Tấm gương nhà giáo Việt Nam 2017: Khi nằm xuống chỉ mong được đi qua trường lần cuối

Cao Xuân Lương (THPT Hoàng Diệu-TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) |

Vào nghề giáo từ năm 1981, đến nay đã tròn 36 năm và cũng chừng đó năm thầy gắn bó với vùng đất cù lao bốn bề sông nước nằm cuối dòng sông Hậu, tiếp giáp với hai cửa biển Mỹ Thanh và Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng.

Ba sáu năm chưa phải là dài, nhưng với những gì đã cống hiến cho ngành giáo dục vùng đất cù lao đã cho thấy thầy là một nhà giáo tận tụy, tâm huyết với nghề, hết mình vì đàn em thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo, rất xứng đáng được tôn vinh.

Đó là thầy Mai Văn Vân, Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam, phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam tuyên truyền những tấm gương nhà giáo đã tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Báo Lao Đông xin được đăng tải những bài viết đoạt giải tại cuộc thi “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” 2017.

Thầy Mai Văn Vân sinh năm 1959 ở phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Cần Thơ, thầy không xin về Sóc Trăng mà chấp hành sự phân công của tổ chức, tình nguyện về nhận nhiệm vụ tại Cù Lao Dung, huyện Long Phú.

Lúc bấy giờ, vùng đất Cù Lao Dung có 3 xã là An Thạnh 1, An Thạnh 2 và An Thạnh 3 thuộc huyện Long Phú. Để đến với Cù Lao Dung chỉ có một phương tiện duy nhất là đường thủy với những chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm mỏng manh hay có đò lớn nhưng mỗi ngày chỉ có một chuyến.

Khi đó, ngành giáo dục đã phân công giáo viên về Cù Lao Dung nhưng không ai mặn mà với vùng đất xa xôi, khó khăn đó nên nhiều người đến rồi…tìm cách ra đi. Việc thầy tình nguyện sang Cù Lao Dung khiến cho nhiều người ngạc nhiên (và nể phục). Đến Cù Lao Dung, thầy được phân công về xã An Thạnh 2.

 
Thầy Mai Văn Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Văn Tố, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng .

Thầy kể cho tôi nghe: Khi đến xã An Thạnh 2 thì chưa có trường cấp 2, chưa có học sinh và cũng chưa có giáo viên. Để có học sinh, thầy đến các ấp vận động các em ra lớp. Sau nhiều ngày lặn lội, có 34 học sinh theo thầy vào lớp 6. Chưa có phòng học, thầy và trò phải đi xin cây, lá về dựng tạm một phòng học trên mảnh đất hoang.

Để có bàn ghế, thầy đi xin cây tạp trong vườn của người dân như cau, dừa, bạch đàn,…về xẻ ra đóng bàn ghế. Riêng mình, thầy lấy cây cau xẻ ra đóng một liếp giường để làm chỗ ngả lưng vào ban đêm, mà phòng nghỉ của thầy cũng chính là phòng học của trò.

Thiết bị dạy học không có, sách giáo khoa cũng không, thầy lại sang tận Thị trấn Long Phú để xin. Từ Cù lao Dung sang Long Phú mỗi ngày chỉ có một chuyến đò và chỉ chạy theo con nước lớn, tầm từ quá nửa đêm đến 4 giờ sáng.

Vậy là, gần nửa đêm, trong khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thầy lại mò mẫm ra bờ sông ngồi chờ đò. Khi nghe tiếng tù và của nhà đò vang lên, thầy đốt đuốc lá dừa giơ lên cao làm tín hiệu để nhà đò biết mà tấp vào bờ đón khách. Trường lúc đó chỉ có 34 học sinh và một giáo viên là thầy nhưng vẫn phải dạy đủ các môn. Thầy lại đi tìm một giáo viên ở nơi khác đến dạy hợp đồng các môn khoa học xã hội, còn thầy chịu trách nhiệm các môn khoa học tự nhiên.

Cứ thế, mỗi năm vận động được một lớp, xin cây lá dựng thêm một phòng học. Đến năm 1983, trường được UBND xã cấp cho một khu đất diện tích khoảng 1.000m2 và phụ huynh hỗ trợ vật liệu, dựng được 5 phòng học khang trang: Cột đúc xi măng, đòn tay bằng gỗ dầu, mái lợp lá, vách che bằng lá, nến vẫn là nền đất. “Phòng học như vậy là khang trang lắm rồi. Với cơ ngơi đó, trường THCS An Thạnh 2 chúng tôi đã được nhiều người biết đến khi chính thức hình thành một cách qui mô và có nhiều giáo viên từ các địa phương khác đầu quân về trường, nhiều điểm trường được mở trong xã” - thầy Vân chia sẻ.

 
Trường THPT Đoàn Văn Tố chào mừng năm học mới. 

Năm 1990, thực hiện chủ trương của ngành, mỗi xã chỉ có một trường THCS tại trung tâm xã nên các điểm trường THCS trong xã An Thạnh 2 gom lại còn 1 trường THCS ở trung tâm xã.

Chủ trương này đã gây khó cho học sinh vì có nhiều em ở xa, đi lại khó khăn vì sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vậy là, nhiều học sinh học hết lớp 5 phải nghỉ học.

Trước thực trạng đó, thầy đã đề nghị mở 3 điểm lẻ của trường THCS ở những vùng xa và thầy lại đi vận động học sinh ra lớp. Với cách làm này, đã có hơn 500 học sinh đi học trở lại.

Năm 2002, thành lập huyện Cù Lao Dung thì xã An Thạnh 2 chia thành 3 đơn vị là thị trấn Cù Lao Dung, xã An Thạnh 2 và An Thạnh Đông. Và những điểm lẻ do thầy và đồng nghiệp mở đều trở thành trường THCS của xã với đủ giáo viên, học sinh.

Năm 1997, trường THCS An Thạnh 2 được chuyển thành trường THPT cấp 2-3 An Thạnh 2 với 87 học sinh lớp 10. Lúc đó, do thiếu giáo viên THPT nên nhiều phụ huynh chuyển con em họ đi nơi khác học và trường có nguy cơ… không có học sinh.

 
Các thế hệ học sinh của trường luôn phát huy tinh thần ham học, hiếu học, quyết tâm học tập tốt....  

Nhận định được tình hình, thầy đã đề nghị cấp trên cho trường tuyển dụng giáo viên THPT về giảng dạy với các chính sách ưu đãi và hợp đồng giáo viên THPT ở các trường lân cận về thỉnh giảng. Kết quả, nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh đầu quân về trường công tác và trở thành cư dân đất Cù Lao Dung như cô Huỳnh Thị Diễm Ngọc, thầy Trần Văn Thạch, thầy Ngô Quốc Hưng…Từ đó, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao.

Năm 2002, huyện Cù Lao Dung chính thức được thành lập. Cả huyện với 23.606,29ha diện tích tự nhiên và 58.031 nhân khẩu của 8 xã, thị trấn nhưng chỉ có 1 trường THPT, thầy Mai Văn Vân đã nghĩ đến việc học sinh THCS của các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam và một số địa bàn của xã An Thạnh 2, sau khi tốt nghiệp THCS có nhiều em nghỉ học do nhà ở xa trường THPT Đoàn Văn Tố.

Vì vậy, thầy đã đề nghị lãnh đạo cho mở phân hiệu cấp THPT tại trường THCS xã An Thạnh 3. Thực tế cho thấy, việc mở phân hiệu THPT tại trường THCS xã An Thạnh 3 đã giúp nhiều học sinh theo học hết chương trình THPT và đến năm 2005, trường THPT An Thạnh 3 được thành lập. Hiện nay, số học sinh của trường trên 380 em, với 10 lớp. Như vậy, chỉ từ 1 lớp 6 năm học 1981-1982 của trường THCS An Thạnh 2, đến nay, với sự đóng góp không nhỏ của thầy Mai Văn Vân, huyện Cù Lao Dung có 3 trường THCS, 2 trường THPT, tạo điều kiện cho hàng chục ngàn học sinh được đến trường học tập đầy đủ.

Trở lại với ngôi nhà chung THPT Đoàn Văn Tố, thầy Mai Văn Vân hào hứng cho biết: “Năm 1997, trường được thành lập, đến năm 2017 là tròn 20 năm. Trong thời gian đó, trường đã có 4.148 học sinh học lớp 12, trong đó có 3.425 em đỗ tốt nghiệp THPT, trên 500 em đỗ vào các trường đại học có danh tiếng.

Con số này so với các trường bạn thì không lớn nhưng với vùng đất cù lao cách trở này lại là kỳ tích. Nói như thế là vì, năm 2001 trường có 75 học sinh tốt nghiệp THPT, trong khi đó, từ năm 1975 cho đến trước năm 2000, số học sinh của đất Cù Lao Dung học xong lớp 12 chưa tới con số này. Hiện nay, số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại huyện có tới trên 80% là học sinh cũ của trường”.

 
 

Khi tôi hỏi những năm đầu về trường có nhiều khó khăn như vậy, đã có lúc nào thầy tính đến chuyện rời cù lao như nhiều người trước đó hay không thì thầy nói ngay: “Hồi còn học THCS ở Sóc Trăng, tôi đã sang Cù Lao Dung nên hiểu được thiệt thòi của các em học sinh ở đó. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ ở Cù Lao Dung, tôi đã xác định mình sẽ gắn bó với vùng đất này.

Năm 2019 tôi sẽ nghỉ hưu, với gần 40 năm gắn bó với đất Cù Lao Dung, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc rời nơi này để về Sóc Trăng. Còn hỏi cái gì níu chân tôi ở Cù Lao Dung thì tôi nói ngay đó là tình người sâu nặng, là lòng ham học, hiếu học, quyết tâm theo học của con người đất cù lao đã níu chân tôi lại.

Bao năm tháng ở đây, tôi nhận được rất nhiều tình cảm của phụ huynh, của học sinh, của đồng nghiệp rất sâu sắc. Những ngày mới sang, khó khăn không thể tả nổi, phụ huynh cho gạo, học sinh mang thức ăn tới, thầy trò chung tay chung sức xây dựng trường. Kỷ niệm đó làm sao quên được, làm sao mình có thể đi nơi khác được.

Với tôi, Sóc Trăng là nơi sinh, còn Cù Lao Dung là nơi tôi gắn bó hết đời mình. Sau nay, khi nằm xuống, tôi chỉ có một mong muốn là hãy cho tôi được đi qua, nhìn lại trường lần cuối là mãn nguyện rồi”.

Bên cạnh nhiệm vụ là Phó Hiệu trưởng, thầy Mai Văn Vân còn giữ cương vị Chi hội trưởng Chi hội khuyến học của trường và đã vận động được gần 2 tỉ đồng cho quỹ Khuyến học - Khuyến tài, cấp hàng ngàn suất học bổng cho hàng ngàn học sinh.

Ngoài ra, thầy còn là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ của trường, đã có nhiều đóng góp cho phong trào như lo bữa cơm miễn phí cho học sinh nghèo, hiến máu nhân đạo, các hoạt động an sinh xã hội khác, góp phần lớn cho thành công chung của Chi hội cũng như của nhà trường.

Thầy Huỳnh Minh Tự, nguyên giáo viên trường THPT Đoàn Văn Tố, nay là Phó Chánh thanh tra Sở GDĐT Sóc Trăng tâm sự: “Thầy Mai Văn Vân là người ở thành phố Sóc Trăng nhưng lại chọn Cù Lao Dung làm quê hương thứ hai của mình. Công lao của thầy với giáo dục Cù Lao Dung rất lớn. Chúng tôi thường hay nói đùa thầy là người có công “khai hoang mở trường” cho vùng đất cù lao sông nước”.

 
Thầy Mai Văn Vân (giữa)  vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác. 

Với những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục, liên tục nhiều năm thầy đạt đanh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm 2014 là Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ, Liên đoàn lao động,.. tặng nhiều bằng khen; UBND huyện Long Phú, huyện Cù Lao Dung, Sở GDĐT Sóc Trăng tặng nhiều giấy khen.

Cao Xuân Lương (THPT Hoàng Diệu-TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.