Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đang có sự bất hợp lí và lãng phí rất lớn trong việc xuất bản, sử dụng SGK.
“Điều 29 của dự thảo quy định “Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập”, như thế này thì mỗi trường có quyền lựa chọn. Mỗi trường một SGK thế này thì sẽ ra sao? Tính chính quy sẽ như thế nào...”, ông Phùng Quốc Hiển chất vấn.
Ông Hiển cũng cho rằng, việc SGK chỉ được sử dụng một lần là rất lãng phí, tốn kém rất lớn cho xã hội.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trăn trở về chủ trương trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình nhiều SGK. Nội dung này đã được nêu trong Điều 29 của dự án sửa đổi Luật Giáo dục nhưng chưa được quy định rõ ràng. Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học.
Bà Hải đề nghị bổ sung quyền của người học và phụ huynh học sinh trong việc được biết về bộ sách nhà trường chọn học và có đồng ý theo học bộ sách được chọn đó không.
Không thể để nhà trường chọn SGK vì có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh:
“Giáo viên gợi ý học sinh phải mua, không mua lại gây khó khăn trong chấm điểm. Tôi cho rằng, nhất thiết phải thống nhất một loại SGK cả nước. Không thể để các trường, địa phương nào thích chọn loại SGK nào thì chọn. Cuối cùng giáo dục theo truyền thống Việt Nam thì bị bỏ, chỉ theo các tỉnh thôi, dẫn đến cục bộ. Giáo dục như thế là không toàn diện, không tổng thể”, ông Tỵ nói.
SGK dùng một lần gây lãng phí
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, hiện nay cử tri hết sức bức xúc với việc SGK sử dụng một lần.
Trưởng ban Dân nguyện cho biết, qua tìm hiểu, tổng doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm 2015 là 1041 tỉ đồng; 2016 là 1.147 tỉ đồng; năm 2017 là 1.203 tỉ đồng. Đặc biệt, theo thống kê, năm 2016 số lượng SGK phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản; năm 2017, con số này là 50,4%…. Đây mới chỉ là SGK, chưa kể sách tham khảo.
Bà Hải nhấn mạnh, cử tri phản đối việc sử dụng SGK một lần, vì như vậy là rất lãng phí. Ví dụ, năm 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra thị trường 100 triệu bản SGK. 100 triệu bản sách này sang năm hoàn toàn không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để... bán đồng nát.
Bà Hải cũng cho biết thêm, tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỉ đồng để mua SGK. Nguyên nhân lãng phí được chỉ ra là do những quyển sách đó chỉ sử dụng một lần bởi có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải….
Vấn đề này cử tri theo đuổi rất lâu, các đại biểu Quốc hội cũng nói rất nhiều, vì thế, bà Hải đề nghị trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này cần quan tâm tới nội dung trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ: “Đổi mới phải thống nhất, đồng bộ, không nên mỗi nơi một kiểu, làm khổ học sinh. SGK phải có tính phổ quát, nên có chú thích để vùng miền nào cũng hiểu được”.
Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK quy định:
SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.