Sách Tiếng Việt 1 sửa nội dung bài “Tôi đi học” khô cứng như gỗ đá

Ths Phan Thế Hoài |

Những người biên soạn sách Tiếng Việt 1 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (KNTTVCS) sửa nội dung văn bản "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh khiến bài đọc khô cứng như gỗ đá.

Thời gian qua, dư luận bàn tán xôn xao bài đọc “Tôi đi học” (Thanh Tịnh), trang 45, sách Tiếng Việt 1, tập 2, bộ KNTTVCS (Bùi Mạnh Hùng chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam), có nội dung khác với nguyên tác mà họ đã từng học. Theo đó, văn bản “Tôi đi học” có nội dung như sau (ảnh).

Bản “Tôi đi học” tại sách lớp 1
Bản “Tôi đi học” tại sách lớp 1

Văn bản này có 2 đoạn, đoạn thứ nhất, tác giả sách đã thay đổi một số từ ngữ so với nguyên tác (tôi đối chiếu với bài “Tôi đi học”, Ngữ văn 8, tập 1, trang 5-8, NXB Giáo dục Việt Nam). Cụ thể, đoạn 1, sách Tiếng Việt 1, bộ KNTTVCS có 4 câu: “Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi. Hôm nay tôi đi học”.

Còn nguyên tác trong sách Ngữ văn 8 có 3 câu: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”.

Việc thay đổi này dẫn đến đoạn văn trong sách Tiếng Việt 1 mất đi phần nào kí ức đẹp của cậu học trò lớp 1. Chẳng hạn, Thanh Tịnh viết: “Buổi mai hôm ấy”, nhờ chữ “ấy”, ta biết đây là dòng thời gian quá khứ, xác định, tác giả không thể nào quên khoảnh khắc lần đầu tiên đi học “đầy sương thu và gió lạnh”.

Hay văn bản tách phần phụ chú “hôm nay tôi đi học” thành một câu là chưa diễn tả được hết tâm trạng của nhân vật “tôi” – “đang có sự thay đổi lớn”, “tôi” đã trưởng thành, không còn như thuở mầm non nữa. Chưa kể, đoạn trích trong sách Tiếng Việt 1 đọc lên có cảm giác gượng gạo, làm mất đi chất thơ trong văn bản trữ tình của nhà văn Thanh Tịnh.

Đoạn thứ hai trong sách Tiếng Việt 1: “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân. Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi tự nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào”.

Còn một số câu văn trong sách Ngữ văn 8 là: “Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ”; “Một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười, đang đón chúng tôi trước cửa lớp”; “Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào”.

Đối chiếu những câu văn trên, rõ ràng tác giả sách Tiếng Việt 1 đã chỉnh sửa, cắt gọt nội dung so với nguyên tác và gom thành một đoạn mới.

Điều khiến tôi không khỏi băn khoăn đó là, văn bản “Tôi đi học” trong sách Tiếng Việt 1 - bộ KNTTVCS, ghi chú “theo Thanh Tịnh” nhưng nội dung văn bản thì chắp vá, sai lạc so với nguyên tác, vậy tác giả sách có vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ hay không?

Bởi, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, “khi dùng các tác phẩm văn học vào các mục đích khác nhau như in tuyển tập theo một vài tiêu chí, chọn từng phần hay toàn bộ tác phẩm vào sách có mục đích, trích có phân tích hoặc trích từng phần vào ấn phẩm mới, chuyển thể sang loại hình phái sinh… đều phải được phép của tác giả hoặc của người được quyền đại diện.”

Ngoài ra, văn bản “Tôi đi học” ở sách Ngữ văn 8 là bài học đầu tiên – đúng vào ngày tựu trường. Còn “Tôi đi học” ở sách Tiếng Việt 1 - bộ KNTTVCS, tận mãi trang 45, liệu còn mang dư vị “tôi đi học” hay không?

Với nhiều thế hệ học sinh, “Tôi đi học” sống mãi cùng thời gian bởi tác phẩm được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.

Chính vì vậy “Tôi đi học” đã làm rung động trái tim bao thế hệ bạn đọc trong hơn nửa thế kỉ qua: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Nhà văn Thanh Tịnh sinh ra ở xóm Gia Lạc thuộc làng Dương Nỗ, một làng quê ngoại ô phía đông thành Huế. Nếu tính từ ngày đầu đi học của nhà văn Thanh Tịnh (sinh 1911), “Tôi đi học” đến nay cũng đã hơn 100 năm.

(Bài viết theo góc nhìn và văn phong tác giả- một giáo viên tại TPHCM)

Ths Phan Thế Hoài
TIN LIÊN QUAN

Cùng con trong ngày khai giảng đặc biệt

PHAN DUY NGHĨA (HÀ TĨNH) |

Sáng nay dậy sớm cùng với các con dự Lễ khai giảng trực tuyến, nhìn các con mặc đồng phục, thắt khăn quàng đỏ, đứng nghiêm trang trước tivi để chào cờ và hát quốc ca mà lòng tôi đầy cảm xúc.

Giáo viên nghẹn ngào trong lễ khai giảng khi sân trường không bóng học sinh

Minh Ánh |

Chia sẻ về cảm xúc khi bước đến trường dự lễ khai giảng nhưng không được gặp học sinh, cô Lê Thị Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh, TP Cần Thơ không giấu nổi xúc động. Năm học mới bắt đầu bằng những điều khác lạ, khiến cho thầy và trò tại TP Cần Thơ không khỏi bùi ngùi...

Khoảnh khắc đáng nhớ trong buổi khai giảng đặc biệt nhất lịch sử

Linh Chi - Hải Nguyễn - Giang Phương |

Sáng 5.9, tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới diễn ra trực tiếp tại trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và phát trên truyền hình.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Cùng con trong ngày khai giảng đặc biệt

PHAN DUY NGHĨA (HÀ TĨNH) |

Sáng nay dậy sớm cùng với các con dự Lễ khai giảng trực tuyến, nhìn các con mặc đồng phục, thắt khăn quàng đỏ, đứng nghiêm trang trước tivi để chào cờ và hát quốc ca mà lòng tôi đầy cảm xúc.

Giáo viên nghẹn ngào trong lễ khai giảng khi sân trường không bóng học sinh

Minh Ánh |

Chia sẻ về cảm xúc khi bước đến trường dự lễ khai giảng nhưng không được gặp học sinh, cô Lê Thị Ánh Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh, TP Cần Thơ không giấu nổi xúc động. Năm học mới bắt đầu bằng những điều khác lạ, khiến cho thầy và trò tại TP Cần Thơ không khỏi bùi ngùi...

Khoảnh khắc đáng nhớ trong buổi khai giảng đặc biệt nhất lịch sử

Linh Chi - Hải Nguyễn - Giang Phương |

Sáng 5.9, tại Hà Nội, lễ khai giảng năm học mới diễn ra trực tiếp tại trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và phát trên truyền hình.