theo tôi thấy thì bây giờ giáo viên đã đi tập huấn giới thiệu và các tác giả trong quá trình biên soạn sách cũng đã dạy thử ở các địa phương, theo đó số tiết dạy đã chiếm tới 10% số tiết quy định của Bộ GDĐT. Và trong quá trình giới thiệu sách, có cả bản cứng để các giáo viên địa phương xem xét lựa chọn.

Vì vậy, theo tôi, trước hết muốn làm bộ sách tốt thì tác giả rất là quan trọng. Như thế thì các tác giả sách Toán lớp 1 Cánh Diều đã viết tốt, thì các tác giả sẽ viết sách lớp 2 và lớp 6 cũng sẽ tốt. Giáo viên và chính quyền địa phương sẽ xem xét và đưa ra ý kiến. Từ đó, các nhà biên soạn sẽ xem xét sửa chữa, bổ sung và chính quyền địa phương sẽ quyết định bộ sách phù hợp.

MC: Vậy Thạc sĩ Từ Thúy Quỳnh nghĩ sao về vấn đề này?

Rõ ràng đây là vấn đề tất cả chúng ta đều quan tâm. Cá nhân tôi khi nghiên cứu về Nghị quyết 88, tôi nhận thấy tinh thần lựa chọn bộ sách phù hợp với từng địa phương, phù hợp với khả năng và các yếu tố văn hóa vùng miền. Vì vậy, việc lựa chọn sách phù hợp với từng địa phương, mang tính ổn định và tránh xáo trộn phải được các cơ quan chức năng, các trường chuẩn bị tốt.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm việc lựa chọn SGK phải xuất phát từ nhà trường và giáo viên.

Chúng ta cần phải có sự tham vấn của nhà trường và giáo viên để những người có kinh nghiệm chuyên môn nghiên cứu, đọc nội dung trong sách và đưa ra ý kiến hợp lý.

Thậm chí cần những hội thảo bàn bạc giữa giáo viên và lãnh đạo nhà trường, từ đó có những tham mưu cho Sở GDĐT để có thêm định hướng trong công tác chỉ đạo để tránh sự xáo trộn và đi đến mục tiêu cuối cùng là học sinh phải cảm thấy hứng thú, yêu thích và giáo viên phải cảm thấy dễ dạy, từ đó giúp gia đình giảm được áp lực, cuối cùng hướng tới mục tiêu học tập suốt đời và nâng cao tính tự học cho học sinh.

MC: Còn bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà có quan điểm ra sao về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ vấn đề này rất hay, bởi chúng ta đưa ra cơ chế xã hội hoá sách giáo khoa thì cũng là mục tiêu tất cả muốn đạt đến là phấn đấu để có bộ sách giáo khoa tốt nhất. Việc làm sao để chúng ta có bộ sách giáo khoa tốt nhất đến với học sinh mà tránh được tiêu cực trong khâu chọn sách là vấn đề chúng ta phải đặt ra.

Để tránh được những tiêu cực này, chúng ta phải nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Trước hết là khâu biên soạn, sau một năm triển khai SGK lớp 1 cho thấy, chính giáo viên học sinh qua thực tế, giảng dạy là kênh khẳng định rõ nhất cuốn sách nào có thể đưa vào thực tiễn. Vì vậy các tác giả phải rất quan tâm đến điều này. Không thể có kênh nào ủng hộ nếu không qua được sự lựa chọn của học sinh và giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa.

Thứ hai là khâu thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia. Rõ ràng với trách nhiệm cao nhất, với tinh thần làm việc của mình thì những bộ sách đã qua được sự thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia thì chúng ta nên tin tưởng. Chắc chắn những cuốn sách này phải đảm bảo chất lượng.

Nhưng vấn đề đặt ra tiếp nữa là sách hay, sách có chất lượng chưa chắc đã được giáo viên lựa chọn. Như cô hiệu trưởng chia sẻ thì SGK cần phải hay, dễ hiểu để giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học. Như vậy, những yếu tố này sẽ đảm bảo sự công khai, minh bạch để đưa bộ SGK tốt nhất đến với học sinh.

MC: Còn cô Vũ Thúy Hiền, cô có kỳ vọng ra sao về việc đổi sách giáo khoa mới trong thời gian sắp tới?

Đối với trường chúng tôi, việc công bằng trong lựa chọn SGK thì ngay từ cơ sở phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của giáo viên trong việc đóng góp để có thể lựa chọn ra đầu sách có chất lượng tốt nhất. Sau đó, các cấp lãnh đạo phải lắng nghe ý kiến ở các cấp cơ sở gửi lên để chọn được bộ sách theo mong muốn của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đồng thời để việc chọn SGK bình đẳng, minh bạch thì việc lựa chọn phải minh bạch, công bằng, đúng pháp luật.

Chúng ta chỉ cần giám sát, kiểm tra, nghiêm túc trong khâu lựa chọn sách và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và giáo viên thì tôi nghĩ rằng sẽ làm tốt vấn đề này. Và tôi, giáo viên, học sinh cũng như cha mẹ học sinh luôn luôn mong chờ quyết định đúng đắn, sáng suốt của các cấp lãnh đạo để có bộ SGK tốt nhất đến học sinh.

MC: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ rất tâm huyết của các vị khách mời. Quý vị và các bạn thân mến, chúng ta vừa lắng nghe cuộc trao đổi với các vị khách mời xoay quanh chủ đề “LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA: LÀM SAO ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, ĐÚNG PHÁP LUẬT?”

Thưa quý vị và các bạn, Nghị quyết 88 của Quốc hội khẳng định, đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, góp phần chuyển biến nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của người học.

Lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này được kỳ vọng là bước đà quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Với lộ trình triển khai chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 sắp tới, khó khăn vẫn còn, khi năm học này tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự đổi mới nào bước đầu cũng sẽ có những vất vả, khó khăn, đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực, kiên trì và sự chia sẻ, đồng hành của toàn xã hội để đổi mới đi đến thành công.

Trong buổi tọa đàm, các khách mời cũng có những chia sẻ, kiến nghị và rất mong phía cơ quan quản lý giáo dục, các địa phương sẽ có những lắng nghe, vì mục tiêu có được những bộ sách giáo khoa tốt nhất cho học sinh.

Chương trình tọa đàm của báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ quý giá và xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nhiều phản hồi tích cực sau học kỳ sử dụng sách giáo khoa Cánh diều lớp 1

Minh Ánh - Đặng Chung |

Trong năm học đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới, bộ sách Cánh Diều đã được nhiều nhà trường tin tưởng lựa chọn, bởi tính ưu việt của nó. Sau những nỗ lực, nhiều giáo viên tự hào kể về thành quả của mình sau một học kỳ dạy học.

Tọa đàm: “Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên"

Bích Hà |

14h ngày 10.3, Báo Lao Động sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6: Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Bộ GDĐT lên tiếng về đề nghị chỉ sử dụng 1 bộ SGK chung cho cả nước

HUYÊN NGUYỄN |

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi kiến nghị của cử tri tới Bộ GDĐT đề nghị cần xem xét, quy định thống nhất sử dụng một bộ sách giáo khoa (SGK) cho từng lớp học trong phạm vi cả nước.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhiều phản hồi tích cực sau học kỳ sử dụng sách giáo khoa Cánh diều lớp 1

Minh Ánh - Đặng Chung |

Trong năm học đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới, bộ sách Cánh Diều đã được nhiều nhà trường tin tưởng lựa chọn, bởi tính ưu việt của nó. Sau những nỗ lực, nhiều giáo viên tự hào kể về thành quả của mình sau một học kỳ dạy học.

Tọa đàm: “Những điểm ưu việt của bộ SGK lớp 2, lớp 6 xã hội hóa đầu tiên"

Bích Hà |

14h ngày 10.3, Báo Lao Động sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Sách giáo khoa mới lớp 2, lớp 6: Những điểm ưu việt của bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn).

Bộ GDĐT lên tiếng về đề nghị chỉ sử dụng 1 bộ SGK chung cho cả nước

HUYÊN NGUYỄN |

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã gửi kiến nghị của cử tri tới Bộ GDĐT đề nghị cần xem xét, quy định thống nhất sử dụng một bộ sách giáo khoa (SGK) cho từng lớp học trong phạm vi cả nước.