Các trường đồng loạt đưa ra khuyến cáo
Tại Trường Đại học Hà Nội, theo kế hoạch, ngày 1.3.2022 sinh viên sẽ trở lại giảng đường học trực tiếp. Hiểu rõ tâm lý sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất đến từ các tỉnh còn bỡ ngỡ, nhà trường đã đưa ra một số lưu ý cụ thể như: Nếu phải di chuyển bằng các phương tiện vận tải công cộng, sinh viên cần chú ý các biện pháp phòng chống dịch nơi đông người như khẩu trang y tế, giữ khoảng cách,…
Đặc biệt, nếu di chuyển bằng xe ôm nên đặt xe ôm công nghệ qua phần mềm, bật định vị điện thoại khi di chuyển và xem trước lộ trình từ bến xe đến trường. Đồng thời, không mang nhiều tiền trong người, mọi thứ nên chuyển khoản nếu có thể.
Ngoài ra, sinh viên trước khi đến trường học trực tiếp cần nắm rõ lịch học tại trường. Nếu cần sự hỗ trợ, sinh nên liên hệ với các khoa mình học, các đơn vị chức năng, ký túc xá, phòng công tác sinh viên.
Tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - khuyến cáo, tân sinh viên và sinh viên nếu có nhu cầu tìm trọ hãy liên hệ với đội ngũ hỗ trợ, tránh trường hợp các em bị lừa hoặc thuê với giá cao. Ngoài ra, hiện nay có nhiều cạm bẫy đang rình rập sinh viên như lừa đảo đa cấp, vay nặng lãi. Vì vậy, sinh viên cần tỉnh táo trước những chiêu trò này.
Trao đổi về vấn đề hỗ trợ tân sinh viên nhập học, GS.TS. BS Lê Trung Hải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho biết, nhà trường đã giao giáo viên chủ nhiệm cùng đội thanh niên xung kích hỗ trợ, tư vấn, tìm nhà trọ cho cho sinh viên có nhu cầu; nỗ lực đưa sinh viên trở lại trường học an toàn. GS Hải hy vọng, sinh viên có ý thức giữ gìn an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Tự giữ an toàn cho chính mình
Nhớ lại ngày đầu lên thành phố lớn học tập, Vũ Thị Hương - sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, cách đây 3 năm em đã một mình bắt xe lên trường đại học. Lúc đó, một thân một mình đến môi trường lạ lẫm khiến Hương đôi chút lo sợ. Vì vậy, Hương khuyên các bạn tân sinh viên nên đi cùng người thân, bạn bè. Nếu buộc phải đi một mình cần cảnh giác và có ý thức bảo vệ chính mình.
"Nếu di chuyển bằng ôtô, tàu hỏa hãy chủ động đặt vé, lên xe tốt nhất không nên nói chuyện với người lạ. Hạn chế để lộ thông tin cá nhân, số tài khoản, nơi sinh sống. Đặc biệt, lúc đến nơi không rời khỏi nơi đông người với người lạ, giữ nguyên vị trí đợi người thân đến đón hoặc đặt xe công nghệ. Nếu sinh viên đi xe khách, tàu hỏa nên để ví tiền sâu trong ba lô, đi xe bus nên đeo ba lô trước ngực dù ngồi hay đứng” - Hương chia sẻ.
Dành lời khuyên cho tân sinh viên đến các thành phố lớn nhập học, Nguyễn Hồng Nhật - sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền lưu ý, sinh viên nên đi cùng người thân, bạn bè đến nhà trọ để kiểm tra an ninh, điều kiện cơ sở vật chất trước khi nhập học.
"Em khuyên các bạn mới đến Hà Nội nên đi cùng bố mẹ hoặc bạn thân để có thể giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không nên đi một mình vì khi gặp sự cố sẽ không biết nhờ ai. Đặc biệt, nên đi xem phòng trọ trước khi chuyển vào, tránh trường hợp bị lừa đảo, tranh chấp hoặc không an toàn" - Nhật nói.
Từng chạm mặt đa cấp, lừa đảo trong quá trình học tập và sinh sống tại Hà Nội, Vũ Linh Giang - sinh viên năm 4 Trường Đại học Thương Mại khuyên các bạn tân sinh viên nên đề phòng cạm bẫy, không bất chấp kiếm tiền.
"Các bạn tân sinh viên trước khi đi làm thêm cần xác định rõ công việc mình muốn làm là gì, mang lại lợi ích gì và bản thân sẽ phân bổ thời gian ra sao? Trước khi đi làm cần tìm hiểu kỹ nơi làm việc, điều kiện làm việc và yêu cầu của công việc.
Đặc biệt chú ý, không nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt về đầu tư bán hàng với số vốn nhỏ nhưng lợi nhuận khủng, làm giàu nhanh chóng hay làm việc nhẹ lương cao,..." - Giang đưa ra lời khuyên.