243.690 nhà giáo được tiêm đủ 2 mũi vaccine
Ưu tiên tiêm vaccine cho giáo viên, học sinh, đặc biệt các em ở độ tuổi từ 12-18 tuổi, để các em sớm được trở lại trường trong trạng thái "bình thường mới" là đề xuất của ngành Giáo dục và các địa phương trong thời gian qua.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhiều lần nhấn mạnh đến nhiệm vụ tìm giải pháp để học sinh được trở lại trường học an toàn, trong đó có việc tìm nguồn vaccine để tiêm cho giáo viên, học sinh.
Sau chỉ đạo này, dựa trên nguồn vaccine được Bộ Y tế phân bổ, các địa phương đã tiến hành rà soát và ưu tiên tiêm cho đội ngũ giáo viên.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện có 26 tỉnh, thành phố báo cáo về việc đã triển khai tiêm vaccine cho cán bộ, giáo viên. Trong đó, có 420,606/738,115 nhà giáo được tiêm mũi 1 - đạt 56,98%; 243.690 nhà giáo được tiêm mũi 2.
Số cán bộ, giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng được tiêm vaccine cũng rất thấp, trong số 72 đơn vị có báo cáo gửi Bộ GDĐT, thì mới có 20.140/38.115 người được tiêm mũi 1, 11.393 người được tiêm mũi 2.
Những địa phương có tỉ lệ giáo viên được tiêm mũi 1 cao như: Hà Nội có hơn 96% giáo viên được tiêm; Đà Nẵng đạt 96,8% giáo viên được tiêm mũi 1. Tại TPHCM, hầu hết giáo viên đã được tiêm mũi 1… Đây đều là những “điểm nóng” về COVID-19 trong thời gian qua.
Những địa phương còn lại, hoặc chưa báo cáo, hoặc do chưa có vaccine phân bổ về nên giáo viên chưa được tiêm. Vì hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 được thực hiện trong phạm vi toàn quốc, nhưng ưu tiên cho các tỉnh thành có dịch trước, bởi vaccine đang rất khan hiếm.
Linh hoạt để học sinh có thể trở lại trường
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi mở cửa lại trường học, việc giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường học được tiêm vaccine là một trong những yếu tố tiên quyết. Nhưng trong hoàn cảnh khan hiếm vaccine như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào tiến độ tiêm phủ vaccine cho các nhóm đối tượng trong ngành Giáo dục, thì chưa biết thời điểm nào có thể mở cửa được trường học.
Tại TPHCM, dự định tiêm đủ 2 mũi vaccine cho nhà giáo, cán bộ nhân viên nhà trường trước ngày 20.11, nhưng còn phụ thuộc vào tiến độ và số lượng vaccine mà Bộ Y tế phân bổ cho. Tương tự, tại Hà Nội cũng đang chờ vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, rồi mới cân nhắc việc cho học sinh đi học trở lại.
Hiện tại, mỗi địa phương đang có những chỉ đạo khác nhau liên quan đến việc cho học sinh học đi học. Không ít địa phương hiện còn vài ca bệnh trong cộng đồng, thay vì khoanh vùng để cho học sinh những vùng xanh được đến trường thì lại cho toàn bộ học sinh trong tỉnh/thành nghỉ học.
Chẳng hạn, Hà Nội, lãnh đạo phòng GDĐT các huyện như Mê Linh, Sóc Sơn, Quốc Oai và nhiều vùng xanh khác đang tha thiết xin thành phố thí điểm cho học sinh ở các “vùng xanh” đi học trở lại, nhưng thành phố còn cân nhắc.
Thời gian qua, Bình Dương được nhắc tên là địa phương đã thực hiện tốt việc thích ứng, linh hoạt, tận dụng “vùng xanh” để cho học sinh được đến trường học trực tiếp.
Cụ thể, tỉnh này xây dựng tới 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch, để các nhà trường linh hoạt thực hiện. Trong đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỉ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%.
Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và tại “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch.
Hay tại Bắc Ninh, tỉnh này cũng có phương án phân tách theo từng khối lớp, từng địa bàn để cho học sinh được đến trường học tập. Thậm chí, ở những địa bàn thực hiện giãn cách, học sinh khối lớp 1, 2 ở địa bàn thôn/khu phố nào sẽ bố trí học tại thôn/khu phố đó, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Hà Nội và các địa phương khác hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm này để tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp cho học sinh ở “vùng xanh”, bên cạnh nỗ lực sớm tiêm phủ vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.