Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội - nói rằng, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường đều ủng hộ phương án ít môn thi tốt nghiệp THPT để giảm thiểu áp lực, căng thẳng cho các em.
Thầy Dương cho biết, để hỗ trợ tối đa cho lứa học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã thay đổi, cải tiến phương thức kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ theo định hướng phát triển năng lực người học, phù hợp với mục tiêu của chương trình mới.
“Các em học sinh khối 11 sớm định hướng học tập của riêng mình. Các em cũng đã có thời gian làm quen với kỳ kiểm tra, đánh giá, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng sau này” - thầy Dương nói.
Thầy Đặng Ngọc Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn - cũng bày tỏ sự ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Thầy Tú đánh giá, phương án này phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bởi, tại các tỉnh miền núi, học sinh lựa chọn môn như Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật… nhiều hơn so với các môn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên.
“Với phương án thi này, học sinh sẽ dành thời gian học môn theo định hướng nghề nghiệp đã chọn; mặt khác giảm chi phí cho gia đình, xã hội” - thầy Tú nhận định.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, nội dung thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Theo đề xuất của Bộ GDĐT, giai đoạn 2025-2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Phấn đấu đến khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.