Sau 46 năm thống nhất đất nước: Chuyển đổi số thay đổi diện mạo ngành Giáo dục

Đặng Chung - Thiều Trang |

Thay vì những lớp học truyền thống với bảng đen phấn trắng, giáo án viết tay, tài liệu in, thời gian biểu cố định và những trang báo cáo dày cộp phải chuyển bằng đường công văn… thì nay cả thầy và trò không còn xa lạ với những lớp học ảo, tương tác với nhau trên không gian mạng. Đó không chỉ là sự xuất hiện của phương thức dạy học mới, với các giáo cụ mới, mà còn là việc ứng dụng sáng tạo công nghệ thông tin trong công tác quản trị nhà trường và đổi mới phương pháp dạy học. Điều này đã và đang góp phần thay đổi diện mạo, kiến tạo một hệ sinh thái số trong giáo dục, để giúp học sinh, sinh viên có thể học tập mọi lúc, mọi nơi.

Trường học thông minh trong thời chuyển đổi số

Hệ thống điểm danh tự động; toàn bộ học liệu, giáo trình đều được số hóa giúp sinh viên tiếp cận tri thức một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc; Việc quản lý, quản trị của nhà trường từ cơ sở dữ liệu đến phân công giảng dạy, thanh toán, quản lý điểm… tất cả đều được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đây là những “đầu việc” mà Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã làm trong 2 năm qua để hướng đến mục tiêu xây dựng trường đại học thông minh đầu tiên của Việt Nam.

Chỉ tính riêng việc thay vì in giáo trình giấy để phát hành đến sinh viên, việc số hóa giáo trình đã giúp nhà trường tiết kiệm khoảng 2-3 tỉ đồng mỗi năm.

Trước đây, mỗi lần nhập học, sinh viên phải xếp hàng dài chờ đợi. Nhưng trong khóa tuyển sinh mới năm nay, tân sinh viên đã tự xác thực bằng cách chụp chứng minh thư, nhập thông tin, chụp ảnh và hệ thống sẽ tự động lưu trữ, cấp thẻ sinh viên cho các em. Giảng viên cũng giảm được rất nhiều công việc, hồ sơ sổ sách nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin và có thêm thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, nâng cao năng lực.

Nhà trường thay đổi, thầy cô thay đổi và trực tiếp các em sinh viên đã được hưởng lợi, đó dường như là một phần cơ hội mà dịch COVID-19 đã tạo ra cho không chỉ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà cho cả ngành Giáo dục. Và khái niệm về “trường học số”, “trường học thông minh” vốn xa lạ với thầy và trò, thì qua 2 mùa dịch lại trở nên gần gũi. Trong đó phải kể đến sự xuất hiện của những lớp học online, với các phương thức dạy học qua Internet, dạy học qua truyền hình.

Trên thực tế, nhiều giáo viên đã từng thừa nhận dạy học trực tuyến khó đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng cái lợi mang lại là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học được sử dụng nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mà chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá.

Trong thời gian qua, trong quá trình đi thực tế, PV Lao Động đã ghi nhận được nhiều hình ảnh xúc động, những tấm gương không ngừng thay đổi, nỗ lực vì học trò.

Thầy cô ăn vội hộp cơm trưa, cặm cụi bên chiếc máy tính, tự mày mò các công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams... Đây cũng là hình ảnh quen thuộc có thể bắt gặp ở nhiều giáo viên trên cả nước trong thời gian học sinh phải nghỉ học để phòng dịch.

Thầy Trương Đắc Cốc - Giáo viên Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) năm nay ngoài 60 tuổi. 46 năm trước, do đất nước còn khó khăn, Internet còn xa lạ với người dân Việt Nam, thầy cũng như nhiều người dân quá quen thuộc với môi trường dạy học bằng bảng đen phấn trắng. Những năm 2000, dù đã có Internet, nhưng thầy thừa nhận, các thiết bị công nghệ vẫn là thứ rất xa lạ không chỉ với thầy mà với nhiều giáo viên.

Khoảng 5 năm qua, với yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thầy Cốc đã làm quen với máy tính, nhưng mới dừng ở việc trình chiếu trên lớp học trực tiếp, nên khi bước vào môi trường “buộc” phải dạy học trực tuyến vì học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, thầy thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn.

Không bỏ cuộc, quyết tâm thức đến 3h sáng để soạn bài phục vụ việc dạy học trực tuyến; khắp bàn làm việc là chi chít những tờ giấy note (ghi chú) các cách để sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams. Hết mày mò tự học lại đến học của con, của cháu, của học trò... Đây là những cách mà thầy Trương Đắc Cốc sử dụng để làm bài giảng trực tuyến của mình thêm sinh động trong những ngày thầy và trò của nhà trường phải tạm dừng đến trường để phòng dịch.

Đến hiện tại, khi đã trải qua “mùa COVID-19 thứ nhất” trong năm học 2019-2020, rồi “mùa COVID-19 thứ hai” trong năm học 2020-2021, từ con số không, nay thầy Cốc đã “giắt lưng” cho mình kha khá kinh nghiệm về dạy học trực tuyến để tự tin khẳng định: “Bây giờ thích dạy online hơn vì nhàn hơn”.

“Dạy và học trực tuyến giúp giáo viên và học sinh khai thác được công nghệ thông tin trong mọi tình huống, nâng cao khả năng tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu và thẳng thắn trao đổi với giáo viên. Hơn nữa, học sinh vẫn đảm bảo được nền nếp, kỷ cương như học trực tiếp. Vì vậy, đây không còn là giải pháp tình thế” - thầy Cốc khẳng định.

Và qua hai mùa dịch, từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, với những nỗ lực của thầy và trò trên cả nước, đến nay dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, khi học sinh đã trở lại trường, nhiều trường học vẫn duy trì việc ứng dụng công nghệ thông tin để dạy học trực tuyến trong điều kiện bình thường, tăng cơ hội học tập cho học sinh.

Lần đầu tiên có kho học liệu số trực tuyến

Thừa nhận dạy học trực tuyến khó đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng theo nhiều giáo viên, cái lợi mang lại là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học được sử dụng nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mà chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá.

Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số sẽ đào tạo nên những thế hệ công dân làm chủ công nghệ, thích ứng với tình hình mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội hội nhập quốc tế.

Xác định đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo mạnh mẽ trong việc triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học nhằm đổi mới phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học.

Các bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng từ cấp học mầm mon, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã liên tục được cập nhật và phát huy hiệu quả cho công tác dạy và học.

Kho học liệu số, học liệu mở đã được xây dựng với 7.000 bài giảng điện tử, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, thí nghiệm ảo. Vì vậy, khi dịch COVID-19 xảy ra, các trường học phải tạm dừng đóng cửa, nhưng với phương châm “dừng đến trường, không ngừng học”, có đến 80% trường học đã nhanh chóng chuyển sang dạy học trực tuyến, nhờ đó mà nhiệm vụ các năm học đã hoàn thành mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho học sinh và giáo viên toàn ngành.

Ngoài ra, đối với giáo dục đại học và giáo dục sư phạm, hiện tại có hơn 70% cơ sở đào tạo cả nước đã triển khai hệ thống thư viện điện tử, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đại học.

Hiện nay, có trên 50% đại học có hệ thống quản lý học tập. Nhiều trường triển khai thí điểm một số môn học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Ước tính khoảng 45,8% các trường có triển khai đào tạo chính quy trực tuyến, 110 trường trên tổng số 240 trường ở các mức độ khác nhau.

Đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh dạy - học trực tuyến.

Ông Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường đang cố gắng đẩy mạnh dạy học trực tuyến ở một số môn học. Theo đó, các thầy cô lên lớp giảng dạy sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, học sinh sẽ đăng ký vào lớp bằng tài khoản của các em.

“Nhà trường đã triển khai hơn 3.000 lớp học trong giai đoạn nghỉ học phòng dịch COVID-19 và dạy hơn khoảng 35.000 sinh viên theo học. Tôi nghĩ đây là kết quả tốt. Nếu không có môi trường học trực tuyến thì trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua nhà trường đã không hoàn thành được chương trình học theo đúng kế hoạch” - thầy Thắng nhấn mạnh.

Bước tiến trong điều hành quản lý

Sau 5 năm thực hiện Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2025, đến nay, ngành Giáo dục đào tạo đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng chính thức và dùng chung hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục toàn ngành tại 63 Sở GDĐT; hơn 700 Phòng GDĐT; xây dựng hồ sơ về cơ sở vật chất của 53.000 trường học; gần 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý; thu thập được 23.000.000 hồ sơ học sinh.

Hệ thống cơ sở ngành Giáo dục đã giúp các địa phương có đầy đủ và toàn diện dữ liệu giáo dục của địa phương mình một cách rõ ràng. Từ đó, đưa ra các quyết định đúng đắn trong điều hành, tuyển dụng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học sinh trong từng năm. Cơ sở dữ liệu địa phương đã triển khai đến nhiều nơi như: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cần Thơ…

Trong đó, Sở GDĐT Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong áp dụng CNTT và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành. Từ cơ sở dữ liệu được cung cấp, mỗi học sinh đã có mã số định danh và có đầy đủ thông tin về học lực, sức khỏe để nhà trường và gia đình có sự phối hợp tốt nhất.

Chia sẻ về thành công này, ông Lê Quốc Tiến - Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng - cho biết, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và dữ liệu cơ sở ngành của thành phố, hiện nay nửa triệu học sinh của thành phố đã có mã định danh.

“Như vậy, chúng tôi có thể theo dõi, chăm chút và bồi dưỡng các em học sinh từ cấp học mầm non đến Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT), tiếp tới đại học và ra đi làm. Từ đó chúng tôi phát hiện được các điểm thừa, điểm thiếu, những điểm mạnh để phát huy tốt nhất năng lực của các em học sinh giúp các em trở thành những công dân số, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cho TP.Hải Phòng cũng như đất nước” - ông Tiến thông tin thêm.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu ngành cũng giúp lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương nắm bắt được nhu cầu giáo viên của từng cấp học, từng môn học qua từng năm học để có kế hoạch tuyển dụng hợp lý, tránh để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Ngoài ra, với hệ thống giáo dục đại học, hệ thống thống kê về giáo dục đại học đã được triển khai và đến nay đã thu thập được 1,3 triệu hồ sơ sinh viên; 94.000 hồ sơ giảng viên của 247 trong tổng số 536 trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.

Đến nay, tất cả các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo đã triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử, kết nối và luân chuyển toàn bộ văn bản điện tử tới các đơn vị trực thuộc theo từng mức độ.

Chuyển đổi số trong giáo dục cần thay đổi từ tư duy

Trong tương lai, để chuyển đổi số thành công, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, phải bắt đầu từ những người thầy và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó, việc đầu tiên phải tập trung vào đổi mới phương pháp, công nghệ dạy và học, theo hướng lấy người học là trung tâm. Đồng thời, việc chuyển đổi số phải gắn với đổi mới quản lý giáo dục theo hướng phục vụ người dân và lấy dữ liệu làm nền tảng.

Ông cho rằng, con người phải thay đổi tư duy để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi, hiện tại học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu, vì vậy người thầy cần thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án.

“Chúng ta nên tận dụng những công nghệ nền tảng, các công cụ phần mềm sẵn có và bắt đầu chuyển đổi số bằng những việc nhỏ nhưng mang lại tác động lớn. Đó là đổi mới quản lý từng lớp học, đổi mới nội dung từng tiết học, từng bài giảng, tăng tương tác giữa thầy - trò ở trong và ngoài lớp học, để từng học sinh tham gia tích cực, chủ động hơn vào quá trình học tập. Người thầy hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học, sử dụng các kho học liệu mở và phần mềm miễn phí sẵn có” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý.

Ủng hộ định hướng và quyết tâm của ngành Giáo dục trong việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp, có căn cứ và khả thi.

“Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường, thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đặng Chung - Thiều Trang
TIN LIÊN QUAN

Gần 2 triệu học sinh đến lớp, lý do 1 em trường Xuân Phương vẫn học online

Văn Thắng - Vương Hà |

Từ ngày 2.3, gần 2 triệu học sinh Hà Nội quay trở lại trường. Tuy nhiên, em N.Đ.N.K (lớp 3E, Trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn tham gia học trực tuyến cùng các thầy cô.

TPHCM quy định mức thu học phí trong thời gian học online phòng dịch

TÂM AN |

TPHCM quy định mức thu học phí trong thời gian học online phòng dịch COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Giáo dục 24/7: Học sinh tại Hải Dương có thể học online đến giữa tháng 3

Nhóm PV |

Tin tức giáo dục ngày 26.2: Học sinh tại Hải Dương có thể học online đến giữa tháng 3; Nhiều trường đại học có chính sách ưu tiên với học sinh giỏi cấp THPT; Các trường quân đội không tuyển sinh ngành tài chính, quan hệ quốc tế năm 2021;...

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Gần 2 triệu học sinh đến lớp, lý do 1 em trường Xuân Phương vẫn học online

Văn Thắng - Vương Hà |

Từ ngày 2.3, gần 2 triệu học sinh Hà Nội quay trở lại trường. Tuy nhiên, em N.Đ.N.K (lớp 3E, Trường Tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn tham gia học trực tuyến cùng các thầy cô.

TPHCM quy định mức thu học phí trong thời gian học online phòng dịch

TÂM AN |

TPHCM quy định mức thu học phí trong thời gian học online phòng dịch COVID-19 đối với các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Giáo dục 24/7: Học sinh tại Hải Dương có thể học online đến giữa tháng 3

Nhóm PV |

Tin tức giáo dục ngày 26.2: Học sinh tại Hải Dương có thể học online đến giữa tháng 3; Nhiều trường đại học có chính sách ưu tiên với học sinh giỏi cấp THPT; Các trường quân đội không tuyển sinh ngành tài chính, quan hệ quốc tế năm 2021;...